Sau 5 năm thực hiện đánh giá công bố thông tin và minh bạch và liên tục cập nhật Bộ tiêu chí mới cho phù hợp hơn tình hình thực tế của công ty quy mô lớn (CTQML), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, đã có sự cải thiện tích cực trong việc thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp (DN).
Tiếp tục đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch
Số liệu của HNX cho thấy, thị trường UPCoM có 860 DN với tổng giá trị vốn hóa 1.001 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 5% so với cuối năm 2022. Từ năm 2018, HNX bắt đầu triển khai đánh giá cho các công ty đại chúng quy mô lớn (CTQML) trên UPCoM. Kết quả chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các thành viên thị trường và được các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Dựa trên thành công trong 5 năm vừa qua, năm 2023, HNX tiếp tục triển khai Chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch cho các CTQML trên UPCoM nhằm đánh giá thực trạng, tăng cường nhận thức và thực tiễn công bố thông tin và minh bạch cho các CTQML trên thị trường UPCoM nói riêng và cộng đồng DN nói chung.
Theo đó, việc đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2022-2023 được thực hiện cho tất cả các CTQML trên thị trường UPCoM có thời gian đăng ký giao dịch trước ngày 31/12/2022 và đủ điều kiện thu thập dữ liệu đánh giá tại ngày 01/7/2023. Chương trình năm nay có 305 CTQML được đánh giá, chiếm 76,13% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường UPCoM tại thời điểm chốt dữ liệu. Xét theo quy mô vốn hóa thị trường, có 71 CTQML có quy mô trên 1.500 tỷ đồng và 152 CTQML có quy mô dưới 500 tỷ đồng. Tính trung bình, một CTQML trong danh sách đánh giá có quy mô vốn hóa 2.384,67 tỷ đồng (tại thời điểm 31/12/2022).
HNX sử dụng những thông tin, dữ liệu mà 305 CTQML công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm tài chính 2022 để đánh giá. Nguồn dữ liệu đánh giá cũng bao gồm dữ liệu nội bộ của HNX và của các cơ quan quản lý khác liên quan đến các vi phạm về công bố thông tin. Nguồn dữ liệu đánh giá dựa trên các thông tin được DN công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bao gồm: Báo cáo tài chính, Báo cáo thường niên, báo cáo quản trị, Điều lệ công ty, Quy chế nội bộ về QTCT, Thư mời và tài liệu họp ĐHĐCĐ, Nghị quyết và Biên bản họp ĐHĐCĐ thường niên và website CTQML…
Tăng cường chỉ tiêu về tuân thủ quy định pháp luật, tự nguyện tiếp cận các chuẩn mực quốc tế
Trong năm 2023, tiêu chí đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch của các CTQML được xây dựng dựa trên các quy định và những thông lệ tốt về QTCT, công bố thông tin và minh bạch, cụ thể là Luật Doanh nghiệp 2020 và các nghị định liên quan của Bộ Tài chính.
Theo HNX, các tiêu chí được xây dựng mang tính chất tuân thủ/bắt buộc được áp dụng để đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch của các CTQML. Cụ thể, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch năm 2023 bao gồm 72 tiêu chí được xây dựng từ góc nhìn của nhà đầu tư và được xếp vào 4 nguyên tắc sau: (1) Quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; (2) Đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong QTCT; (3) Minh bạch và công bố thông tin; (4) Trách nhiệm của Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát.
So với bộ tiêu chí đánh giá năm 2022, năm nay HNX thay thế 16 tiêu chí đánh giá và thay đổi nội dung 11 tiêu chí đánh giá theo hướng tăng cường tuân thủ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như khuyến khích các CTQML tự nguyện tiếp cận các chuẩn mực quốc tế/thông lệ tốt về QTCT. Mặt khác, thang điểm đánh giá cũng được thay đổi, mỗi tiêu chí đều được đánh giá theo thang điểm 0:1 (điểm tối đa cho từng tiêu chí là 1 điểm). Tổng điểm tối đa mà một DN có thể đạt được là 72 điểm.
Như vậy, sau 5 năm thực hiện đánh giá với bộ tiêu chí liên tục được cập nhật đảm bảo phù hợp với thực tiễn thị trường, kết quả đánh giá của chương trình đã cho thấy có sự cải thiện tích cực trong việc thực hiện công bố thông tin của các DN.
Cải thiện chất lượng công bố thông tin và minh bạch
Theo kết quả đánh giá, điểm công bố thông tin và minh bạch trung bình của các CTQML trên HNX năm 2022-2023 đạt 61,3%, tăng 2,09% so với điểm trung bình năm 2022. Đáng chú ý, có tới 171/305 (56,07%) CTQML có điểm công bố thông tin và minh bạch cao hơn mức trung bình. Các công ty đã có sự cải thiện tích cực trong việc thực hiện các tiêu chí thuộc nguyên tắc quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản.
Theo đó, các CTQML tách biệt chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc có điểm đánh giá công bố thông tin và minh bạch trung bình đạt 61,5% (năm 2022: 59,6%), trong khi đó các CTQML có chức danh Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc chỉ đạt 49% (năm 2022: 42,76%). Năm 2023, chỉ còn 1,3% trong tổng số CTQML có chức danh Chủ tịch kiêm nhiệm TGĐ, giảm 1% so với năm 2022. Điều này cho thấy, DN đã quan tâm thực hiện việc tách bạch 2 chức danh này, giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa HĐQT, Ban Tổng Giám đốc/Giám đốc và các cấp quản lý trong DN. Các DN thành lập tiểu ban HĐQT (theo nguyên tắc về QTCT của OECD) có điểm đánh giá công bố thông tin và minh bạch đạt 62,38% (năm 2022: 62,36%), trong khi đó các công ty không thành lập tiểu ban có điểm trung bình đạt 61,16% (năm 2022: 58,89%). Các công ty thực hiện công bố Quy chế nội bộ về QTCT có điểm trung bình là 65,6% (năm 2022: 62,93%), trong khi các công ty không có hoặc không công bố chỉ đạt 53,2% (năm 2022: 52,31%).
