Việc sớm hoàn thiện và phê duyệt dự thảo sửa đổi Nghị định 153 quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để khắc phục và giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là 168.702 tỷ đồng (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020).
Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022 và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, khối lượng phát hành trái phiếu tăng trở lại, trong đó tháng 5 và 6 lần lượt đạt 44.200 tỷ đồng và khoảng 47.500 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Trong bối cảnh phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp tăng, tiềm ẩn nhiều rủi ro sau khi nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị phanh phui gần đây, Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng bất thường khi môi giới của một số doanh nghiệp và tổ chức tài chính chèo kéo nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp như hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng, với lãi suất có thể lên tới 12 - 13%/năm.
Khác với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép. Theo Bộ Tài chính, gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối. Việc tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.
Trên thực tế, các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định, đánh giá tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Do đó, tổ chức này không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cảnh báo một số yếu tố bất thường trong phát hành khác của doanh nghiệp như: để nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp phát hành, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu...
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện và phê duyệt dự thảo sửa đổi Nghị định 153 để sớm có khuôn khổ chặt chẽ hơn trong các điều kiện phát hành như giám sát mục đích phát hành, yêu cầu thẩm định tài sản đảm bảo…, từ đó góp phần giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.
Trước yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tại phiên họp sáng 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp ngay trong chiều nay cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long để giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo.