Các chuyên gia nhìn nhận hai yếu tố tác động tích cực lên thị trường và nhóm cổ phiếu chứng khoán trong quý III và quý IV bao gồm cắt giảm thời gian thanh toán và giao dịch lô cổ phiếu lẻ...
Kinh tế toàn cầu ảm đạm, lạm phát tăng cao cùng động thái tăng mạnh lãi suất của các NHTW lớn, đặc biệt là Fed, đã làm chứng khoán toàn cầu lao dốc mạnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang có xu hướng điều chỉnh. Trong đó, cổ phiếu của nhóm công ty chứng khoán liên tục sụt giảm trong năm nay theo diễn biến chung của thị trường. Chỉ tính riêng quý II năm nay, cổ phiếu của các công ty chứng koán đã giảm 44,4%.
Kết quả kinh doanh quý II/2022 của hầu hết các công ty chứng khoán cũng đều đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 12,3% so với quý trước khi chỉ đạt 15.878 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng không mấy khả quan với mức giảm lần lượt là 57% so với cùng kỳ năm ngoái và 63,4% so với quý trước. Thậm chí, thống kê của CTCP Chứng khoán KIS chỉ ra có 7/25 công ty chứng khoán ghi nhận lỗ kế toán, một điều khó có thể bắt gặp trong năm trước.
CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam đưa ra kịch bản nhóm chứng khoán có kết quả kinh doanh cả năm 2022 đi ngang hoặc giảm nhẹ. Theo đó, nửa cuối năm nay, kết quả kinh doanh của nhóm này sẽ tiêu cực do mức nền cao vào nửa cuối năm ngoái.
KIS đánh giá, để đạt được kết quả đi ngang trong năm nay, giá trị giao dịch bình quân ngày trong nửa cuối năm cần duy trì khoảng 25.000 tỷ đồng và số dư nợ cho vay margin cần cao hơn mức 90.000 tỷ đồng.
Về yếu tố kỹ thuật, nguồn cung cổ phiếu chứng khoán rất lớn cũng là lực cản cho nhóm này. Thống kê của Fiin Group cho thấy, riêng năm 2021, nhóm chứng khoán đã huy động hơn 22.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2022 cũng liên tục ghi nhận nhiều công ty chứng khoán thực hiện tăng vốn khủng, như SSI tăng vốn lên 14.300 tỷ đồng, ASC tăng từ 268,8 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng, TCBS dự kiến tăng vốn gấp hơn 8,2 lần từ 1.126 tỷ đồng lên gần 9.250 tỷ đồng…
Không phủ nhận việc tăng vốn thành công giúp gia tăng tiềm lực tài chính các công ty chứng khoán, thêm dư địa tăng trưởng margin, tăng doanh thu và lợi nhuận... Song áp lực cung cổ phiếu khổng lồ trong bối cảnh sức cầu chưa thể hấp thụ hết sẽ là yếu tố níu chân giá cổ phiếu công ty chứng khoán.
Dù có nhiều yếu tố níu chân, song vẫn có một số yếu tố hứa hẹn tạo ra lực đẩy cho thị trường trong những tháng cuối năm nay. Các chuyên gia nhìn nhận hai yếu tố tác động tích cực lên thị trường và nhóm cổ phiếu chứng khoán trong quý III và quý IV bao gồm cắt giảm thời gian thanh toán và giao dịch lô cổ phiếu lẻ.
Theo đó, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã cắt giảm thời gian bù trừ thanh toán xuống còn T+1,5 nhằm cải thiện hoạt động giao dịch khi nhà đầu tư có thể nhận được tiền và chứng khoán giao dịch sớm hơn nửa ngày. Bên cạnh đó, việc có thể giao dịch chứng khoán lô lẻ (từ 1 - 99 cổ phiếu) kể từ ngày 12/9 được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới thanh khoản thị trường.
Công ty chứng khoán KIS cũng kỳ vọng, với việc triển khai hệ thống KRX, khả năng xử lý lệnh sẽ được mở rộng và các sản phẩm tài chính mới sẽ được đưa vào nghiên cứu phát triển.
Ngoài ra, công ty này cũng nhìn nhận xu hướng mới khi các công ty chứng khoán đang hưởng lợi từ việc phân phối lại trái phiếu doanh nghiệp và thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai.
Thêm vào đó, thị trường trái phiếu sẽ được tập trung về Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và được lưu ký ở VSD. Cả hai kế hoạch này đều có thời gian hoàn thành trong năm nay. Nếu việc triển khai đúng theo kế hoạch, thị trường trái phiếu kỳ vọng sẽ tăng trưởng về giá trị phát hành và giá trị giao dịch trong năm tới. Như vậy, các công ty chứng khoán đã phát triển hệ thống giao dịch trái phiếu và đang có lợi nhuận tốt từ mảng này sẽ đi trước một bước trong việc gặt hái những kết quả tốt.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng mục tiêu nâng hạng thị trường có thể chưa xảy ra trong năm nay. Kể từ khi hệ thống KRX đi vào hoạt động, thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều việc cần làm để đáp ứng được những tiêu chí phân loại thị trường mới nổi.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần mở các rào cản đối với vốn ngoại, thành lập đối tác bù trừ trung tâm (CCP), chuẩn bị giải pháp bán khống và phát triển hơn thị trường các sản phẩm phái sinh. Với các kế hoạch dài hơi để nâng hạng thị trường, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán còn nhiều tiềm năng.