• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,11 +0,14/+0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,11   +0,14/+0,01%  |   HNX-INDEX   223,57   +0,48/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,35   +0,39/+0,42%  |   VN30   1.301,52   +0,46/+0,04%  |   HNX30   475,60   +1,33/+0,28%
28 Tháng Mười Một 2024 8:45:30 CH - Mở cửa
Vì sao ‘ông trùm’ điện gió lớn nhất thế giới chấm dứt ‘mối lương duyên’ tỷ USD tại Việt Nam?
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 27/11/2023 8:41:47 SA

Ørsted - tập đoàn phát triển điện gió lớn nhất thế giới thông báo sẽ dừng đầu tư vào Việt Nam, mà cụ thể sẽ không hợp tác với Tập đoàn T&T để đầu tư các dự án với giá trị lên tới 30 tỷ USD mà hai bên đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác từ cuối năm 2021. Vậy, nguyên nhân gì khiến “ông lớn” điện gió ngoài khơi "quay xe"?

Với hơn 3.200km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có một số điều kiện tốt nhất để phát triển điện gió ngoài khơi ở châu Á. Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng gần 500GW. Bên cạnh tiềm năng mang đẳng cấp thế giới này, nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam đem đến nhu cầu cấp bách về các nguồn điện mới đáng tin cậy, có quy mô lớn trong những thập kỷ tới.

"Mối lương duyên" tỷ USD chấm dứt chỉ sau 2 năm

Tháng 9/2021, thời điểm cách đây hơn 2 năm, Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển và Ørsted đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng hành lang pháp lý cho điện gió chưa rõ ràng. 

Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).

Thời điểm đó, ông Matthias Bausenwein, Chủ tịch Ørsted Châu Á-Thái Bình Dương cho biết "Là tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về điện gió ngoài khơi, Ørsted đặt mục tiêu đạt 30GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Để hỗ trợ việc phát triển đầy tham vọng này, chúng tôi cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác như T&T Group. Thông qua các dự án chung, chúng tôi rất vui mừng khi cùng T&T Group xây dựng ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đang sôi động và đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương”.

Đáng tiếc, sau hơn 2 năm, "mối lương duyên” tỷ USD này đã phá sản. Ørsted vừa thông báo quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Liên quan tới việc hợp tác với Tập đoàn T&T, “ông lớn” điện gió Ørsted cho biết, không có kế hoạch nộp lại hồ sơ xin chấp thuận các hoạt động khảo sát đánh giá tài nguyên biển đến Bộ TT&MT, cũng như sẽ không tiến hành bất kỳ hoạt động phát triển nào cho các dự án điện gió ngoài khơi chung của 2 bên.

Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ với T&T và tôn trọng việc tập đoàn này tiếp tục phát triển các dự án điện gió ngoài khơi một mình hoặc với bất kỳ đối tác nào phù hợp.

Nguyên nhân chấm dứt "mối lương duyên" được Ørsted đưa ra là do các chính sách chủ chốt liên quan đến triển khai và mua điện từ các dự án điện gió ngoài khơi vẫn chưa rõ ràng. Theo Ørsted, ngay cả sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thị trường vẫn phải chờ kế hoạch triển khai nhằm xác định phân bổ mục tiêu công suất cho từng thời kỳ cũng như quy định hướng dẫn về cơ chế lựa chọn nhà đầu tư.

Do chưa có chính sách rõ ràng, thống nhất nên nhà đầu tư chưa mạnh dạn rót hàng tỷ USD vào các dự án. Hơn nữa, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và cơ chế bán điện vẫn chưa rõ ràng.

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Thực tế, thông tin Ørsted rời bỏ thị trường Việt Nam đã râm ran từ những tháng đầu năm nay.

Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường từng nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam có tiềm năng về điện gió rất lớn, vượt xa so với quốc gia Đông Nam Á khác. Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) ước tính Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác, gồm 300 GWh điện gió ngoài khơi và 300 GWh điện gió trên bờ.

Ngay khi Việt Nam có chủ trương sơ bộ về thu hút đầu tư vào điện gió, các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các “ông lớn” đã đến và thành lập văn phòng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác hướng dẫn chưa rõ ràng nên nhiều dự án đang trong giai đoạn khảo sát bị dừng lại.

“Giai đoạn trầm lắng của thị trường trong một vài năm trở lại đây trước khi chưa ban hành Quy hoạch điện VIII cũng như những vướng mắc về dự án năng lượng tái tạo dẫn đến các nhà đầu tư quốc tế đã có vẻ chần chừ khi đầu tư vào Việt Nam”, ông Cường đánh giá.

Trong một diễn đàn năng lượng được tổ chức hồi tháng 6 năm nay, ông Cường chia sẻ, Ørsted đã tuyên bố giảm mục tiêu tham vọng của họ từ 30 GWh xuống 28GWh cho đến năm 2030 và rút khỏi thị trường Việt Nam.

“Về khía cạnh đầu tư và phát triển dự án, chúng tôi không tin rằng thị trường Việt Nam đủ hấp dẫn so với các quốc gia khác”, ông Cường kể lại câu nói từ đại diện Tập đoàn Ørsted.

Theo chia sẻ của Tổng giám đốc PTSC, năng lượng gió thì vô hạn nhưng nguồn lực đầu tư, nguồn lực vốn thì hữu hạn. Vì vậy, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư này sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo Bộ này, đối với việc phát triển điện gió ngoài khơi, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều giữa các bộ ngành liên quan. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng. Quy hoạch không gian biển quốc gia cũng chưa được phê duyệt, việc tiếp cận các thông tin liên quan còn hạn chế.

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục giữ quan điểm chỉ tính toán quy mô công suất nguồn điện gió ngoài khơi theo vùng trên nguyên tắc đảm bảo các tiêu chí về cơ cấu nguồn điện tối ưu, phát triển tại các vùng có tiềm năng gió tốt và khả năng đấu nối, giải tỏa công suất.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) – một doanh nghiệp hàng đầu ngành năng lượng có trụ sở tại Đan Mạch nhấn mạnh tính cấp thiết của việc nhanh chóng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, do tiềm năng to lớn của điện gió ngoài khơi trong việc đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để đáp ứng tiến độ, các dự án điện gió ngoài khơi cần nhanh chóng thực hiện khâu xin cấp phép, phát triển dự án, cũng như xây dựng.

Hiện nay, CIP đang phát triển Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500 MW tại tỉnh Bình Thuận, và song song với đó đang nghiên cứu phát triển trên 10GW dự án điện gió ngoài khơi tại cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

CIP tin rằng việc Chính phủ nhanh chóng thực thi các cam kết COP26 và sớm ban hành các giải pháp chính sách phù hợp sẽ giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, củng cố niềm tin và cam kết của các nhà đầu tư, từ đó đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường điện gió ngoài khơi hấp dẫn nhất thế giới.

Nhật Linh