Gần một tháng kể từ thời điểm khoảng 200 nghìn tỷ đồng được bơm thêm vào thị trường, việc tiếp cận tín dụng ngân hàng của người mua nhà vẫn vô cùng gian nan. Nhiều người đối diện nguy cơ bỏ cọc, bán nhà để “cắt nợ”.
Hiện tại, có một thực tế dễ thấy là nhiều trường hợp người dân mua nhà ở đã nộp 70-80% giá trị hợp đồng, tức chỉ còn thiếu 20-30% nữa để nhận nhà, nhưng gặp đúng lúc nhà băng hết hạn mức khiến rủi ro mất khả năng thanh toán ập đến.
Loay hoay đi vay
Với số vốn tích lũy 1,1 tỷ đồng trong tay, hơn 2 tháng qua, anh Hồ Tiến Dũng chật vật tìm nhà băng vay thêm 1 tỷ đồng để mua căn hộ 42m2 ở TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, để vay được tiền hiện tại là điều không dễ.
Anh Dũng chia sẻ, vì không thể với tới các căn hộ ở trung tâm, anh đã chấp nhận mua nhà ở xa hơn để giảm gánh nặng tài chính. Từ đầu tháng 12/2022, sau khi đã đặt cọc 300 triệu đồng, anh tiến hành rải hồ sơ vay tại 5 ngân hàng nhằm kịp hạn tất toán vào cuối tháng 1/2023.
“Hơn một tháng trôi qua, câu trả lời chung của các ngân hàng đến nay vẫn là “chờ”. Tôi đang nghĩ tới phương án đi vay ngoài để tất toán theo lịch hẹn, nếu không sẽ mất tiền cọc. Còn 3 tuần nữa, giờ thì không tính đến lãi bao nhiêu, chỉ mong được giải ngân, không phải vay tín dụng đen là may rồi”, anh Dũng bộc bạch.
Người mua nhà đang rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Việc “lỗi hẹn” với tín dụng nhà băng cũng đang khiến không ít người có nguy cơ đánh mất cơ hội mua nhà hoặc vướng vào thế bí, nguy cơ phải bán nhà “cắt nợ”.
Anh Lê Đức Huy (Hà Nam) chia sẻ vào giữa tháng 12/2022, sau nhiều năm sinh sống, làm việc tại Hà Nội, anh có cơ hội mua nhà bởi người quen cần tiền gấp nên bán rẻ lại một căn liền kề trong ngõ, giá chưa đầy 5 tỷ đồng. Với khoản tích lũy hơn 3 tỷ đồng, anh cần vay thêm khoảng 1,8 tỷ đồng.
“Với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng, lại là vay mua nhà lần đầu, tôi cứ nghĩ sẽ dễ dàng, nhưng không ngờ lại khó khăn đến thế. Đi hỏi 10 ngân hàng thì đến 8 lắc đầu vì lý do “hết room”, còn lại thì hẹn sang tháng 2/2023. Chủ nhà cần tiền nên bán gấp, bắt chờ thế thì hết cơ hội”, anh Huy kể.
Chia sẻ với Vnbusiness, đại diện một phòng giao dịch tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khẳng định ngân hàng không chủ trương siết tín dụng với người vay mua nhà, nhưng điểm khác biệt so với trước đây là các ngân hàng sẽ làm rất kỹ lưỡng ở khâu thẩm định năng lực tài chính của bên vay nên thời gian kéo dài hơn.
Trong khi đó, chuyên viên tín dụng một chi nhánh ngân hàng thương mại tại Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết giai đoạn này, các ngân hàng không có nguồn vốn để cho khách hàng cá nhân vay dài hạn, đặc biệt là vay mua nhà.
Nếu là khách hàng thân thiết cũng chỉ được hỗ trợ cho vay ngắn hạn, thời gian vay chỉ một năm, sau đó có thể đáo hạn tùy vào nguồn vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, điều kiện xét cho vay cũng rất khắt khe, trong đó một số ngân hàng đưa ra yêu cầu mua gói bảo hiểm 20-50 triệu đồng…
Đâu là giải pháp?
Trước những khó khăn hiện tại, để tháo gỡ cho người thu nhập thấp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho phép người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 hoặc 2 tỷ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay ngân hàng từ nay đến hết năm 2023.
Sở dĩ HoREA có kiến nghị trên là vì hiện tại, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu lên tới 30 - 50%, dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án chỉ còn khoảng 2 tỷ đồng/căn.
Nếu được hỗ trợ vay với lãi suất phù hợp, cơ hội mua nhà của lao động phổ thông, công nhân thời điểm này là rất lớn. Cùng với đó, khi khách hàng có tiền mua nhà cũng sẽ là điểm tựa để hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về thanh khoản, giúp thị trường ấm lên.
Trong những bài viết gần đây của Vnbusiness cũng đề cập 6 tháng đầu năm 2023 là “thời điểm vàng” để Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2% cho người mua nhà dưới 1,8 hoặc 2 tỷ đồng/căn. Vì sau giai đoạn khó khăn, có thể là từ cuối năm 2023, các đợt chiết khấu sẽ không còn, lúc đó thì dù được hỗ trợ vay ưu đãi cũng không có nhà dưới 2 tỷ đồng để mua nữa.
Nói về sự cấp bách của chính sách hỗ trợ, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đồng tình rằng trong tình thế bất thường thì Nhà nước cần ban hành những giải pháp bất thường để xử lý kịp thời và hiệu quả.
Khoản 5 điều 7 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng có quy định: "Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động, bảo đảm lợi ích cho nhà đầu tư và khách hàng". Do đó, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét không nên giữ nguyên chuẩn tín dụng trong tình thế bất thường hiện nay mà nên nới "một chút" để hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà.