• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 4:02:57 CH - Mở cửa
Quá phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, công nghiệp Việt thiếu sức cạnh tranh
Nguồn tin: Báo Hải quan | 08/09/2022 10:10:00 CH
Ngành công nghiệp Việt Nam sản xuất phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu nhập khẩu nên sản phẩm công nghiệp thiếu sức cạnh tranh, giá trị giá tăng không cao.
 
https://fireant.vn/charts
 
Toàn cảnh toạ đàm
 
Chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng nền công nghiệp tự chủ và vai trò của các doanh nghiệp trong nước” ngày 7/9, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: thời gian vừa qua, ngành công nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, là ngành đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế.
 
Đáng chú ý, đây cũng là ngành xuất khẩu chủ lực, có mức tăng trưởng đều qua các năm. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng nêu rõ, ngành công nghiệp có nhiều hạn chế, nội lực các doanh nghiệp rất yếu.
 
“Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp hay sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam đủ lớn, đủ mạnh. Sản xuất phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu nên sản phẩm công nghiệp thiếu sự cạnh tranh, giá trị gia tăng không cao”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
 
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ: ngành thép Việt Nam từ nền công nghiệp nhỏ lẻ lạc hậu đã vươn lên làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ nền công nghiệp thép với tổng công suất 25 triệu tấn thép thô/năm.
 
Từ một nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào thép nhập khẩu, đến nay, Việt Nam vươn lên là quốc gia xuất khẩu hàng chục tỷ USD. Cụ thể năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 14 triệu tấn thép các loại, kim ngạch khoảng 12,7 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Tuy nhiên, theo vị này, điểm đáng lưu tâm là dù ngành thép đã có sản lượng mỗi năm khoảng 30 triệu tấn thép thành phẩm các loại, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng; kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng, bao gồm cả xây dựng công nghiệp và dân dụng, hạ tầng kỹ thuật giao thông vận tải….
 
“Một số lĩnh vực của nền kinh tế còn phải nhập khẩu thép làm nguyên liệu đầu vào như thép hợp kim, thép dụng cụ, thép trong các phụ tùng thiết bị…”, ông Thái nói.
 
Để phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, các chính sách phát triển ngành công nghiệp cần có đề xuất trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung vào những ngành, lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên; đồng thời cần có chính sách xây dựng các tập đoàn lớn mang vai trò dẫn dắt.
 
“Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng những khu, cụm liên kết ngành quy mô lớn để thu hút đầu tư cũng như xây dựng các chuỗi sản xuất công nghiệp”, ông Tuấn Anh nói.
 
Lãnh đạo Cục Công nghiệp chia sẻ thêm: bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp.
 
Điều này nhằm khắc phục các điểm yếu cố hữu của nhóm doanh nghiệp này thông qua hỗ trợ vốn, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về chuyển giao công nghệ. Mục tiêu hướng đến là hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.
 
Nhấn mạnh vào khía cạnh ngành hoá chất, theo ông Nguyễn Hữu Tú, Thành viên HĐTV, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, thời gian tới cần có chính sách về tạo mặt bằng các khu công nghiệp cho ngành sản xuất hóa chất.
 
Đồng thời, Bộ Công Thương phải có sự hướng dẫn, kết nối đối với các đối tác nước ngoài, làm sao quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hóa chất có hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh.
 
Ông Đinh Quốc Thái kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có cơ chế ưu tiên phát triển các cơ sở gia công, chế tạo chi tiết, phụ tùng có sử dụng thép nội địa làm nguyên liệu cho các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế quốc dân có sử dụng thép làm vật liệu.
 
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chính sách bảo hộ ngành sản xuất thép trong nước để đảm bảo cho ngành thép Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, phù hợp với xu hướng hội nhập toàn cầu.