• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.240,41 -9,42/-0,75%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.240,41   -9,42/-0,75%  |   HNX-INDEX   224,62   -0,67/-0,30%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.297,81   -11,37/-0,87%  |   HNX30   477,80   -4,33/-0,90%
04 Tháng Mười Hai 2024 3:28:33 CH - Mở cửa
Chất lượng báo cáo tài chính và hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
Nguồn tin: Tạp Chí Tài Chính | 20/01/2023 9:00:00 CH
Nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ kết quảnghiên cứu, tác giả đề xuất phương pháp đánh giá ảnh hưởng của chất lượng BCTC và khoa học công nghệ đối với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng BCTC, hiệu quả kinh doanh trong doanh nghiệp.
 
 
Đặt vấn đề
 
BCTC là một hệ thống bao gồm toàn bộ những thông tin kinh tế và tài chính của tổ chức, được trình bày với quy chuẩn, quy định theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán. Thông qua đó cung cấp tất cả dữ liệu như dòng tiền, nợ, vốn, tài sản, thu chi trong kỳ…
 
Mục đích của BCTC là cung cấp thông tin tài chính hữu ích về doanh nghiệp (DN) cho các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, người cho vay và các chủ nợ khác trong việc đưa ra quyết định về việc cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp (IASB, 2010a).
 
Một BCTC hữu ích là báo cáo tài chính có những đặc điểm chất lượng bắt buộc, đồng thời đặc điểm chất lượng này còn bị ảnh hưởng bởi các nhân tố cơ bản và bổ sung. Bài viết đề cập tới đặc điểm chất lượng của BCTC đồng thời tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng tới BCTC.
 
Đối với mỗi DN, nâng cao chất lượng công tác lập BCTC có vai trò quan trọng trong duy trì sự tăng trưởng và phát triển của DN. DN có nền tảng tài chính vững mạnh thường có lợi thế trong kinh doanh hơn so với các DN có nền tảng tài chính yếu kém. Qua BCTC giúp cho chủ DN nắm bắt được thực trạng trong DN, các cổ đông nâng cao khả năng nắm bắt thông tin DN và đồng thời thực hiện chức năng giám sát. Có thể thấy, chất lượng lập BCTC là nhân tố có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh trong DN. Hơn nữa, hoạt động của DN đang bị biến đổi do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), nên phương thức quản trị, quy trình lập và giám sát BCTC cũng thay đổi. Do vậy, nâng cao công tác lập BCTC, chất lượng BCTC nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh trong DN là vấn đề cấp thiết nên được thực hiện trong nghiên cứu.
 
Khảo lược các nghiên cứu trước
 
Các nghiên cứu ngoài nước
 
Một số học giả quốc tế đã có những nghiên cứu về mối quan hệ chất lượng BCTC và hiệu quả kinh doanh trong DN. Theo Rathnayake và cộng sự (2021), chất lượng BCTC là thể hiện kết quả của quá trình lập BCTC do chất lượng của thông tin tài chính DN là rất quan trọng đối với người sử dụng thông tin tài chính.
 
Nghiên cứu này phân tích mối quan hệ chất lượng BCTC và hiệu quả kinh doanh nhằm mục đích đánh giá tác động mối quan hệ này trong các công ty niêm yết ở Sri Lanka. Rathnayake và cộng sự (2021) sử dụng cách tiếp cận định lượng và dữ liệu từ BCTC hàng năm đã công bố của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2013 - 2018.
 
Phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên phân tầng được sử dụng để chọn, qua phân tích thống kê tác giả cho rằng, có mối quan hệ của chất lượng BCTC và lợi nhuận của DN. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng, mối quan hệ giữa chất lượng BCTC và các chỉ số hoạt động tài chính riêng lẻ là không đáng kể và chưa có tác động rõ ràng của các nhân tố này.
 
Nghiên cứu của Ferrero (2014) nhằm đánh giá tác động của chất lượng BCTC đối với hiệu quả hoạt động của DN. Hiệu quả hoạt động của DN dựa trên đánh giá chất lượng thu nhập của công ty, chất lượng dồn tích lợi nhuận. Nghiên cứu trên 1960 công ty niêm yết phi tài chính quốc tế đến từ 25 quốc gia và đặc khu hành chính Hồng Kông trong giai đoạn 2002-2010 và sử dụng phương trình đồng thời cho dữ liệu bảng, thông qua công cụ ước tính GMM nhằm đánh giá tính chất nội sinh của mô hình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ tương đối khác nhau và tùy thuộc vào lựa chọn biến phụ thuộc. Đó là cơ sở để các nhà quản trị tài chính, quản trị công ty lựa chọn mục tiêu theo đuổi về quản trị hiệu quả hoạt động DN.
 
