Việc Trung Quốc liên tục nới lỏng tiền tệ khiến giá trị đồng Nhân dân tệ (CNY) sụt giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, đặc biệt là USD.
Trung Quốc đẩy mạnh nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20.
Đồng CNY đã và đang mấy giá mạnh so với USD và cả VND.
“Bơm” 3.500 tỷ USD
Theo tính toán của các chuyên gia tại Bloomberg, với chính sách tiền tệ nới lỏng mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố trong 2 tuần gần đây, ít nhất 35.500 tỷ CNY, tương đương 5,3 nghìn tỷ USD đã được tung ra thị trường với lãi suất hấp dẫn.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 22/8 vừa qua, PBoC đã hạ lãi suất tham chiếu kỳ hạn 1 năm từ 3,7% xuống 3,65%, kỳ hạn 5 năm từ 4,45% xuống 4,3%. Nhiều ý kiến cho rằng, sau Hội nghị Jackson Hole, Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trung và dài hạn.
Sở dĩ PBoC liên tục nới lỏng tiền tệ do kinh tế nước này mất đà tăng trưởng do thực hiện chính sách zero-COVID trong thời gian quá dài. Goldman Sachs vừa hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ mức 3,3% xuống còn 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Bắc Kinh đưa ra 5,5% năm 2022.
Dù CPI tháng 7 của Trung Quốc mới chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sau khi “xả” hết gói tín dụng tương đương 1/3 giá trị GDP, cộng với “mạnh tay” cắt giảm lãi suất, lạm phát của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh, khiến đồng Nhân dân tệ có nguy cơ giảm mạnh hơn nữa.
CNY mất giá mạnh
CNY là đồng tiền “trượt giá” nhanh nhất ở Châu Á tính từ đầu năm đến nay. Cụ thể, đồng tiền này hiện chỉ ở mức 6,8653 CNY/USD, mức thấp nhất kể từ khủng hoảng 2008 và dự báo sẽ còn giảm mạnh hơn nữa so với USD.
Theo đó, VND cũng đã tăng mạnh so với CNY, hiện tỷ giá CNY/VND chỉ ở mức 3.409, giảm khoảng gần 6% kể từ đầu năm nay. Trong trường hợp này, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn và xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đắt hơn. Thậm chí, hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Nhìn chung, việc CNY giảm giá mạnh sẽ để lại nhiều hệ lụy, cần có giải pháp ứng phó.
Thứ nhất, công cụ lãi suất ở bên kia biên giới “buộc” Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc, gây bất lợi cho tình hình sản xuất kinh doanh trong nước. Hàng Việt khó khăn hơn trên sân nhà.
Thứ hai, hàng Trung Quốc ồ ạt “chảy” vào Việt Nam, có nguy cơ lặp lại tình trạng “đội lốt” xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu theo kênh “thị trường xám”, nhất là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng như hiện nay, nhiều quốc gia áp dụng “nhập khẩu song song” qua thị trường không chính thức.
Thứ ba, kích thích giao dịch tiểu ngạch, thậm chí buôn lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, và ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.
Các chuyên gia cho rằng, một trong những biện pháp đa mục đích là Việt Nam cần cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí phi chính thức để doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn. Nếu CNY tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa, NHNN cần có biện pháp can thiệp tỷ giá để giảm thiểu tác động đối với các doanh nghiệp.