Giá cước vận tải biển quốc tế điều chỉnh mạnh, nhưng các hãng tàu Việt Nam chủ yếu vận chuyển nội địa nên duy trì được mức giá cao nhờ nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu.
Giá cước vận tải quốc tế hạ nhiệt
Theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry, giá cước vận tải container trung bình đã giảm 38% kể từ tháng 2/2022, nhưng vẫn ở mức cao gấp 4 lần so với trước đại dịch COVID-19.
So với đầu năm 2022, giá cước áp dụng với mỗi container 40 feet từ Việt Nam đi các cảng Los Angeles, Miami và Long Beach (Mỹ) hiện giảm khoảng 50%, xuống còn 12.000 - 13.000 USD. Cước vận chuyển mỗi container 40 feet đến Bờ Tây nước Mỹ giảm 60%, dao động quanh mức 5.400 USD. Trong khi đó, vận chuyển một container từ châu Á đến châu Âu giảm 42%, xuống 9.000 USD.
Phần lớn đội tàu trong nước được cho thuê tại thị trường ngoài.
Giá cước vận tải biển liên tục đi xuống khi khối lượng giao dịch thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm do nhu cầu suy yếu, khiến lượng hàng hoá cập cảng ít đi.
Drewry cho biết, sản lượng vận tải toàn cầu đã đạt mức tăng trưởng dương trong tháng 6/2022 (tăng 0,6% so với cùng kỳ), sau khi giảm trong 4 tháng trước đó. Mặc dù vậy, sản lượng đặt trước đã chậm lại đáng kể do các nhà bán lẻ giảm lượng hàng tồn kho, trong bối cảnh những “bất đồng” vĩ mô gia tăng.
Tổ chức Thương mại Thế giới dự báo, thương mại toàn cầu sẽ ghi nhận sự tăng trưởng trong năm nay, nhưng hoạt động giao thương quốc tế đối mặt với các rủi ro gia tăng khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, sức ép lạm phát gia tăng và nhiều nền kinh tế lớn dần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ. Những yếu tố không chắc chắn này sẽ tiếp tục tạo sức ép lên giá cước vận tải biển quốc tế thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường vận tải biển thế giới đang được dẫn dắt bởi 3 liên minh gồm 10 hãng tàu lớn nhất, chiếm 96% lưu lượng vận chuyển tuyến hàng quốc tế. Từ năm 2015, các liên minh này đã bắt đầu hoạt động mạnh mẽ, thậm chí gây áp lực lên các hãng khác để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của liên minh.
Các nhà phân tích nhìn nhận, hiện chưa có yếu tố nào có thể tác động đến sự liên kết của 3 liên minh trên, đồng nghĩa với giá cước khó có thể giảm sâu, mà duy trì ở mức cao trong ít nhất 5 năm tới, bởi đặc thù của cước vận tải biển là có chu kỳ dài (khoảng 10 năm).
Giá cước nội địa không bị ảnh hưởng
Ông Bùi Việt Hoài, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết, giá cước phụ thuộc hoàn toàn vào cung - cầu trong nước, dù cước vận tải quốc tế tăng mạnh hay giảm sâu cũng không ảnh hưởng đến thị trường nội địa.
Hiện nay, cơ cấu đội tàu biển Việt Nam chủ yếu là tàu nhỏ, đảm nhiệm phần vận tải nội địa hoặc quốc tế ngắn trong khu vực, không thể cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài ở tuyến quốc tế, trong khi thế giới đang phát triển cỡ tàu lớn để tối ưu hóa chi phí.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giá cước vận tải biển trong nước hiện chỉ giảm 10 - 15% so với đỉnh. Giá cước tuyến vận tải Hải Phòng - TP.HCM gần đây dao động trong khoảng 9,2 - 10,5 triệu đồng/container 20 feet và 12 - 15,7 triệu đồng/container 40 feet. Chiều từ TP.HCM - Hải Phòng, giá cước trong khoảng 8 - 10 triệu đồng/container 20 feet và 10 - 15,5 triệu đồng/container 40 feet.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, giá cước trong nước sẽ quay lại vùng đỉnh cũ trong năm 2023 và dao động ở vùng đỉnh do thị trường vẫn thiếu cung, bởi phần lớn đội tàu trong nước được cho thuê tại thị trường ngoài, giúp các doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi.