Nghiên cứu của Lari Dáhtbayaz và cộng sự (2018) cũng thực hiện đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng BCTC và hiệu quả hoạt động của công ty tại Iran. Theo tác giả, thị trường Iran được đánh giá là không hoàn hảo, điều đó có ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư, do đó một trong những mối quan tâm chính của các cổ đông và nhà đầu tư là quan tâm hơn về hiệu quả hoạt động của công ty, đặc biệt thông qua công tác lập BCTC. Mặt khác, thông tin được cung cấp cho các bên liên quan thông qua các BCTC và tạo điều kiện thuận lợi cho các quyết định đầu tư.
 
Để đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng BCTC và hiệu quả kinh doanh, tác giả sử dụng dữ liệu từ 80 công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tehran trong giai đoạn 2006 - 2014. Trong nghiên cứu này, Lari Dáhtbayaz và cộng sự (2018) sử dụng ba phương pháp riêng biệt (thu nhập tiềm tàng, các khoản mục dồn tích và chất lượng vốn lưu động) và phương pháp tổng hợp được sử dụng để đánh giá chất lượng BCTC, đồng thời tính toán hiệu quả hoạt động của DN. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc cải thiện chất lượng báo cáo làm tăng giá trị kinh tế. Nghiên cứu không tìm thấy mối quan hệ nào giữa chất lượng BCTC và giá trị gia tăng trên thị trường.
 
Nghiên cứu của Ardriano và cộng sự (2020) nhằm đánh giá tác động của chất lượng BCTC đến hiệu quả đầu tư của một công ty. Nghiên cứu sử dụng 994 quan sát từ các công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia trong ba giai đoạn từ 2013 đến 2015. Theo nghiên cứu, Indonesia đang dần minh bạch hơn về BCTC, đặc biệt trên thị trường chứng khoán niêm yết, trong đó yêu cầu cung cấp thông tin và chất lượng báo cáo nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường và nền kinh tế.
 
Các phát hiện cho thấy, chất lượng BCTC cao hơn có mối quan hệ tích cực và đáng kể với hiệu quả đầu tư. Hơn nữa, các kết quả nghiên cứu cũng được thực hiện trên các nhóm công ty có tình trạng đầu tư thấp và đầu tư quá mức. Nghiên cứu cho thấy, chất lượng BCTC cao hơn có mối quan hệ tiêu cực và đáng kể với các công ty đang đầu tư quá mức. Qua đó, những phát hiện này cung cấp những gợi ý cho các nhà đầu tư trong việc đánh giá hoạt động quản lý đầu tư do công ty thực hiện và Khá hữu ích cho Chính phủ Indonesia trong quá trình giám sát các công ty thực hiện chế độ BCTC và phát triển thị trường chứng khoán.
 
Nghiên cứu của Babatunde và Adeniyi (2019) với mục tiêu đánh giá mức độ ảnh hưởng của chất lượng BCTC đối với hoạt động của DN ở Nigeria. Theo nhóm tác giả, Nigeria là nền kinh tế mới nổi và tăng trưởng cao tại châu Phi, những sự phát triển gần đây không thể không kể tới sự đóng góp của DN và thị trường chứng khoán.
 
Tuy vậy, nâng cao chất lượng lập BCTC là yêu cầu đòi hỏi của Chính phủ Nigeria và sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của DN. Babatunde và Adeniyi (2019) thực hiện nghiên cứu bằng cách sử dụng mẫu gồm 30 công ty trên Sở giao dịch chứng khoán Nigeria.
 
Nghiên cứu đo lường chất lượng BCTC, đó là: chất lượng thu nhập, tính thận trọng của kế toán và chất lượng cộng dồn. Nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ tiêu cực đáng kể giữa tham nhũng và chất lượng BCTC ở Nigeria, điều này ngụ ý rằng mức độ tham nhũng càng cao thì chất lượng báo cáo tài chính ở Nigeria càng thấp. Điều này đặt ra yêu cầu minh bạch BCTC cao hơn, giảm thiểu tác động của tham nhũng và nâng cao chất lượng BCTC.
 
Các nghiên cứu trong nước
 
Đến nay, đã có một số nghiên cứu trong nước thực hiện đánh giá mối quan hệ giữa chất lượng BCTC và hiệu quả kinh doanh. Nguyễn Ngọc Thụy Vy (2022) cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam gắn liền với sự phát triển thị trường vốn, mà điển hình là thị trường chứng khoán, qua đó giúp DN có khả năng huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự gia tăng vốn đầu tư giúp cho DN có khả năng thực hiện mở rộng đầu tư, tìm kiếm cơ hội gia tăng lợi nhuận và thu nhập, tuy vậy chất lượng thu nhập và chất lượng đầu tư còn hạn chế.
 
