Sản lượng hydrocarbon ngày càng tăng đã cho phép Mỹ gia nhập nhóm các nhà xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới trong khi khai thác khí đốt tự nhiên mạnh mẽ sẽ cho phép quốc gia này nán lại vị trí đó trong một thời gian dài, theo Hart Energy.
Sản lượng dồi dào
Sản lượng hydrocarbon ngày càng tăng đã củng cố an ninh năng lượng của Mỹ trong những năm gần đây, cho phép nước này trở thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng. Và việc khai thác khí đốt tự nhiên - còn gọi là “nhiên liệu chuyển tiếp” - mạnh mẽ sẽ cho phép Mỹ duy trì vị trí xuất khẩu dẫn đầu trong cả lĩnh vực LNG và khí đốt qua đường ống.
Các sự kiện toàn cầu nổi trội trong những năm gần đây đi từ đại dịch COVID-19 năm 2020 đến việc Nga xung đột với Ukraine vào đầu năm 2022. Trong khi đại dịch COVID-19 giáng một đòn ngắn hạn vào các nhà khai thác năng lượng trên toàn cầu, thì sự kiện sau đã mang lại lợi ích cho các công ty khí đá phiến và các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ. Nó đưa quốc gia này lên vị trí hàng đầu với tư cách là nhà cung cấp năng lượng nổi bật và an toàn cho Châu Âu, Châu Á và phần còn lại của thế giới.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ đã không tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu LNG cho đến năm 2016, nhưng chỉ sau ba năm, nước này đã trở thành nhà xuất khẩu năng lượng ròng.
Sản lượng khí khô của Mỹ - tiếp tục dao động ở mức trên 100 tỷ feet khối (Bcf)/ngày với sự đóng góp đáng kể từ các mỏ đá phiến Marcellus, Permian và Haynesville - dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sản lượng hiện tại và hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
EIA cho biết vào tháng 9 rằng xuất khẩu LNG chiếm 13-14 Bcf/ngày trong tổng sản lượng khí khô của Mỹ, trong khi xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang Mexico chỉ là 5-6 Bcf/ngày.
Cơ quan này dự kiến sản lượng khí đốt của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm tới, cũng như đến năm 2050, hỗ trợ xuất khẩu LNG tiếp tục tăng.
EIA dự báo sản lượng khí đốt hàng năm của Mỹ sẽ tăng 15% lên 42,1 nghìn tỷ feet khối (Tcf), tương đương khoảng 115 Bcf/ngày, và xuất khẩu LNG sẽ tăng 152% lên 10 Tcf (khoảng 27 Bcf/ngày) trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050.
Theo báo cáo “Triển vọng năng lượng hàng năm” năm 2023 của IEA, tăng trưởng khai thác phần lớn được thúc đẩy bởi xuất khẩu LNG của Mỹ. Việc gia tăng khai thác khí đốt ở Bờ Vịnh và ở Tây Nam phản ánh hoạt động tăng cường ở Hệ tầng Haynesville và Lưu vực Permian, gần với cơ sở hạ tầng kết nối nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên với các cơ sở xuất khẩu LNG đang phát triển.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris dự báo sản lượng khí đốt của Mỹ sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn so với những năm trước do nhu cầu trong nước thấp hơn và khả năng bổ sung công suất xuất khẩu LNG hạn chế.
“Chúng tôi kỳ vọng sản lượng khí khô sẽ tăng 2% vào năm 2023 và dưới 1% vào năm 2024,” cơ quan này cho biết trong “Đánh giá an ninh khí đốt toàn cầu 2023” được xuất bản hồi tháng 9.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với Hart Energy rằng, sự tăng trưởng trong tương lai về khai thác khí đốt của Mỹ sẽ không phải là không có những trở ngại, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến những hạn chế kéo dài ở khâu trung nguồn.
Nắm bắt thời cơ
Xung đột giữa Ukraine và Nga đã khiến xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu và Anh giảm mạnh, gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn.
Trong khi các nước xuất khẩu LNG hạng nặng như Australia và Qatar đã không thể nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu LNG sang châu Âu khi nhu cầu đang ở mức cấp bách nhất thì Mỹ, với khả năng hóa lỏng hiện có và việc bổ sung công suất liên tục, đã có thể làm được việc đó.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã có lợi cho Châu Âu vào năm 2022 nhằm giúp tránh tình huống xấu nhất có thể khiến nhiều quốc gia trong khu vực rơi vào tình trạng mất điện do thiếu năng lượng.
Đầu tiên là một mùa đông ấm hơn bình thường. Thứ hai là khả năng mua LNG của Châu Âu, chủ yếu từ Mỹ. Điều này có thể thực hiện được vì các nước Châu Âu có đủ khả năng mua LNG khi giá tăng vọt. Nhiều chuyến hàng đã được chuyển hướng từ châu Á khi châu Âu, vốn đang thiếu năng lượng, phải cố gắng duy trì nguồn cung bằng bất cứ giá nào.
LNG của Mỹ cho thế giới
Mỹ có vị thế tốt để tiếp tục cuộc chiến giành quyền thống trị thị trường LNG với Australia và Qatar. Kết hợp lại, ba quốc gia này chiếm 60% sản lượng LNG toàn cầu vào năm 2022, theo “Báo cáo LNG thế giới năm 2023” của Liên minh Khí đốt Quốc tế (IGU).