SSI Research dự báo, lợi nhuận 2 quý cuối năm 2022 của Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Hải An, mã chứng khoán HAH) sẽ tiếp tục khả quan nhờ giá cước và giá thuê tàu vẫn cao. Năm 2023, việc mở rộng công suất và gia hạn hợp đồng thuê tàu với mức giá cao hơn có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của HAH.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam kỳ vọng, Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã chứng khoán VOS) tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh giá cước vận tải duy trì ở mức cao. Tính đến cuối quý 2/2022, lỗ lũy kế từ những năm trước của Vosco chỉ còn gần 107 tỷ đồng, so với mức 921,2 tỷ đồng cuối năm 2020, tức 1 năm rưỡi qua, Công ty lãi gần 806 tỷ đồng. Nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lợi nhuận lũy kế của Vosco có thể dương trở lại từ quý 3/2022 và cổ phiếu VOS sẽ thoát khỏi diện cảnh báo từ đầu năm 2023.
Đẩy mạnh phát triển đội tàu
"Chớp thời cơ trong xu hướng giá thuê tàu tăng vọt năm 2021, hầu hết doanh nghiệp vận tải biển đã chuyển hướng sang cho thuê tàu, dẫn đến mất cân đối cung - cầu vận tải nội địa và giá cước tăng cao từ đó đến nay."
Trong giai đoạn 2006 - 2008, các hãng tàu ồ ạt vay tiền đóng hoặc mua sắm tàu đã qua sử dụng để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, các hãng tàu Việt Nam đều phải vay vốn ngân hàng với số tiền lớn, trong khi chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu cao, thị trường cạnh tranh gay gắt, thừa cung khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị bào mòn suốt nhiều năm sau đó.
Để khắc phục tình trạng thua lỗ, các hãng tàu đã cân bằng lại cung - cầu bằng cách tạm dừng hoạt động, hạn chế đóng tàu mới, đồng thời thanh lý tàu cũ. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã làm mọi dự báo trước đó đi lệch quỹ đạo. Chớp thời cơ trong xu hướng giá thuê tàu tăng vọt vào năm 2021, hầu hết doanh nghiệp vận tải biển đã chuyển hướng sang cho thuê tàu, dẫn đến mất cân đối cung - cầu vận tải nội địa và giá cước tăng cao từ đó đến nay.
Thậm chí, Drewry đã ước tính, chỉ trong giai đoạn 2021 - 2023, lợi nhuận của ngành vận tải biển sẽ bằng với số tiền mà ngành kiếm ra kể từ thập niên 1950 (khi tàu container ra đời) đến năm 2020.
Để bổ sung vào nguồn cung đang thiếu hụt, các hãng tàu tại Việt Nam đã lên kế hoạch đầu tư thêm tàu mới. Chẳng hạn, trong năm 2022, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (mã chứng khoán VNA) dự kiến đầu tư 1 - 2 tàu Handysize có trọng tải từ 20.000 - 30.000 tấn.
Trong quý 2/2022, Vosco bắt đầu nhận bàn giao và khai thác thêm 2 tàu mới là Đại An và Đại Phú mà doanh nghiệp thuê với thời hạn 3 năm, đồng thời thuê thêm một số tàu chở hàng khô khác theo hình thức tổng số chuyến xác định. Vosco cho biết, Công ty sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường để tìm kiếm và thuê thêm tàu để quản lý, khai thác hợp lý.
Tương tự, Hải An đã đầu tư 2 tàu, nâng tổng số đội tàu lên 9 chiếc và đóng mới thêm 2 tàu container loại Bangkok Mark IV (1.800 TEU), với tổng số tiền đầu tư ban đầu khoảng 81 triệu USD. Mục tiêu của doanh nghiệp là duy trì 5 chuyến nội địa mỗi tuần, đồng thời mở rộng tuyến Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã chứng khoán PVT) đã vận hành mới 6 tàu vận chuyển xăng dầu thành phẩm/hóa chất, nâng tổng tải trọng lên 98.800 tấn (tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái). Doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư thêm 3 tàu xây dựng thành phẩm/hóa chất, với tổng công suất 33.000 tấn trong 6 tháng cuối năm nay. Ban lãnh đạo cho hay, trong trung và dài hạn, PVTrans tiếp tục có kế hoạch bổ sung đội tàu mới song song với việc thanh lý những tàu cũ. Một số tàu cho thuê sẽ kết thúc hợp đồng và quay trở lại các tuyến nội địa trong những tháng cuối năm 2022.