Năm 2022, cả nước xuất siêu khoảng 11,2 tỷ USD; riêng Đồng Nai xuất siêu gần 5,7 tỷ USD, chiếm hơn một nửa của cả nước. Có được kết quả trên là do trong thu hút đầu tư của tỉnh có chọn lọc, ưu tiên dự án công nghiệp hỗ trợ.
Sản xuất ắc quy, pin xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: K.Minh
Theo Sở Công thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu (XNK) của Đồng Nai đạt hơn 43,5 tỷ USD, chiếm gần 6% trong tổng kim ngạch XNK của cả nước. Trong đó, xuất khẩu gần 24,6 tỷ USD và nhập khẩu hơn 18,9 tỷ USD. Từ nhiều năm nay, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Đồng Nai và mỗi năm đều tăng.
* Xuất siêu tăng hơn 47 lần
Đồng Nai là trung tâm phát triển công nghiệp của cả nước. Tỉnh cũng là khu vực đi đầu Việt Nam về thu hút dòng vốn ngoại vào công nghiệp. Thế nhưng trước đây, Đồng Nai luôn là nơi nhập siêu. Hơn 10 năm trước, Đồng Nai bắt đầu thu hút đầu tư có chọn lọc, khuyến khích các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và công nghiệp hỗ trợ. Việc ưu tiên thu hút doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước, nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ đã giúp cho Đồng Nai bắt đầu xuất siêu từ năm 2014, sớm hơn so với cả nước.
Năm 2014, trong giao thương với các nước, cán cân thương mại đã bắt đầu nghiêng về phía tỉnh với xuất siêu khoảng 120 triệu USD. Sau 9 năm, xuất siêu của tỉnh đã tăng hơn 47 lần. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của tỉnh đều tăng khá cao. Theo đó, Đồng Nai luôn được xếp trong tốp đầu của Việt Nam về XNK, xuất siêu, thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư…
Đồng Nai chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp. Khoảng 5-6 năm trở lại đây, các DN rất chú trọng tìm nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang các nước có ký kết FTA hưởng ưu đãi về thuế.
Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Lục Văn Thủy cho hay: “Thu hút đầu tư có chọn lọc và ưu tiên cho những dự án công nghiệp hỗ trợ đã giúp cho Đồng Nai trở thành tỉnh có xuất siêu lớn. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, xuất siêu của tỉnh đều năm sau cao hơn năm trước rất nhiều, vì các DN ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu trong nước”.
Từ nhiều năm nay, xuất khẩu trở thành mục tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh. Do đó, mỗi năm tỉnh đều đưa ra kế hoạch tăng trưởng từ 8-8,5%. Năm 2022, dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, kinh tế toàn cầu suy thoái, đơn hàng giảm nhưng Đồng Nai vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 13%, cao hơn cả nước hơn 2,5%. Có được kết quả trên là nỗ lực rất lớn từ các DN đã luôn linh hoạt để ứng phó với những khó khăn và tìm thêm các thị trường mới để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bà Lily Lin, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Kiến Đạt ở Khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho máy móc, thiết bị để cung ứng cho các DN tại Việt Nam và xuất khẩu. Trong 3 năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, để đảm bảo doanh thu, ngoài liên tục tìm thêm đối tác trong nước, DN cũng mở thêm thị trường xuất khẩu, đảm bảo việc làm cho người lao động và giữ mức tăng trưởng cao”.
* Các FTA giúp xuất siêu tăng
Việt Nam là quốc gia đi đầu trên toàn cầu trong việc tham gia hội nhập sâu. Đến nay, đã có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương được ký kết, đem đến nhiều cơ hội giao thương và mở rộng thị trường xuất khẩu cho DN. Hầu hết các FTA lớn đều có Việt Nam là thành viên như: CPTPP, EVFTA, RCEP, AFTA.
Các FTA giúp cho DN rộng đường xuất khẩu vào các nước cùng tham gia, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng cùng loại đến từ những quốc gia khác không tham gia vào hiệp định. Vì trong mỗi FTA Việt Nam ký kết đều có lộ trình giảm thuế nhiều mặt hàng về 0%. Trong đó, có những mặt hàng Việt Nam có xuất khẩu lớn, ngay sau khi ký kết hiệp định thuế suất đã được cắt bỏ.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: H.Giang
Tuy nhiên, để hưởng được ưu đãi về thuế quan, các DN buộc phải đáp ứng một số điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, môi trường, người lao động… Do đó, DN phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Điều này thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển. Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác, đang tập trung vào thu hút các DN trong nước, nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ cho những ngành sản xuất chủ lực.
Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chia sẻ: “Khoảng 6 năm trở lại đây, các dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp của tỉnh gần một nửa thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các DN thuộc ngành này đã đầu tư vào tỉnh liên tục mở rộng sản xuất đề cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Thời gian qua, trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhiều tập đoàn nước ngoài đã tăng vốn gấp 2-4 lần so với đăng ký ban đầu để tăng công suất đáp ứng nhu cầu của thị trường như: Schaeffler, Fujitsu, Hyosung, Meggitt, Kenda, Posco, Hansol Technics...
Theo ông Ken-Ichiro Abe, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Đồng Nai, khoảng 5 năm trở lại đây, các DN Nhật Bản đã “tăng tốc” trong đầu tư vào Đồng Nai và chủ yếu trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Sản phẩm làm ra cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Việt Nam tham gia ký kết nhiều FTA mở ra cơ hội lớn cho các DN Nhật Bản cũng như nước ngoài khi đầu tư vào, vì hàng hóa được giảm thuế, tăng khả năng cạnh tranh.
Đồng Nai luôn chú trọng xúc tiến thương mại tại chỗ kết nối các DN trong nước, nước ngoài trên địa bàn tỉnh và những tỉnh, thành lân cận để mở rộng tiêu thụ trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Vì thế, xuất khẩu của tỉnh tăng cao nhưng nhập khẩu có xu hướng giảm dần.