Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức trong bối cảnh bất ổn quốc tế gia tăng, ngành dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi, với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong 10 tháng đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu sợi và hàng may mặc lần lượt đạt 3,6 tỉ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ, (thu hẹp hơn so với mức giảm hơn 20% trong 7 tháng đầu năm 2023) và 27,8 tỉ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ.
Số liệu từ Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, trong quý III/2023, các thị trường trọng điểm của Việt Nam nhìn chung ghi nhận mức tăng trưởng GDP khá tốt: Mỹ (tăng 4,9% so với quý trước, cao hơn nhiều so với mức dự kiến là 4,3%); EU (tăng 0,1% so với quý trước, quanh mức dự kiến 0%); Trung Quốc (+1,3%, trên mức dự kiến 0,3%); Hàn Quốc (+0,6%, trên mức dự kiến 0,1%).
Giá trị xuất khẩu của ngành đang phục hồi.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP thực năm 2023 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng: Mỹ (+1,1%); EU (+0,4%); Nhật Bản (+0,8%); và Trung Quốc (+5,6%). “Sự tăng trưởng ở các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu. Hơn nữa, nỗi lo về một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ giảm, điều này hỗ trợ việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may”, Mirae Asset nhận định.
Thêm vào đó, vào cuối quý III/2023, tỉ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Theo Mirae Asset, những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024.
Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong 10 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, so với số liệu 7 tháng đầu năm, tâm lý tiêu dùng dường như đã suy yếu hơn. Ngoài ra, tại Mỹ, thị trường dệt may trọng điểm của Việt Nam lại ghi nhận tiền tiết kiệm của hộ gia đình giảm và duy trì ở mức thấp, điều này báo hiệu cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai có thể gặp thách thức.
Bên cạnh khả năng có thể phục hồi trong năm 2024, ngành dệt may của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Trong ngắn hạn, rủi ro địa chính trị và lãi suất ở mức cao là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may năm 2024. Trong khi về dài hạn, cùng với việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải chịu áp lực từ chi phí lao động ngày càng tăng. Ngoài ra, hiện nay người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về chi phí nhân công trong nước.
“Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đang dần cải thiện nhưng chúng tôi cho rằng môi trường kinh doanh năm 2024 vẫn đối mặt với những thách thức mà chủ yếu đến từ những bất ổn vĩ mô”, Mirae Asset đánh giá.