Tình trạng bất cân xứng thông tin trên thị trường tài chính, đặc biệt là thông tin kế toán có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư và cổ đông theo dõi hoạt động của công ty. Theo tác giả, chất lượng BCTC có ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Cụ thể, chất lượng BCTC có khả năng làm giảm thông tin bất cân xứng, giúp cho các bên liên quan có thể dễ dàng đánh giá đúng hoạt động của DN. Theo Nguyễn Ngọc Thụy Vy (2022), năng lực quản lý có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của DN, qua đó là gợi ý năng lực quản lý của các DN trong nước chưa cao, và là trở ngại cho sự phát triển của DN.
 
Thị trường chứng khoán là kênh huy động nguồn vốn dài hạn tại mỗi quốc gia, sự phát triển của thị trường chứng khoán gắn liền với sự phát triển của DN, nên chất lượng BCTC là điều kiện để giúp thị trường chứng khoán hoạt động có tính minh bạch cao và đạt hiệu quả phân bổ vốn. Sự minh bạch trong BCTC còn giúp tránh trường hợp gian lận BCTC, Đào Thị Thúy Hằng (2022) cho rằng, gian lận BCTC là quá trình DN cố tình làm sai trái các thông tin tài chính nhằm che đậy những những sai phạm trong kinh doanh, điều đó làm ảnh hưởng tới DN, nhà đầu tư và xa hơn là ảnh hưởng tiêu cực lên phát triển kinh tế.
 
Theo Hoàng Thị Phương Anh và cộng sự (2018) thực hiện nghiên cứu trên 200 công ty niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2009 - 2015, tăng chất lượng BCTC sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư của DN, và ngược lại chất lượng BCTC thấp thì hiệu quả đầu tư của DN giảm xuống. Khi DN có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giúp cho DN tự động hóa một phần công tác kế toán và giúp nâng cao chất lượng BCTC. Điều đó đặt ra cho ban lãnh đạo các DN quan tâm áp dụng công nghệ nhằm nâng cao khả năng thực hiện công tác kế toán tại đơn vị.
 
Đề xuất mô hình nghiên cứu
 
Cách mạng công nghiệp (CMCN 4.0) đang diễn ra nhanh chóng đã làm thay đổi nhiều hoạt động kinh tế và sản xuất kinh doanh của DN. Nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng BCTC và hiệu quả kinh doanh đã được thực hiện qua một số nghiên cứu trong và ngoài nước, tuy vậy, nghiên cứu mối quan hệ này đặt trong bối cảnh CMCN 4.0, sự thay đổi cách mạng công nghệ còn chưa được thực hiện. Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu này như một cách để kiểm định lại mối quan hệ giữa chất lượng báo cáo tài chính và hiệu quả kinh doanh của DN đồng thời đánh giá tác động của kinh tế số, CMCN 4.0 trong công tác kế toán và hiệu quả kinh doanh trong DN.
 
Trong nghiên cứu này, dự kiến nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập trên trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE). Nghiên cứu thu thập dữ liệu về chất lượng BCTC và dữ liệu về hiệu quả kinh doanh trong DN, dữ liệu vĩ mô như: tăng trưởng kinh tế, lạm phát trên Tổng cục Thống kê. Dựa trên nghiên cứu trước của Babatunde và Adeniyi (2019), phương trình hồi quy như sau:
 
PERFORMANCEit= β0+β1 QUALITYit+ β2 TECHNOLOGYit+β3 GDPt+β4 INFt+β5 INTERESTt+β6 KINDit+ μ
 
Trong đó:
 
PEFRORMANCE: hiệu quả hoạt động của DN;
 
QUALITY: chất lượng báo cáo tài chính;
 
TECHNOLOGY: trình độ công nghệ;
 
GDP, INF, INTEREST: tăng trưởng, lạm phát và lãi suất;
 
KIND: loại hình DN (trong nước, ngoài nước, liên danh)
 
Kết luận
 
CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng đã làm thay đổi nhiều hoạt động kinh tế và sản xuất kinh doanh của dn. Nghiên cứu mối quan hệ giữa chất lượng báo cáo tài chính và hiệu quả kinh doanh đã được thực hiện qua một số nghiên cứu trong và ngoài nước, tuy vậy, nghiên cứu mối quan hệ này đặt trong bối cảnh sự thay đổi cách mạng công nghệ còn chưa được thực hiện. Thực hiện nghiên cứu này như một cách để kiểm định lại mối quan hệ này và đồng thời đánh giá tác động của kinh tế số, cách mạng công nghệ trong công tác kế toán và hiệu quả kinh doanh trong DN.