• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 5:37:02 CH - Mở cửa
Khi ‘ông lớn’ muốn bắt tay doanh nghiệp Việt xây chuỗi cung ứng toàn cầu
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 29/08/2022 8:14:32 SA
Sau Apple, Boeing cũng đang rục rịch có các động thái chuẩn bị cho kế hoạch xây chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam, giống như cách mà các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Intel đã làm. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phải lớn lên để đáp ứng được nhu cầu của chính các tập đoàn đa quốc gia. 
 
Bên lề Diễn đàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Việt Nam mới đây, ông Michael Nguyễn, Tổng giám đốc Boeing Việt Nam bày tỏ mong muốn tìm các nhà sản xuất, cung ứng tại Việt Nam. 
 
Khi ông lớn muốn bắt tay
 
Ông Michael Nguyễn cho hay, hiện Boeing có 7 nhà cung cấp đặt cơ sở tại Việt Nam nhưng chỉ có một công ty của Việt Nam. Về lâu dài, Boeing muốn được làm việc trực tiếp với các nhà cung cấp Việt Nam bởi hiện tại đa phần thông qua các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.

 
Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất. 
 
Tổng giám đốc Boeing Việt Nam bày tỏ: "Chúng tôi thực sự muốn được làm việc thẳng với các công ty Việt Nam, nhưng doanh nghiệp trong nước cần tập đi trước khi chạy. Chúng tôi rất muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh và chạy nhanh".
 
Theo ông Michael Nguyễn, máy bay của Boeing đều có các linh kiện từ Việt Nam như bộ phận phần cánh hay cửa ra vào. Boeing đánh giá nhân viên, chuyên gia người Việt sẽ phát triển tốt khi được quan tâm đúng mức với tố chất cần cù sẵn có. Do đó, hãng muốn theo hướng của Samsung, Intel vào Việt Nam để mở rộng hoạt động.
 
Trong khi đó, ông Craug Abler, Giám đốc cấp cao chuỗi cung ứng khu vực châu Á của Boeing cũng cho biết đã giới thiệu với các đối tác Việt Nam về các tiêu chí, chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng để có thể trở thành nhà cung ứng cho Boeing. Doanh nghiệp Mỹ này cũng sẽ đi thăm các nhà máy tiềm năng và có đội ngũ để hỗ trợ phát triển nhà cung ứng tại Việt Nam.
 
Mặt khác, trong 30 năm tới, theo dự tính của các chuyên gia, Đông Nam Á sẽ cần tới 4.000 máy bay, trong đó Việt Nam dẫn đầu về nhu cầu này. Boeing muốn trở thành nhà cung cấp chiến lược cho Việt Nam.
 
Số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) đang cho thấy, làn sóng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD.
 
Khối nội đã sẵn sàng?
 
Tuy nhiên, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vẫn là vấn đề đáng quan tâm. Ông Li Jin Wang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Eva Hải Phòng (Hồng Kông – Trung Quốc), cho hay chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng đã trên 5 năm nay nhưng không tìm được nhà cung ứng từ Việt Nam.

 
Boeing Việt Nam bày tỏ mong muốn tìm các nhà sản xuất tại Việt Nam. 
 
Nguyên nhân là do kỹ thuật của nhà cung cấp Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, số lượng và chất lượng. Đồng thời, giá sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang cao hơn sản phẩm tương tự của nước ngoài từ 5-10%. Sản phẩm khuôn mẫu, linh kiện ở Việt Nam bị hạn chế năng lực thiết kế, không làm chủ được công nghệ khuôn mẫu, quy mô sản lượng còn thấp nên càng khó cạnh tranh. Trong khi đó, so sánh với Trung Quốc, họ đảm bảo được cả giá thành và chất lượng.
 
Bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cũng cho biết thêm hầu như các vendor (nhà cung cấp) cấp 1 tại Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu.
 
Các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng là bởi, đa số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đáp ứng được các đơn hàng lớn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
 
Trong khi đó, để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của những tập đoàn toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có khi phải cần đến khoản vốn đầu tư máy móc, thiết bị lên tới 5 - 10 tỷ USD. Đây thực sự là “quá sức” với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
 
Về vấn đề vốn, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng phản ánh nhiều doanh nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là doanh nghiệp điện tử khi “đói vốn” rất khó vay ngân hàng cũng như các định chế tài chính trong nước, nhưng khi có đánh giá, thẩm định về kinh doanh tốt lại có thể tìm được nguồn vay từ tổ chức tài chính quốc tế. Đây chính là nguồn hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu rất lớn đối với doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo.
 
Trước những khó khăn trên, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng cần xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp. Luật được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, là cơ sở tốt hơn để phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 
“Chúng ta cần đặt ra yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần tập trung vào các nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, vị này cho biết.