Ngoài ra, kết quả đánh giá tiếp tục khẳng định mối tương quan giữa điểm công bố thông tin và minh bạch và các yếu tố thị trường đã được rút ra từ kết quả đánh giá các năm trước. Các công ty có vốn hóa thị trường và tổng tài sản cao hơn thường có chất lượng công bố thông tin và minh bạch tốt hơn. Điểm công bố thông tin và minh bạchcó mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE và ROA, đánh giá của thị trường đối với CTQML được đo bằng chỉ số TobinQ. Kết quả cũng cho thấy rằng các CTQML có vốn hóa thị trường và tổng tài sản cao hơn thường có chất lượng công bố thông tin và minh bạch tốt hơn; các CTQML có tỷ suất ROA và ROE tỷ lệ thuận với chất lượng công bố thông tin và minh bạch, mỗi 1% tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,17% và ROE tăng 0,38%.
Trong khi đó, có xu hướng tương quan ngược chiều giữa chất lượng công bố thông tin và minh bạchvà tỷ số đòn bẩy tài chính (tổng nợ/tổng vốn chủ sở hữu). Một công ty có chất lượng công bố thông tin và minh bạchtốt có khả năng huy động vốn cao hơn qua TTCK, từ đó giảm thiểu nhu cầu vay nợ từ các tổ chức tín dụng. Đây là một trong các lợi ích của việc thực hiên tốt các quy định công bố thông tin và minh bạch được nhận định ở các TTCK trên thế giới. Mối quan hệ thuận chiều giữa chất lượng công bố thông tin và minh bạch với hệ số TobinQ của CTQML, được thể hiện khi một công ty có chất lượng công bố thông tin và minh bạch tốt hơn sẽ được thị trường định giá cao hơn. Đây là dẫn chứng tốt để khuyến khích và thúc đẩy DN thực thi tốt hơn các quy định, thông lệ về công bố thông tin và minh bạch.
Ngoài các kết quả đánh giá các tiêu chí công bố thông tin và minh bạch được CTQML thực hiện tốt, chương trình cũng chỉ ra các tiêu chí thực hiện chưa tốt như tỷ lệ tuân thủ báo cáo QTCT còn khá thấp, nhiều CTQML chưa công bố báo cáo thường niên, báo cáo QTCT…; nội dung của nhiều thông tin công bố chưa đầy đủ, đặc biệt là thông tin trong báo cáo thường niên, mặc dù các nội dung này đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK.
Một số khuyến nghị
Dựa trên kết quả đánh giá, HNX đưa một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng công bố thông tin và minh bạch, hướng tới nâng cao chất lượng QTCT phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Về quyền của cổ đông và đối xử bình đẳng với cổ đông: Cần tạo điều kiện tốt nhất để cổ đông có thể tham dự một cách hiệu quả và đảm bảo rằng chương trình của ĐHĐCĐ phải bao gồm các nội dung liên quan đến quyền cơ bản của cổ đông. Bên cạnh đó, cần mở rộng diện tiếp cận và lượng thông tin cho các cổ đông theo hướng đảm bảo công ty công bố thông tin đầy đủ về người liên lạc cho cổ đông/nhà đầu tư. Ngoài ra, cần chú trọng hơn tới việc công bố thông tin trên website của DN, không công bố lẫn vào các chuyên mục khác...
- Về các bên có quyền lợi liên quan: Cần chú trọng hơn nữa trong việc thực hiện và công bố thông tin cụ thể về các hoạt động môi trường, xã hội và người lao động, không chỉ để tuân thủ theo các quy định pháp lý mà còn nâng cao uy tín của công ty với các bên liên quan.
- Về công bố thông tin và minh bạch: Đảm bảo tuân thủ toàn diện các quy định hiện hành liên quan đến công bố thông tin; Nâng cao chất lượng thông tin tài chính và phi tài chính của CTQML. Hiện nay, các DN thường bỏ qua việc công bố các chỉ tiêu hiệu quả phi tài chính của công ty mình, trong khi đó các chỉ số phi tài chính có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá và thúc đẩy sự hoàn thiện của nhà quản trị. Bên cạnh đó, cần thực hiện công bố đầy đủ các thông tin về HĐQT, Ban Kiểm soát và Ban Giám đốc...
- Về trách nhiệm của HĐQT: Cần thực hiện ngay việc tách bạch vai trò hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc để đảm bảo việc thực hiện yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Ngoài ra, việc công ty nên có thêm các thành viên HĐQT độc lập và các thành viên HĐQT không điều hành sẽ là một giải pháp tốt để tránh xung đột lợi ích, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong công tác quản trị; Thành lập các tiểu ban hỗ trợ HĐQT, thực hiện và công bố việc đánh giá từng thành viên HĐQT, thực hiện việc đánh giá tính hiệu quả của Ban TGĐ/BGĐ...
Có thể nói, chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch đối với các DN đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM được HNX thực hiện liên tục trong các năm qua, ngày càng đem lại những giá trị thiết thực, hỗ trợ DN từng bước thay đổi nhận thức và xây dựng giải pháp cải thiện chất lượng quản trị công ty tại mỗi DN, từ đó gia tăng giá trị cho DN, lợi ích cho cổ đông và thị trường.