• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.233,66 +5,56/+0,45%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:45:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.233,66   +5,56/+0,45%  |   HNX-INDEX   221,94   +0,65/+0,29%  |   UPCOM-INDEX   91,46   -0,24/-0,27%  |   VN30   1.291,19   +5,12/+0,40%  |   HNX30   471,22   +3,25/+0,69%
25 Tháng Mười Một 2024 11:49:16 SA - Mở cửa
Chi phí trả nợ của các nước đang phát triển tăng lên mức cao kỷ lục
Nguồn tin: Saigon Times | 16/12/2023 10:15:00 SA
Trong năm 2022, các nước đang phát triển đã chi số tiền kỷ lục 443,5 tỉ đô la Mỹ để trả lãi và gốc cho các khoản nợ công trong bối cảnh các mức lãi suất trên toàn cầu tăng vọt, theo Báo cáo Nợ quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 13-12.
 
 
Các thành viên của đảng Quyền lực Nhân dân quốc gia Sri Lanka hô khẩu hiệu phản đối kế hoạch tái cơ cấu nợ của chính phủ trong cuộc biểu tình ở thủ đô Colombo hồi tháng 7. Họ cho rằng kế hoạch này ảnh hưởng đến thu nhập của các quỹ hưu trí. Ảnh: Getty
 
Báo cáo của WB cho biết, con số nói trên cao hơn 5% so với năm 2021 và cảnh báo, tình hình sẽ tồi tệ hơn nữa đối với các nước nghèo nhất. Chi phí trả nợ của 24 nước nghèo nhất thế giới có thể tăng tới 39% trong năm 2023 và 2024, theo dự báo của WB.
 
“Các mức nợ cao kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều nước vào con đường khủng hoảng”, Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới (đơn vị chủ quản của WB), nói..
 
Ông cho biết thêm, lãi suất ở mức cao sẽ khiến nhiều nước đang phát triển trở nên căng thẳng tài chính hơn khi họ đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc trả nợ công và đầu tư vào y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng.
 
Nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình, WB lưu ý đã có 18 vụ vỡ nợ chủ quyền ở 10 nước đang phát triển trong 3 năm qua, nhiều hơn tổng số vụ vỡ nợ chủ quyền trong hai thập niên trước đó cộng lại. Danh sách này bao gồm các vụ vỡ nợ ở Ghana, Sri Lanka và Zambia, cùng nhiều nước khác.
 
Trong số 75 nước đủ điều kiện vay vốn từ Hiệp hội Phát triển quốc tế của WB, một tổ chức hỗ trợ tài chính lãi suất thấp cho các nước nghèo nhất thế giới, có 11 nước hiện đã rơi vào tình trạng căng thẳng nợ và 28 nước khác đối mặt với nguy cơ này. WB kêu gọi tiến hành tái cấu trúc các khoản nợ để giúp họ tránh rơi vào “thập niên mất mát”.
 
Lãi suất tăng cao trên toàn cầu và đồng đô la Mỹ mạnh khiến chi phí trả nợ công của các nước đang phát triển trở nên đắt đỏ hơn. WB cho biết, hơn 30% nợ nước ngoài của các nước đang phát triển có lãi suất thả nổi, vì vậy, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động đột ngột. Đồng thời, ngân hàng này cũng lưu ý đồng đô la mạnh hơn, khiến đồng tiền của các nước này mất giá trên các thị trường toàn cầu, dẫn đến chi phí trả nợ tốn kém hơn.
 
Tình trạng đó cũng khiến khu vực đang phát triển gặp khó khăn hơn trong nỗ lực thu hút đầu tư và tài chính mới. Theo WB, các cam kết cho vay mới đối với các nước đang phát triển đã giảm 23% trong năm ngoái, xuống còn 371 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2022, các chủ nợ tư nhân đã nhận được số tiền hoàn trả nhiều hơn 185 tỉ đô so với số tiền họ cho vay ở các nước đang phát triển. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 có sự đảo ngược như vậy.
 
Các ngân hàng đa phương quốc tế, bao gồm WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đã tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển tái cấp vốn cho khoản nợ khi các phương án huy động tài chính từ các nguồn tư nhân thu hẹp.
 
WB cho biết, các ngân hàng đa phương đã cung cấp 115 tỉ đô la dưới các hình thức tài trợ chi phí thấp mới cho các nước đang phát triển trong năm 2022. Khoảng 50% con số này đến từ WB. Thông qua Hiệp hội Phát triển quốc tế, WB đã cung cấp hỗ trợ tài chính mới cho nước đang phát triển vào năm ngoái với số tiền cao hơn 16,9 tỉ đô la so với WB nhận được từ các khoản hoàn trả.
 
WB cảnh báo các nước dễ bị tổn thương và đang gặp khó khăn trong việc duy trì các khoản thanh toán có thể bị đẩy đến bờ vực nếu lãi suất tăng thêm hoặc thu nhập của họ từ xuất khẩu giảm mạnh.
 
Gánh nặng nợ ngày càng tăng của khu vực đang phát triển đã gây thêm áp lực lên các tổ chức phát triển đa phương như WB trong việc cung cấp các khoản vay chi phí thấp cho các nước nghèo nhất. Các tổ chức quốc tế khác Nhóm G20 cũng đang tìm cách đẩy nhanh tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo, nhưng những nỗ lực đó tiến triển chậm chạp.
 
Đầu năm nay, Trung Quốc và các chủ nợ khác đạt được thỏa thuận với Zambia để cơ cấu lại khoản nợ tổng cộng 6,3 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, dù nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, thỏa thuận này vẫn chưa thể hoàn tất do có sự phản đối kéo dài về sự nhượng bộ từ một số chủ nợ khác.
 
Sri Lanka, nước đã tuyên bố vỡ nợ năm ngoái, cũng đang thực hiện gói tái cơ cấu với các chủ nợ bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
 
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Janet Yellen xem các nỗ lực giảm nợ cho các nước đang phát triển là trọng tâm trong những cuộc thảo luận của bà với các nhà lãnh đạo thế giới. Bà đã kêu gọi các chủ nợ quốc tế như Trung Quốc cung cấp một số hình thức giảm nợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, cho rằng điều này sẽ có lợi cho nền kinh tế toàn cầu.
 
Hôm 13-12, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hội đồng CEO WSJ, bà nhấn mạnh việc giảm nợ cho các nước đang phát triển một trong những vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác để giải quyết.
 
“Rất nhiều nước trên thế giới đang thực sự tổn thương, đặc biệt là với các mức lãi suất cao từ gánh nặng nợ không bền vững. Họ cần cơ cấu lại khoản nợ và chúng ta cần hợp tác để thực hiện điều đó”, bà nói.