15 năm trước thế giới có thể không thiếu ngũ cốc, nhưng hiện nay, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt gần 10 tỉ người vào năm 2050.
Cơm chiên thường là lựa chọn phổ biến của thực khách ở Lagos, thủ đô kinh tế của Nigeria. Tuy nhiên, gần đây nhiều người đã ngừng gọi món này, vì giá của món ăn tăng từ 1.500 naira lên 4.000 naira (5,2 USD) chỉ trong 1 năm.
Ở Nigeria, gạo là thực phẩm được tiêu thụ phổ biến nhất và là nền tảng của món cơm quốc dân jollof. Nhưng giá 1 kg gạo nhập khẩu đã tăng 46,34% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu gần đây nhất từ cơ quan thống kê.
Con số này bắt nguồn từ Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, khi phải đối mặt với những lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế, sản lượng sụt giảm và giá cả trong nước tăng cao.
Các nhà phân tích cảnh báo, rằng nếu Ấn Độ duy trì các hạn chế hiện tại và các nhà sản xuất khác làm theo, thế giới sẽ có nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng gạo năm 2008, khi sự lây lan của các chính sách bảo hộ đã góp phần khiến giá gạo tăng gấp 3 lần trong 6 tháng, dẫn đến lạm phát trên toàn cầu và gây ra tình trạng bất ổn dân sự ở Bắc Phi, Nam Á và vùng Caribe.
Tuy nhiên, lần này cuộc khủng hoảng có thể tồi tệ hơn do nhu cầu tăng vọt, tăng trưởng dân số, cùng với những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.
Tích trữ và bạo động
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ gián tiếp tạo ra “sóng gió". Vào năm 2007, thời tiết xấu đã khiến giá các mặt hàng lương thực chính như lúa mì và ngô tăng mạnh. Nguồn cung gạo dồi dào vào thời điểm đó nhưng áp lực tăng giá lương thực khiến các chính phủ hoảng sợ. New Delhi nhanh chóng áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Khi đó, Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 thế giới sau Thái Lan, đã làm theo và áp đặt lệnh cấm vào tháng 1/2008. Giá gạo quốc tế tăng vọt, đạt mức cao kỷ lục 1.000 USD/tấn, do các nước xuất khẩu nhỏ hơn như Ai Cập và Pakistan cũng áp đặt các lệnh cấm tương tự, nông dân và các chính phủ đã mạnh tay tích trữ loại ngũ cốc này.
Ông Frederic Neumann, Chuyên viên kinh tế khu vực châu Á tại HSBC, nhớ lại các kệ gạo trong siêu thị ở Hồng Kông trống rỗng. Tại những nơi khác, người dân đói khát đã tràn xuống đường phố. Ở Haiti, cuộc bạo loạn lương thực vào tháng 4/2008 đã lật đổ Thủ tướng Jacques-Édouard Alexis. "Sự tức giận" về giá lương thực kéo dài kết hợp với những bất mãn chính trị, đã góp phần gây ra sự kiện "Mùa xuân Ả Rập" 3 năm sau đó, trong đó 4 nhà lãnh đạo Trung Đông và Bắc Phi bị lật đổ.
Đây là bài học mà nhiều chính trị gia ngày nay đã thuộc nằm lòng. Tại Ấn Độ, đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi đã ưu tiên kiểm soát giá lương thực trước một loạt cuộc bầu cử. Lạm phát lương thực từ lâu đã là một vấn đề nhạy cảm về mặt chính trị ở nước này và gạo là mặt hàng chủ lực được tiêu thụ nhiều nhất.
Tuy nhiên, đối với nông dân trồng lúa Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu là một đòn nặng nề. Khi mà họ đã tăng gia sản xuất vì kỳ vọng nhu cầu toàn cầu tăng cao.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng chính sách này cũng sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của Ấn Độ như một đối tác thương mại toàn cầu đáng tin cậy, sau một loạt động thái mở rộng quan hệ và đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn khác.
Trên bờ vực khủng hoảng
Động thái của Ấn Độ cũng đã thu hút sự chỉ trích trên toàn cầu. IMF đã kêu gọi New Delhi thay đổi chính sách này, trong khi Mỹ cùng các quốc gia khác tại Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng trước đã chất vấn liệu biện pháp này có thực sự cần thiết khi lượng dự trữ công của Ấn Độ vẫn dồi dào.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, không chỉ thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu của nước này tăng lên mà lượng gạo được giao dịch trên toàn thế giới còn tăng gấp đôi từ khoảng 5% năm 1999 lên hơn 10% hiện nay.
Giá gạo tăng là trở ngại đáng kể cho các Ngân hàng Trung ương ở châu Á trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng của Philippines và Việt Nam đã tăng 5,3 và 3,6% so với cùng kỳ trong tháng 8.
Ông Neumann cho biết, các Ngân hàng Trung ương nên thận trọng hơn với chính sách kiểm soát lạm phát, khi mà tăng lãi suất không tạo ra nhiều gạo hơn. Lúa không giống như rau, có chu kỳ thu hoạch ngắn và có thể bổ sung nhanh chóng. Do đó, các Ngân hàng Trung ương có thể "bỏ qua việc giá cà chua tăng trong 2i tháng nhưng không thể bỏ qua việc giá ngũ cốc tăng vọt trong 9 tháng”, ông nói.
Hết gạo
Các nhà phân tích cảnh báo rằng tình trạng khó khăn hiện nay không dễ dàng khắc phục được. 15 năm trước thế giới có thể không thiếu ngũ cốc, nhưng hiện nay, dân số thế giới dự kiến đạt gần 10 tỉ người vào năm 2050. Các nhà nghiên cứu ước tính sự gia tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về gạo lên gần 1/3, nhưng sản lượng không theo kịp.
Trong khi đó, năng suất trung bình trên toàn cầu tăng 0,9%/năm trong giai đoạn 2011-2021, giảm so với mức 1,2%/năm trong giai đoạn 2001-2011, theo dữ liệu từ Liên Hiệp Quốc.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thụt lùi này là do biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nhiệt độ toàn cầu tăng 1C có khả năng làm giảm năng suất lúa trung bình 3,3%. Nhiệt độ đã tăng ít nhất 1,1C kể từ thời tiền công nghiệp.