Năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, công việc sản xuất, kinh doanh của đa phần doanh nghiệp (DN) không thực sự thuận lợi, song họ vẫn nỗ lực để tăng tốc sản xuất, kinh doanh vào dịp cuối năm.
Với Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa), an toàn cho sản xuất rất được quan tâm. Ảnh: V.Gia
* Chạy “nước rút” cho sản xuất cuối năm
Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom), quý III-2023, đạt doanh thu hơn 131 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, sản phẩm của công ty có đầu ra thuận lợi cả ở thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Các thị trường chính như: Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mua sản phẩm thạch dừa từ công ty đã đẩy doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái và tăng đột biến so với quý II-2023. Riêng mặt hàng thạch dừa, trong 9 tháng đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Thứ, DN sẽ tiếp tục nỗ lực trong thời gian còn lại của năm nhằm đưa kết quả sản xuất, kinh doanh tiếp tục có những con số ấn tượng hơn. Ngoài thị trường xuất khẩu, thạch dừa và nha đam của công ty cũng được các “ông lớn” ngành sữa tại Việt Nam tăng mua để làm nhiều sản phẩm thức uống trái cây tốt cho sức khỏe, tăng lượng hàng bán ra. Để tiếp tục củng cố thương hiệu, chiến lược của công ty là sẽ nhắm vào 2 yếu tố chính bảo đảm chất lượng; minh bạch nguồn gốc sản phẩm và quy trình sản xuất của sản phẩm. Việc kiểm soát nghiêm ngặt quy trình sản xuất, từ việc lựa chọn nguyên liệu chất lượng đến quá trình sản xuất và đóng gói theo các tiêu chuẩn cao cấp sẽ giành được sự tin tưởng của khách hàng.
Trong lĩnh vực xây dựng, Giám đốc Công ty CP Thiết kế xây dựng Chính Nam (TP.Biên Hòa) Trần Quang Huấn cho hay, DN đang tập trung thi công nhiều công trình xây dựng dân dụng cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Năm nay, lĩnh vực bất động sản trầm lắng đối với các dự án lớn nhưng đối với nhà ở riêng lẻ của người dân, nhờ có các giải pháp hợp lý nên DN vẫn ký được các hợp đồng, tạo việc làm cho người lao động.
Tương tự, một DN nhỏ khác là Công ty TNHH Laven Group (H.Thống Nhất) sau các chuyến tham gia xúc tiến thương mại, thị trường ở trong nước và Campuchia, đã bước đầu có triển vọng tích cực hơn. DN đang tăng tốc để cung ứng sản phẩm cho đối tác tiêu thụ ở Biên Hòa, Long Khánh, TP.HCM và tìm kiếm những đơn hàng đầu tiên sang nước bạn.
Theo Báo cáo Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý của Tổng cục Thống kê, có 76,3% DN đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý IV tốt hơn hoặc giữ ổn định so với quý III và 23,7% DN đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.
* Quan tâm, tạo sự gắn kết với người lao động
Theo Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành, chuyên sản xuất các loại găng tay cao su) Lê Bạch Long, đích đến của DN là tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thị trường ở các nước châu Á. Đây là nơi nhịp sống kinh tế sôi động nhất trên thế giới nên nhu cầu về các mặt hàng phụ trợ cho sản xuất có rất nhiều tiềm năng. Đối với Nam Long, nhiều năm qua thương hiệu đã được khẳng định trong nước nên việc cung ứng cho thị trường cũng thuận lợi hơn. Hiện nay, DN tiếp tục tìm các giải pháp chăm lo, tạo sự gắn kết hơn giữa người lao động với công ty để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty CP Thiết kế xây dựng Chính Nam Trần Quang Huấn cho hay, người lao động là yếu tố tối quan trọng đối với sự thành công của DN. Qua 10 năm thành lập, công ty đã có mặt tương đối rộng trong lĩnh vực xây dựng ở khu vực Đông Nam bộ với một số chi nhánh khác nhau. Bên cạnh việc tăng tốc cho các dự án, công trình, công ty đang tạo sự thi đua trong đội ngũ nhân viên với cuộc thi viết Nét đẹp người lao động Chính Nam. “Qua việc tổ chức cuộc thi, chúng tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của anh chị em nhân viên trong công ty để có thể đề ra những chính sách phát triển, tạo sự gắn bó của người lao động” - ông Huấn chia sẻ.
Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhật Nam (TP.Biên Hòa) Trần Quý cho biết, DN vừa phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đào tạo cho người lao động trong nhà máy. Dịp cuối năm, hàng hóa sản xuất nhiều nên vấn đề huấn luyện về an toàn, nâng cao tay nghề, trình độ cũng như sự chủ động của người lao động trong phòng ngừa và dự báo rủi ro trong quá trình sản xuất là rất quan trọng.