Ngay từ những ngày đầu năm Quý Mão 2023, không khí ở cảng biển trở nên sôi động với các hoạt động bốc dỡ hàng hóa, báo hiệu một năm mới thành công.
Tàu ZIM PUSAN tuyến TP23 kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam đi bờ Đông Mỹ “xông đất” cảng CMIT.
Nhiều chuyến tàu “xông đất”
9 giờ sáng mùng 5 Tết, tàu YM TRUTH đang tất bật làm hàng tại khu vực cầu cảng SSIT. Các cẩu bờ nhịp nhàng xếp dỡ hàng. Nhân viên và Ban lãnh đạo cảng huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị khẩn trương bốc xếp hàng hóa để tàu kịp rời cảng đúng kế hoạch. Đây là chuyến tàu thứ tư cập cảng SSIT trong 5 ngày qua. Trước đó, cảng TCTT cũng đón tàu XIN HONG KONG cập cảng làm hàng. Đây là chuyến tàu thứ ba cập TCCT kể từ mùng 1 Tết đến nay.
Nhộn nhịp và bận rộn nhất là cảng TCIT. Trong 5 ngày qua, cảng đã đón thành công 6 tuyến tàu mẹ trọng tải từ 140 ngàn tấn “xông đất”. Riêng ngày mùng 1 Tết có 2 chuyến tàu “xông đất” TCIT, là tín hiệu vui cho một năm nhiều khởi sắc. Là cảng biển quốc tế nên dù những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cảng TCIT vẫn bố trí công việc như những ngày bình thường. Điểm khác biệt là lúc Giao thừa, tập thể cán bộ, công nhân viên đón năm mới tại các cầu tàu và bố trí nghỉ ca thích hợp.
Những cảng container còn lại như Gemalink, CMIT… cũng đã có nhiều chuyến tàu “xông đất”, mở ra nhiều hy vọng tốt đẹp trong năm mới. Theo đánh giá của các hãng tàu, các cảng tại khu vực Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) hiện đã được trang bị hiện đại và không ngừng nghiên cứu để phát triển thêm các dịch vụ gia tăng giá trị cho khách hàng. Nhờ đó, năng suất làm hàng ngày càng cao, chất lượng dịch vụ tốt. Các hãng tàu quốc tế ngày càng tin tưởng khi đưa tàu mẹ vào khai thác tại đây. Từ CM-TV, hàng xuất khẩu của Việt Nam được kết nối trực tiếp ra nước ngoài một cách thuận lợi.
Mở ra nhiều cơ hội mới
Ông Đỗ Công Khanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gemadept (chủ đầu tư cảng Gemalink) cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Gemalink trong năm 2022 tăng trưởng gần 50% so với thực hiện năm 2021. Trung bình mỗi tuần cảng Gemalink đón 5 chuyến tàu mẹ đi các tuyến Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, cuối năm 2022 vừa qua, cảng đã tiến hành nạo vét luồng lạch và đạt được độ sâu trước bến là 16,5m. Với độ sâu này, Gemalink tự tin sẽ đón được những chuyến tàu lớn nhất thế giới ngay trong đầu năm 2023.
Xếp dỡ hàng container tại cảng Gemalink.
Đánh giá từ Bộ GT-VT cho thấy, hiện công suất khai thác so với thiết kế của các cảng biển trên địa bàn tỉnh chỉ mới đạt khoảng 70% (nếu tính hàng tàu biển và phương tiện thủy nội địa) và khoảng 47% (nếu tính riêng hàng tàu biển). Đối với các bến cảng container, công suất khai thác đạt 99% (nếu tính hàng tàu biển và phương tiện thủy nội địa) và khoảng 56% (nếu tính riêng hàng tàu biển).
Theo thống kê từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, từ ngày 22-26/1 (mùng 1-5 Tết) đã có 16 chuyến tàu mẹ cập cảng CM-TV.
Do đó, để tăng tính hấp dẫn cũng như góp phần đưa CM-TV hiện diện trên bản đồ hàng hải thế giới, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, giai đoạn 2023-2030, tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông nhằm bảo đảm lưu thông hàng hóa thuận lợi đến cụm cảng nước sâu CM-TV như: đường 991B, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An. Đặc biệt, Bộ GT-VT đã chấp thuận chủ trương triển khai Dự án đầu tư nâng cấp luồng hàng hải vào cụm cảng Cái Mép có độ sâu đến 15,5m vào năm 2023. Với độ sâu này, CM-TV có khả năng tiếp nhận mọi tàu mẹ.
Không khí nhộn nhịp làm hàng tại cảng TCIT.
Cùng với kế hoạch khơi thông tuyến luồng đón những con tàu lớn nhất thế giới, lên đến 250.000 DWT đầy tải đã được Bộ GT-VT phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị với những quyết sách đặc thù dành cho cụm cảng CM-TV, các DN cảng tin tưởng rằng, việc liên tục đón những chuyến tàu “xông đất” ngay đầu năm mới cũng giúp hoạt động tại các cảng biển trở nên sôi động. Sắp tới, khi thị trường Trung Quốc khi mở cửa trở lại, hoạt động tại các cảng biển được kỳ vọng sẽ càng trở nên sôi động hơn nữa.