Nếu muốn trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại, Hải Phòng cần khắc phục các hạn chế về thủ tục hành chính, chi phí vận tải, hệ thống hạ tầng giao thông…
Theo đánh giá của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Hải Phòng là địa phương có tiềm năng, lợi thế để trở thành Trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực.
Tàu hàng Maersk Copenhagen cập cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng.
Lợi thế phát triển về logistics
Trên thực tế, Hải Phòng là địa phương duy nhất trong khu vực phía Bắc hội tụ đầy đủ 5 phương thức vận tải, bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường thủy nội địa cùng các điều kiện địa lý tự nhiên và hệ thống cảng biển thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, Hải Phòng còn là địa phương có bề dày truyền thống và kinh nghiệm trong khai thác, vận hành cảng biển và hệ thống hậu cần sau cảng.
Một trong những lợi thế hàng đầu, vượt trội của Hải Phòng chính là hệ thống cảng biển, với 50 bến cảng (chiếm 17,5% số bến cảng của Việt Nam, chiếm 73% cảng biển của vùng đồng bằng sông Hồng). Trong đó nổi bật là các bến số 1 và 2 của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng nước sâu Lạch Huyện) có khả năng đón tàu hơn 130.000 tấn, đưa hàng hóa từ Hải Phòng đến thẳng các châu lục, đã được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2018.
Theo ông Bùi Quang Hải – Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, trong những năm gần đây, hoạt động dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố được quan tâm, xác định vị trí chủ lực, có những bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, thu hút và huy động được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, qua đó tiếp tục duy trì vai trò là trung tâm logistics, cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc.
“Hiện toàn TP Hải Phòng có khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 30 công ty, tập đoàn logistics đa quốc gia như DHL, UPS, FedEX... Lượng nhân công hoạt động trong lĩnh vực logistics chiếm xấp xỉ 20% nguồn lao động logistics trên cả nước (khoảng 175.000 người). Tổng diện tích kho, bãi trên địa bàn thành phố khoảng 701,14 ha với hơn 60 kho bãi chính. Cảng Hải Phòng cũng là cảng có lưu lượng hàng thông qua lớn nhất ở phía Bắc Việt Nam (khoảng 43 triệu tấn) có hệ thống thiết bị hiện đại và cơ sở hạ tầng đầy đủ an toàn, phù hợp với các phương thức vận tải, thương mại quốc tế”, ông Hải cho biết thêm.
Cần khắc phục khó khăn để bứt phá
Mặc dù có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng ngành logistics của Hải Phòng cũng đang phải đối mặt với nhiều bất cập, tồn tại, như: chi phí vận tải cao do tổ chức vận tải chưa hợp lý (chủ yếu bằng đường bộ); hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa xứng tầm; tổ chức giao nhận, các thủ tục hành chính còn rườm rà; chất lượng dịch vụ kho bãi thấp…
Hơn 50 bến cảng ở Hải Phòng đều có thể tiếp nhận được phương tiện thủy vào xếp, dỡ hàng hóa, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện thủy rất thấp, ba năm trở lại đây chỉ ở quanh mức 14-16%. Nguyên nhân do tuyến luồng từ Hải Phòng đi các tỉnh phía bắc độ sâu hạn chế, nhiều cầu bắc qua sông tĩnh không thấp, không phù hợp cho các phương tiện thủy chở container đi qua. Còn hệ thống vận tải hàng hóa container bằng đường sắt cũng đã rất lạc hậu, chưa kết nối tới hệ thống cảng mới Đình Vũ-Lạch Huyện, mới chỉ giải quyết được khoảng 3% sản lượng hàng hóa các cảng tại đây.
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác Bộ Công Thương với UBND TP Hải Phòng về chủ trương Xây dựng Đề án chiến lược phát triển dịch vụ Logistic Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, nhiều chuyên gia từ các bộ, ngành, doanh nghiệp lớn đã “hiến kế” nhằm giúp Hải Phòng đưa ngành logistics phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Các chuyên gia khuyến nghị, nếu không sớm hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng, Hải Phòng đứng trước nguy cơ trở thành nơi đơn thuần thực hiện các hoạt động đơn giản trong xuất, nhập khẩu như vận tải và bốc dỡ hàng hóa.
Theo các chuyên gia, để nâng cao tính hiệu quả của logistics, bên cạnh việc các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực nội tại, thì rất cần sự quan tâm, theo sát thực tế của hệ thống quản lý nhà nước. Trong đó, cần kịp thời ban hành những chủ trương, chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của lĩnh vực logistics; Cần tập trung nguồn lực đầu tư cho cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực… Với Hải Phòng, cần sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt tiêu chuẩn quốc tế kết nối các cảng với hệ thống đường sắt quốc gia, quốc tế. Chú trọng đầu tư, phát triển hệ thống giao thông thủy nội địa từ Hải Phòng đến các địa phương trong khu vực.