Dù kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, lạm phát cao, nhiều nước tăng trưởng âm nhưng Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Đó là cơ hội để Việt Nam tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nhiều lĩnh vực để phát triển kinh tế. Các tập đoàn FDI cũng đưa ra những kiến nghị để giúp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thăm và động viên Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) nhanh chóng phục hồi sản xuất sau cao điểm của dịch Covid19. Ảnh: H.Giang
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài diễn ra vào ngày 17-9, đến ngày 20-8-2022, cả nước đã thu hút được hơn 35,5 ngàn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD. Vốn thực hiện của các dự án FDI là 264,4 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng 8 tháng của năm 2022, đã có 94 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam gần 16,8 tỷ USD.
* Xếp thứ 2 về nơi doanh nghiệp muốn đầu tư
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), hiện có 55% doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động. Con số này cao nhất trong khối ASEAN. Đồng thời, JETRO cũng khảo sát hơn 1,7 ngàn công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 về nơi các DN muốn mở rộng hoạt động (chỉ sau Hoa Kỳ). Các tập đoàn FDI của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng, đầu tư mới nhiều dự án.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết: “ Hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác không thể thiếu của Nhật Bản. Các DN Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam. Đồng thời, các DN Nhật Bản có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN về Việt Nam”.
Theo Bộ KH-ĐT, về tình hình thu hút FDI vào Việt Nam trong 8 tháng của năm 2022, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,5 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ 2 với trên 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư.
Từ năm 2013-2022, vốn FDI vào Việt Nam duy trì được tốc độ tăng khá cao cả về số dự án đăng ký mới, bổ sung và giải ngân vốn. Dòng vốn FDI chiếm một tỉ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Vốn FDI được giải ngân nhanh đồng nghĩa với quy mô sản xuất của các ngành kinh tế được mở rộng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “FDI được coi là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài. Hoạt động FDI ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, DN lớn có công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam. Quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô. Dòng vốn FDI cũng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế”.
Trong hơn 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, khối DN FDI đã luôn tin tưởng, đồng hành với Chính phủ Việt Nam, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đã góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
* Những giải pháp tăng thu hút FDI
Để giúp Việt Nam đón “làn sóng” FDI trong thời gian tới, các hiệp hội DN FDI, tập đoàn đã đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ liên quan đến cơ chế, chính sách cho từng lĩnh vực như: điện, năng lượng, vốn, lao động, hạ tầng giao thông, đất đai, thuế…
Ông Kim Young Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một thị trường mới nổi được thế giới rất quan tâm, chú ý. Các nước đánh giá cao Chính phủ Việt Nam vì duy trì được vật giá, tỷ giá ngoại tệ ổn định nên các hoạt động thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (hàng đầu, bìa phải) thăm và động viên Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (H.Nhơn Trạch) nhanh chóng phục hồi sản xuất sau cao điểm của dịch Covid19 Ảnh: HƯƠNG GIANG
“Hiệp hội cũng mới đề xuất Chính phủ Việt Nam một số vấn đề để thu đầu tư từ Hàn Quốc nhiều hơn. Cụ thể là có quy định luật pháp đối với việc phòng chống “chảy máu chất xám”, chính sách thị thực cởi mở hơn để phát triển du lịch, thu hút FDI tốt hơn, hoạch định cơ sở hạ tầng ngắn hạn và dài hạn bao gồm hệ thống điện, đường, cầu, cống cần phải được cải thiện để hỗ trợ các dự án công nghệ cao” - ông Kim Young Chul chia sẻ.
Theo đánh giá của các Hiệp hội DN Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore và các tập đoàn đa quốc gia thì Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thay đổi về chính sách theo hướng tạo thuận lợi cho DN FDI hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều hạn chế cần tiếp tục thay đổi để các DN FDI sớm mở rộng hoạt động hoặc đầu tư dự án mới tại Việt Nam.
Ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam cho biết: “Boeing đang hợp tác với 5 hãng hàng không của Việt Nam trong việc tăng cường đội tàu bay, huấn luyện phi công, đào tạo lãnh đạo, chuyên gia trong ngành hàng không, kỹ sư và nhân viên tu bổ, bảo trì và sửa chữa máy bay. Chúng tôi mong đợi Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện chính sách để các DN trong ngành hàng không thuận tiện hơn khi đầu tư mới vào Việt Nam. Chúng tôi mong muốn Việt Nam đẩy mạnh triển khai hạ tầng xanh, nguyên liệu xanh, đào tạo chuyên gia ngành hàng không để trở thành nguồn cung ứng quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ nói chung và chuỗi cung ứng của Tập đoàn Boeing nói riêng”.
Hơn 30 năm qua, Đồng Nai thu hút vốn FDI được gần 33 tỷ USD, nằm trong nhóm 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước. Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, thu hút FDI của tỉnh đã giảm mạnh nên tỉnh đang tìm các giải pháp tăng thu hút dòng vốn ngoại vào các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: Cam kết tạo môi trường kinh doanh tốt nhất
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài diễn ra vào ngày 17-9 với chủ đề “Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, những năm qua, DN FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đồng thời, Việt Nam giữ vững ổn định chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG: Sẽ hỗ trợ DN hoạt động hiệu quả
Đồng Nai luôn xác định vốn FDI là một trong những nguồn động lực chính để phát triển. Các dự án FDI đã có đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương liên tục đồng hành với DN, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật, tăng kết nối vùng, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho DN hoạt động để dự án đầu tư đạt được hiệu quả cao nhất.
Theo định hướng phát triển công nghiệp của Đồng Nai, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm năng về công nghệ, tài chính. Từ đó, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước thực hiện mục tiêu xanh hóa sản xuất. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút dự án công nghiệp công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao, góp phần gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển nhiều DN trong nước.