Mặc dù đại dịch COVID-19 cũng như lạm phát tại Mỹ và Châu Âu tăng cao nhưng ngành thuỷ sản đã phát đi những tín hiệu hứa hẹn bội thu trong năm nay.
Không phải tất cả các cổ phiếu thủy sản sẽ được hưởng lợi từ xu hướng nói trên, nên các nhà đầu tư cần sàng lọc để lựa chọn cổ phiếu có khả năng sinh lời tốt.
Xuất khẩu tăng mạnh
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ và là mức cao nhất, chiếm đến gần 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu tôm đạt sự đột phá trong năm nay nhờ một phần nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021. Các doanh nghiệp ngành tôm đã tranh thủ ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh COVID-19 căng thẳng. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng khiến giá tôm tăng cùng với sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam ở các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU…
Trong khi đó, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 136 thị trường, thu về giá trị 1,4 tỷ USD, tăng gần 77% so với cùng kỳ năm 2021. Giá cá tra trung bình xuất khẩu tăng mạnh là yếu tố chính giúp cho giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh. Trong đó, giá trung bình xuất khẩu cá tra phile đông lạnh sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ năm 2021. Giá cá tra phile xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trung bình 4,66 USD/kg, tăng 60% so với 2,93 USD/kg cùng kỳ năm 2021. Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng từ 28 – 66%.
Trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội song hành thách thức
Dự báo quý 3/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam có thể duy trì mức cao, đạt 3-4 tỷ USD, tăng khoảng 40 – 45% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao, nhất là châu Âu khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng như cá tuyết, cá minh thái bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Đối với mặt hàng tôm, thị trường Mỹ đã có mức tăng trưởng gần 50% trong 6 tháng đầu năm nay và vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Đối với thị trường châu Âu, sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, xuất khẩu tôm vào Châu Âu giảm trong quý 2 và bắt đầu tăng mạnh trở lại, phần lớn là xuất khẩu tôm cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát tăng cao và chiến sự Nga- Ukraine chưa có tín hiệu “hạ nhiệt” sẽ làm gián đoạn nguồn cung và gây khó khăn chung với nguồn nguyên liệu thủy sản từ nay đến cuối năm 2022. Dù các doanh nghiệp thủy sản trong nước dự báo vẫn tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu nhưng sẽ có nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu và cả chi phí logistics hiện đang cũng gia tăng rất nhanh.
Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến sự Nga- Ukraine kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) tại các thị trường Mỹ và EU. Trung bình hàng năm, Nga xuất khẩu 4.5 – 5.8 tỷ USD kim ngạch thủy sản, trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là sản phẩm cua Alaska, cá Minh thái…
Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu thủy sản từ Nga do chiến sự Nga- Ukraine được kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu các sản phẩm thủy sản thay thế từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tại các thị trường Mỹ và Châu Âu.
Những cổ phiếu đáng chú ý
Trong bối cảnh nói trên, nhiều cổ phiếu thủy sản vẫn còn dư địa tăng trưởng tích cực. Trong đó, cổ phiếu
VHC dự báo sẽ đạt giá mục tiêu mới là 132.600 đồng/cp cho năm 2022 dựa trên hai phương pháp FCFE và PE với tỷ trọng 60%/40% sau khi điều chỉnh tăng dự phòng lợi nhuận năm 2022 (tăng 8% doanh thu và tăng 48% lợi nhuận sau thuế). Theo đó, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của
VHC dự kiến lần lượt đạt 12.378 tỷ đồng, tăng 38% và 2.200 tỷ đồng, tăng 101%). EPS 2022 đạt 11.900 đồng, tương đương với P/E fw là 8.2.
Đối với cổ phiếu
ANV, dự báo giá mục tiêu mới là 51.200 đồng/cp cho năm 2022 dựa trên hai phương pháp FCFE và PE với tỷ trọng 50%/50%. Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của
ANV lần lượt đạt 6.858 tỷ đồng, tăng 96% và 675 tỷ đồng, gấp 4,2 lần. EPS 2022 đạt 4.900 đồng, tương đương với P/E fw là 8.2.
Trong khi đó cổ phiếu
FMC cũng khá hấp dẫn. Trong quý 1 năm 2022,
FMC đạt doanh thu thuần 1.327 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
FMC lãi sau thuế 42,2 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.
FMC thông báo sản lượng sản xuất tôm thành phẩm tháng 5 đạt 2.000 tấn. Sản xuất nông sản đạt 317 tấn, gấp 2,7 lần cùng kỳ. Doanh số tiêu thụ chung ghi nhận 22,2 triệu USD (gần 510 tỷ đồng), tăng trưởng 35%. Lũy kế 6 tháng, doanh số tiêu thụ chung đạt hơn 100 triệu USD (gần 2.295 tỷ đồng), tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Dù tình hình nuôi tôm năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh, nhưng kết quả trên góp phần làm giảm giá thành và tăng lợi nhuận cho
FMC. Giá mục tiêu cho
FMC là 50.000 đồng/cp.