Dù tiêu chí lựa chọn chưa được đưa ra, hàng loạt doanh nghiệp lớn đã ngỏ ý xin được chỉ định thầu dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2.
Nhiều doanh nghiệp lớn "ứng tuyển" làm cao tốc Bắc - Nam và tự tin vào kinh nghiệm, năng lực của mình (Trong ảnh: Hầm Thung Thi do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả thực hiện thi công) Ảnh: Tạ Hải
Nhiều tên tuổi lớn đã sẵn sàng
Cuối tháng 8/2022, khi công trình hầm Thung Thi thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút để về đích, hầm Trường Vinh thuộc dự án Nghi Sơn - Diễn Châu rốt ráo triển khai để hoàn thành vào giữa năm 2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả lại tiếp tục lên kế hoạch để làm nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho biết sau khi biết chủ trương chỉ định thầu tại dự án, tập đoàn đã có văn bản đăng ký tham gia một số dự án thành phần ở khu vực miền Trung, đặc biệt là các dự án có công trình hầm lớn.
“Với kinh nghiệm đã thi công, quản lý các dự án hầm lớn nhất Việt Nam, Đèo Cả tự tin sẽ làm tốt nếu được giao”, ông Nam nói và cho biết, định hướng tham gia các dự án có hạng mục hầm cũng được Đèo Cả xác định là lời giải cho bài toán tiết giảm chi phí thi công, với sở trường nguồn nhân lực có sẵn, máy móc đã được khấu hao.
Là một trong những nhà thầu thi công đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam với tỷ trọng tham gia đầu tư thi công khoảng 12% (120km) trong tổng số hơn 1.000km đường cao tốc đã hoàn thành tại Việt Nam, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tiếp tục là công trình mà Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) dành sự quan tâm đặc biệt.
Ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin, cho biết để chuẩn bị cho việc “ứng tuyển”, doanh nghiệp đã chủ động đầu tư nguồn lực tăng 40% so với thời điểm đầu năm 2022. Tổng số đầu máy, thiết bị Phương Thành Tranconsin đang sở hữu là gần 1.700 chiếc, gần 1.000 kỹ sư, công nhân được đào tạo bài bản.
Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng là dự án mục tiêu của doanh nghiệp quân đội trong giai đoạn 2021 - 2025.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, cho biết mong muốn của đơn vị là được giao đảm nhận các gói thầu tại dự án thành phần qua Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên và đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Chỉ rõ thế mạnh đơn vị đang sở hữu, theo ông Ngọc, Binh đoàn 12 đang tham gia triển khai 8 gói thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Trong đó, tại gói thầu XL02 dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Binh đoàn 12 là đơn vị đầu tiên hoàn thành khối lượng công việc đảm nhận.
“Kinh nghiệm thi công cao tốc của Binh đoàn 12 cũng được khẳng định trong 10 năm qua khi đã tham gia, hoàn thành hơn 200km đường cao tốc trải dài khắp đất nước”, ông Ngọc nói và cho biết, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Binh đoàn 12 còn có nhiều thuận lợi với 33 đơn vị trải dài từ Bắc vào Nam với tính kỷ luật cao, thuận lợi trong việc làm chủ được các mỏ vật liệu, thi công dự án.
“Riêng về nhân lực, thiết bị, tính đến hiện nay, Binh đoàn 12 có tới 5.000 cán bộ cùng 10.000 lao động hợp đồng và hơn 2.500 đầu máy, thiết bị”, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc thông tin.
Thời gian qua, một loạt các nhà thầu khác cũng đã gửi đề xuất xin được chỉ định thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam như Xuân Trường đề xuất tham gia cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh xin tham gia thi công đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.
Một số nhà thầu khác như: Trung Nam, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Licogi 16, Vinaconex… cũng đề xuất được tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam với cam kết thi công vượt tiến độ 3 - 6 tháng, tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.
“Rộng cửa” cho nhà thầu
Một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, hiện tiêu chí cụ thể lựa chọn nhà thầu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vẫn chưa được xác định cụ thể do phải đợi thiết kế kỹ thuật của từng dự án.
Tại văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 8/2022 liên quan đến cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, các gói thầu xây lắp có quy mô lớn, từ 4.700 - 14.200 tỷ đồng.
Quy mô này sẽ khó lựa chọn được nhà thầu nếu áp dụng các tiêu chí theo quy định hiện hành (hợp đồng tương tự có giá trị lớn hơn hoặc bằng 70% giá gói thầu). Từ năm 2017 đến nay, chỉ có 3 nhà thầu xây lắp thực hiện công trình giao thông có giá trị 2.000 tỷ đồng, 2.327 tỷ đồng và 4.670 tỷ đồng.
Theo Bộ KH&ĐT, hiện Thông tư số 08/2022 đã quy định các tiêu chuẩn đánh giá theo hướng linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhà thầu chứng minh năng lực. Cụ thể, đối với gói thầu xây lắp, giảm giá trị yêu cầu đối với hợp đồng tương tự từ 70% như trước đây xuống còn 50% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét; các công trình/hạng mục tương tự mà nhà thầu đã hoàn thành có thể thuộc một hoặc nhiều hợp đồng (hợp đồng có thể đang thực hiện, chưa thanh lý);
Đồng thời, không đưa ra yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với vị trí mà pháp luật về xây dựng không yêu cầu, không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng khi tham gia dự thầu.
Thông tư 08/2022 cũng quy định, trường hợp gói thầu đặc thù không có nhà thầu nào đáp ứng về doanh thu bình quân hàng năm, hợp đồng tương tự thì chủ đầu tư, bên mời thầu được chỉnh sửa theo nguyên tắc có thể yêu cầu về doanh thu hàng năm, hợp đồng tương tự khác với quy định của các mẫu hồ sơ mời thầu. Tuy nhiên, phải đảm bảo việc phân chia gói thầu là hợp lý, không quá lớn để hạn chế cạnh tranh.
“Như vậy, quy định pháp luật hiện hành đã đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện chỉ định thầu đối với một số gói thầu về hạ tầng giao thông và y tế thuộc chương trình”, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Liên quan tiêu chí lựa chọn nhà thầu, theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), kể cả đấu thầu hay chỉ định thầu, tiêu chí đề ra trước hết phải là năng lực chuyên môn với những điều kiện ngặt nghèo về quy chế thưởng, phạt.
“Cam kết tiến độ cũng không nên trở thành tiêu chí lựa chọn mà phải xét đến năng lực thực sự, cam kết đưa ra công trường đúng máy móc, thiết bị, nhân lực. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng hồ sơ dự thầu thì rất đẹp, thợ toàn bậc 7, bậc 8 nhưng ra công trường lại đội nón đi dép lê”, ông Chủng nói.
Theo ông Chủng, các dự án thành phần lớn cũng cần nghiên cứu lựa chọn chỉ định tổng thầu (tổng thầu thiết kế bản vẽ và thi công hoặc tổng thầu thi công) để tạo sự đồng bộ về tiến độ, chất lượng thay vì xé lẻ cho một vài nhà thầu nhỏ. Khi tổng thầu được chỉ định sẽ có trách nhiệm lựa chọn và quản lý các nhà thầu phụ có sở trường từng lĩnh vực (cầu, hầm…).
Bày tỏ mong muốn khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng bước khảo sát, thiết kế, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, bãi thải cần phải làm kỹ.
Với cơ chế chỉ định thầu, các nhà thầu mong muốn được tham gia góp ý hồ sơ thiết kế, dự toán ngay từ đầu, trước khi phê duyệt, xem như một kênh phản biện độc lập để phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh giá cả thị trường còn nhiều biến động khó lường, phương pháp bù giá trực tiếp cũng cần được nghiên cứu áp dụng.