• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 3:43:31 SA - Mở cửa
Phát triển hạ tầng giao thông, “cú hích” cho Tây Bắc bứt phá
Nguồn tin: Đài tiếng nói VN | 05/09/2022 7:35:00 SA
Các công trình giao thông trọng điểm khu vực Tây Bắc khi hoàn thành sẽ giúp xóa tan khoảng cách nơi đây với các vùng, miền đồng thời là “cú hích” cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Từ tiềm năng, lợi thế về diện tích đồi rừng rộng lớn, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú cùng với tăng cường thu hút đầu tư, các địa phương Tây Bắc đang tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng tăng năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8-9%/năm vào năm 2030. Để sớm hoàn thành các mục tiêu này, giải pháp được chú trọng là quan tâm phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng, tạo “cú hích” để bứt phá.
 
Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương đi khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai dự án Cảng hàng không Sa Pa. Đây là sân bay lưỡng dụng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự án Cảng hàng không Sa Pa có quy mô cấp 4C (có thể khai thác được các loại tàu bay A320, A321) và sân bay quân sự cấp II, công suất 3 triệu hành khách/năm…
 
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai dự án Cảng hàng không Sa Pa.
 
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, cùng với đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa sắp sửa hoàn thành, Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng sẽ như đòn bẩy, giúp Lào Cai kết nối với các vùng miền một cách thuận lợi hơn, nhằm xây dựng Lào Cai trở thành một trong những cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
 
“Khi Lào Cai có sân bay sẽ khai thác được tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, nhất là về du lịch và phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp… Bên cạnh đó sẽ tăng cường thu hút được FDI và góp phần củng cố về quốc phòng - an ninh”, ông Trường tin tưởng.
 
Xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bởi trước đây địa hình rộng lớn, chia cắt chính là rào cản lớn trong việc đi lại và giao thương hàng hóa, làm “chùn chân” các nhà đầu tư, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển giao thông để tăng cường kết nối.
 
Theo đó, ngoài tích cực triển khai dự án đường cao tốc nối với Thủ đô, Sơn La đã chủ động đề xuất "tái sinh" cảng hàng không Nà Sản bằng phương thức PPP sau gần 20 năm đóng cửa. Đề xuất này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. UBND tỉnh Sơn La sau đó cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan triển khai các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền chậm nhất vào quý IV năm nay.
 
 
Sân bay Sa Pa có thể khai thác các loại tàu bay lớn, công suất 3 triệu hành khách/năm, kỳ vọng sẽ như đòn bẩy, giúp Lào Cai kết nối, trở thành hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. (Ảnh minh họa)
 
Theo ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, việc đầu tư sân bay Nà Sản không chỉ phục vụ cự ly bay ngắn từ Sơn La về Hà Nội như trước đây, trong chiến lược lâu dài sẽ là các đường bay trực tiếp từ Sơn La tới các địa phương trong nước như TP.HCM, Đà Nẵng và đường bay quốc tế kết nối các quốc gia châu Âu để phục vụ xuất khẩu nông sản và hoạt động du lịch.
 
“Sơn La đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là sản phẩm nông sản và thủy sản. Để đảm bảo tính chất sản phẩm tươi sống, tới đây việc vận chuyển bằng hàng không là cần thiết, đúng xu thế phát triển. Những loại hàng đạt tiêu chuẩn quốc tế phải là sản phẩm tươi sạch, việc xuất khẩu trực tiếp sẽ được thông quan từ cảng hàng không Nà Sản đến thị trường các nước lớn ở châu Âu”, ông Minh gợi mở.
 
Tại tỉnh biên giới Lai Châu, các dự án phát triển giao thông nội vùng và liên vùng cũng đã và đang tích cực được triển khai. Điển hình là 2 dự án kết nối giao thông liên vùng đang được triển khai là hầm Hoàng Liên và dự án kết nối giao thông Lai Châu với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng kinh phí lên tới gần 10.000 tỷ đồng.
 
Theo đánh giá, dự án kết nối giao thông Lai Châu với Cao tốc Nội Bài - Lào Cai và dự án hầm Hoàng Liên và khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện để Lai Châu và các địa phương Tây Bắc bứt phá.
 
Ông Tạ Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lai Châu cho biết, khi hầm Hoàng Liên hình thành  sẽ rút ngắn thời gian từ 35 phút xuống còn khoảng 8 phút qua đèo. “Vì vậy, việc đầu tư hầm Hoàng Liên - Ô Quy Hồ rất cấp thiết, đặc biệt đối với Lai Châu sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển du lịch quốc tế khi nối thông sang cửa khẩu Ma Lù Thàng”, ông Hùng cho biết.
 
 
Khi hạ tầng giao thông không còn là "rào cản", Tây Bắc sẽ bứt phá trong tương lai không xa.
 
Ngoài các dự án nêu trên, tại các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc hiện cũng đã, đang có nhiều công trình giao thông được triển khai như dự án nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, quy mô xây dựng đáp ứng khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương.
 
Hay tại tỉnh Yên Bái, đến nay đã hoàn thành 8 cây cầu bắc qua sông Hồng. Yên Bái hiện cũng đang tích cực triển khai dự án kết nối các huyện Tây Bắc, bao gồm Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai…
 
Các công trình giao thông trọng điểm khi hoàn thành không chỉ giúp xóa tan khoảng cách Tây Bắc với các vùng, miền như trước đây, mà còn là “cú hích”, giúp người dân nơi đây có điều kiện tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó tạo đà phát triển./.