Năm 2022, Australia chiếm vị trí dẫn đầu là nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới (80,9 triệu tấn). Theo sau họ là Mỹ (80,5 triệu tấn) và Qatar (80,1 triệu tấn). Vị trí thứ tư và thứ năm thuộc về Nga (33 triệu tấn) và Malaysia (27,3 triệu tấn) trong bảng xếp hạng của IGU.
IGU cho biết: “Tác động chính của cuộc khủng hoảng năng lượng là sự kết hợp giữa việc giá tăng mạnh chưa từng có và biến động với sự thay đổi chưa từng có trong mô hình thương mại LNG giữa các khu vực. Khối lượng LNG từ Mỹ chiếm 44% tổng lượng LNG nhập khẩu của châu Âu trong khi châu Âu chiếm 69% tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
Hơn nữa, người ta cũng quan sát thấy những chuyến hàng vận chuyển hàng hóa hiếm hoi từ Châu Á - Thái Bình Dương đến Châu Âu, mặc dù có khoảng cách xa với chi phí vận chuyển cao.
Nhu cầu về LNG dự kiến sẽ vẫn mạnh mẽ trong ít nhất là cuối thập kỷ này. Sau thời gian đó, triển vọng là không chắc chắn, BP cho biết vào tháng 7 trong báo cáo “Triển vọng Năng lượng 2023” của mình.
BP cho biết: “Mỹ và Trung Đông [sẽ] tự biến mình là các trung tâm cung cấp LNG chính trên toàn cầu, trong khi triển vọng xuất khẩu LNG của Nga bị ảnh hưởng bởi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine”.
Nhưng trong tương lai, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng gờm từ Trung Đông và Australia theo các kịch bản phát thải ròng bằng 0, tăng tốc và động lực mới của BP.
“Thế giới đang khử cacbon và các liên minh truyền thống đã tan rã,” ông Jack Belcher của Cornerstone Government Affairs cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Hart Energy.
"Các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ cần phải xem xét các thị trường ngoài châu Âu… vì những lời hoa mỹ từ châu Âu khiến bạn nghĩ rằng đây chỉ là điều tạm thời”.
“Bộ ba bất khả thi”
Các sự kiện địa chính trị năm 2022 là một lời nhắc nhở bất ngờ nhưng dường như cần thiết rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sang năng lượng sạch hơn và lượng khí thải bằng 0 phải tính đến an ninh năng lượng và khả năng chi trả.
Cái gọi là bộ ba bất khả thi về năng lượng - bao gồm an ninh năng lượng, khả năng chi trả và tính bền vững - là cần để chuyển đổi thành công và xuất khẩu LNG và khí đốt qua đường ống của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó, Nhà kinh tế trưởng Spencer Dale của BP viết trong báo cáo triển vọng của công ty.
Khoản đầu tư trị giá 370 tỷ USD của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) bao gồm khoảng hai chục điều khoản về thuế nhằm giảm chi phí năng lượng cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đồng thời đẩy nhanh việc triển khai năng lượng sạch, phương tiện, tòa nhà và sản xuất. Nó cung cấp hàng tỷ USD đầu tư vào các chương trình tài trợ và cho vay cũng như các khoản đầu tư khác cho năng lượng sạch và hành động vì khí hậu.
Sản lượng khí đốt ngày càng tăng của Mỹ, cùng với IRA, dường như đảm bảo rằng các nhà khai thác và xuất khẩu khí đốt của Mỹ tiếp tục nỗ lực tiến lên và xây dựng trên nền tảng vốn đã vững chắc được gắn kết bởi khai thác đá phiến mạnh mẽ của Mỹ. Việc khai thác này đã cho phép các công ty khí đốt của Mỹ đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm bớt lo lắng về an ninh năng lượng.
Với sản lượng mạnh mẽ và khối lượng khí đốt dư thừa, các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ hiện đang tập trung vào việc tăng cường công suất hóa lỏng của Mỹ hoặc khả năng mở rộng xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang nước láng giềng Mexico, ngay phía nam biên giới Mỹ.
Đường ống dẫn khí đốt cho Mexico
Trong lĩnh vực khí đốt qua đường ống, các nhà xuất khẩu Mỹ tiếp tục đáp ứng nhu cầu về khí đốt ở Mexico, nơi có trữ lượng hydrocarbon khá lớn. Lựa chọn tốt nhất tiếp theo của Mexico trong tình trạng thiếu khí đốt khai thác trong nước là nhập khẩu khí đốt của Mỹ.
Công ty dầu khí nhà nước Petróleos Mexicanos (Pemex) đã gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản lượng do các cam kết tài chính ràng buộc với chính phủ dưới hình thức thanh toán và đầu tư vào các dự án chiến lược.
Các kế hoạch trong tương lai nhằm nâng cao công suất hóa lỏng của Mexico – lên khoảng 32 triệu tấn mỗi năm, theo Rystad Energy, hoặc lên tới 45 triệu tấn, theo BTU Analytics – sẽ chỉ khả thi khi lượng khí đốt qua đường ống của Mỹ tiếp tục được duy trì và tăng cao hơn.
Và kết hợp xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Mỹ sang Mexico với nhu cầu tiềm năng gắn liền với các dự án LNG của Mexico, khối lượng khí đốt được gửi đến Mexico có thể đóng vai trò là động lực quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu LNG và tăng gần gấp đôi trong thời gian ngắn đến trung hạn so với số liệu của EIA.
Tuy nhiên, ước mơ của các nhà khai thác Mỹ nhằm cung cấp năng lượng cho 9 nhà máy hóa lỏng theo kế hoạch của Mexico tiếp tục bị lu mờ do thiếu năng lực vận chuyển đường ống ở phía nam biên giới.