Ngày 22-10, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam tổ chức Hội nghị song phương Logistics xuyên biên giới với sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc là Tập đoàn cảng biển IPC và Tập đoàn vận chuyển container quốc tế SITC; về phía Việt Nam có Công ty Mega A Logistics, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC), Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Theo Bộ NN-PTNT, năm 2022 xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kim ngạch hơn 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36%, thặng dư thương mại đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD.
Ngoài rút ngắn thời gian, giảm cước phí, logistics cần thông qua liên kết hệ thống cảng để đưa nông sản vào sâu trong thị trường nhập khẩu, có thể tiếp cận với những phân khúc khách hàng cao hơn. Để làm được điều này, logistics cần có kết nối các hệ thống kho đồng bộ, nâng chất phương tiện vận chuyển chuyên dùng, xếp dỡ, nhân lực phục vụ trong lĩnh vực logistics. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần có sự liên kết, phối hợp thuận lợi hơn.
Ông Đặng Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Mega A Logistics cho biết, logistics xuyên biên giới sẽ đưa hàng hóa tại vùng sản xuất đến nước nhập khẩu với thời gian nhanh nhất mà không qua nhiều khâu kiểm tra.
Nông sản “thắng thua” chủ yếu là thời gian vận chuyển để đưa sản phẩm đạt chất lượng cao, tăng giá sức cạnh tranh và giá thành tăng. Đặc biệt, trong logistics xuyên biên giới, nông sản được mua bảo hiểm trong vận chuyển, nên nông dân, công ty xuất khẩu không phải lo lắng việc giảm chất lượng khi sang nước nhập khẩu. Nếu hàng hóa xảy ra sự cố hư hỏng trong quá trình di chuyển, bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm. Ngoài ra, logistics xuyên biên giới sẽ liên hệ với hãng tàu chạy rỗng một chiều để giảm chi phí vận chuyển.
Trung bình, mỗi năm Văn phòng SPS Việt Nam nhận hơn 1.000 thông báo thay đổi kiểm tra hàng hoá, trong đó có 80% là yêu cầu nâng cao an toàn thực phẩm. Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, thời gian tới, các Hiệp định thương mại tự do đưa hàng rào thuế quan về 0% nên các nước sẽ nâng cao tiêu chí kiểm tra chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm. Logistics xuyên biên giới sẽ giảm rủi ro từ vùng trồng đến nơi nhập khẩu.
Các công ty ký kết với Văn phòng SPS sẽ thường xuyên có thông tin cập nhật hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất thông tin dịch bệnh, kiểm dịch trước khi xuất khẩu. Hiện, chi phí logistics nông sản khoảng 20-25%, nhưng logistics xuyên biên giới sẽ hoàn thiện các đoạn nối tiếp giữa các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu, giảm chi phí thêm từ 5-7%.
Tại buổi lễ, Văn phòng SPS ký kết hợp tác với công ty Mega A Logistics để thường xuyên cung cấp thông tin thực tiễn thay đổi, sửa đổi chính sách nhập khẩu với mục tiêu gia tăng giá trị nông sản Việt Nam. Ngoài ra, Tập đoàn cảng biển IPC, Tập đoàn vận chuyển container quốc tế SITC, Tập đoàn Mega A Việt Nam, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC), Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) ký kết hợp tác thành chuỗi liên kết nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác xuất khẩu; phát triển thương mại điện tử; bảo hiểm, bảo lãnh tín dụng thư…
THANH HẢI