Chia sẻ với VietnamFinance, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích Đầu tư FIDT, nhận định chất lượng tài sản của đa số các ngân hàng có thể cải thiện dần từ năm 2024 và đây sẽ là "bệ đỡ" cho đà phục hồi vững chắc hơn của thị trường chứng khoán trong năm sau. Theo ông Phương, hiện nay là thời điểm phù hợp để tích sản cổ phiếu ngân hàng.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích Đầu tư, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT
- Kể từ đầu năm tới nay, cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá ảm đạm, biên độ biến động thấp hơn nhiều nhóm ngành. Nguyên nhân là vì đâu, thưa ông?
Nhìn vào dữ liệu diễn biến giá thì thật ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng có độ biến động giá cao hơn chỉ số VN-Index trong 11 tháng đầu năm nay. Xét về hiệu quả đầu tư thì trong 11 tháng, nhóm ngân hàng tăng trung bình 16,3%, vượt trội so với mức tăng khoảng 4,8% của VN-Index nói chung nên nhóm ngân hàng cũng không quá ảm đạm nếu nhìn vào hiệu suất đầu tư. Tuy nhiên, nói nhóm ngân hàng biến động thấp hơn các nhóm ngành khác cũng hợp lý khi biến động của nhóm ngân hàng thấp hơn nhiều các nhóm ngành được nhà đầu tư quan tâm như chứng khoán, bất động sản, tài nguyên…
Nhóm ngân hàng biến động thấp nhìn chung đến từ 4 nguyên nhân lớn. Thứ nhất, nhóm ngân hàng trước nay vẫn là nhóm có beta thấp hơn các nhóm ngành khác được thị trường quan tâm nên nhìn chung nhà đầu tư sẽ thấy nhóm này ít biến động trừ những con sóng chứng khoán lớn như giai đoạn dịch Covid-19.
Thứ hai, sau con sóng lớn của thị trường kết thúc vào năm 2022 thì dòng tiền trên thị trường cũng không mạnh như giai đoạn đó. Với vốn hóa lớn của nhóm ngân hàng thì dòng tiền suy yếu không đủ để nhóm ngân hàng có những biến động lớn mà thiên về xu hướng tích lũy dài hạn.
Thứ ba, các vấn đề liên quan đến chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn đang được theo dõi và đánh giá. Do đó, nhóm này có xu hướng tích lũy đợi bức tranh tài sản rõ hơn và các kỳ vọng mới thật sự cho nhóm này và nền kinh tế nói chung.
Thứ tư, khi các rủi ro ở nhóm bất động sản và ngân hàng còn hiện hữu thì dòng tiền sẽ tập trung vào các nhóm có câu chuyện tăng trưởng và ít chịu rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
- Hiện nay, kết quả kinh doanh cũng như chất lượng tài sản của các ngân hàng đang xấu đi khá rõ. Theo ông, liệu điều này có tác động tiêu cực đến cổ phiếu ngân hàng trong thời gian tới không? Hay là "định giá thấp" sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng giữ ở vùng giá hiện tại?
Về chất lượng tài sản của các ngân hàng, theo kết quả kinh doanh của 27 ngân hàng đang niêm yết và giao dịch thì chất lượng tài sản các ngân hàng vẫn đang xấu đi tính đến quý III/2023 khi tỷ lệ nợ xấu tăng liên tục từ đầu năm và hiện ở mức 2,2%. Ngoài ra, nợ nhóm 2 cũng có xu hướng gia tăng mạnh từ đầu năm 2023. Do đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang xấu đi khá rõ.
Tuy nhiên, để đánh giá tác động lên giá cổ phiếu sắp tới thì câu hỏi cần phải trả lời là chất lượng tài sản của nhóm này đã ở đáy hay chưa. Nếu chất lượng tiếp tục xấu đi thì có thể tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu ngân hàng sắp tới, nhưng nếu chất lượng tài sản đã ở vùng đáy thì có thể là cơ hội cho nhóm ngân hàng phục hồi trong năm 2024.
Với dữ liệu các nhóm nợ của 27 ngân hàng, có thể thấy chất lượng nợ xấu quý III đã tăng chậm lại và nếu tính cả nợ nhóm 2 thì số liệu quý III đang giảm nhẹ so với quý II. Do đó, dữ liệu về chất lượng nợ quý IV sắp tới sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn xu hướng chất lượng nợ của ngành ngân hàng. Theo đánh giá thì chất lượng nợ sẽ xấu nhất trong năm 2023 và sẽ dần cải thiện trong năm 2024.
Về định giá, nhóm ngân hàng đang được định giá theo cả P/E và P/B ở mức thấp và cũng là nguyên nhân chính khiến định giá của toàn thị trường ở mức tương đối hấp dẫn. Định giá rẻ này khá hợp lý trong bối cảnh chất lượng nợ của hệ thống ngân hàng đang xấu nhưng cũng sẽ mở ra kỳ vọng phục hồi khi chất lượng nợ được kỳ vọng phục hồi dần từ 2024.
- Ông đánh giá thế nào về tác động của vụ SCB - Vạn Thịnh Phát đến hệ thống ngân hàng nói chung và triển vọng kinh doanh của các ngân hàng thương mại nói riêng? Cổ phiếu ngân hàng liệu có chịu tác động tiêu cực từ vụ việc này hay không, thưa ông, nhất là trong bối cảnh kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản của các ngân hàng xấu đi như hiện nay?
Vụ SCB và Vạn Thịnh Phát là một vụ việc lớn đối với Việt Nam và tác động của vụ này sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ với ngành ngân hàng mà cả thị trường. Tuy nhiên, SCB là một ngân hàng đang tái cơ cấu và giao dịch liên quan của SCB với các ngân hàng khác trong hệ thống là không đáng kể, nói cách khác, SCB tham gia vào thị trường liên ngân hàng rất hạn chế. Do đó, tác động trực tiếp của SCB đến các ngân hàng khác trong hệ thống là không đáng kể. Việc xử lý SCB sẽ rơi vào “vai” của Ngân hàng Nhà nước là chủ yếu.
Do đó, chúng tôi cho rằng chất lượng tín dụng của các ngân hàng khác sẽ không ảnh hưởng quá lớn từ vụ việc SCB mà chủ yếu chịu ảnh hưởng từ chu kỳ chung của nền kinh tế, thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
- Mặc dù đa số cổ phiếu ngân hàng diễn biến ảm đạm nhưng cũng có một số ít cổ phiếu bứt phá tốt từ đầu năm. Theo đánh giá của ông, trong thời gian tới, để "đãi cát tìm càng" trong các cổ phiếu ngân hàng, cần lưu ý những tiêu chí nào?
Không chỉ riêng nhóm ngân hàng mà rất nhiều nhóm ngành đều có phân hóa hiệu suất từ đầu năm đến nay. Sau khi thị trường tạo đáy vào tháng 11/2022 thì khi thị trường phục hồi, sự phục hồi không đều nhau trong mỗi nhóm ngành dựa vào độ beta, trong đó cổ phiếu beta cao thường có hiệu suất vượt trội khi thị trường bắt đầu phục hồi do đà giảm trước đó mạnh, với nhóm ngân hàng là các trường hợp của NAB, VIB, SHB,… Ngoài ra, một số cổ phiếu có câu chuyện riêng về thoái vốn cũng có kỳ vọng riêng như PGB và LPB.
Đối với ngành ngân hàng nói chung, tôi cho rằng đây là thời gian tích sản phù hợp cho các kỳ vọng dài hạn sẽ tốt hơn là “đãi cát”. Các ngân hàng tầm trung với triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt đang có định giá hấp dẫn như TCB, MBB vẫn đang trong vùng tích sản tốt.
- Ông nhận định thế nào về triển vọng TTCK trong quý cuối năm nay cũng như quý đầu năm sau? Theo ông, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò thế nào trong hành trình của TTCK trong thời gian trên?
Thị trường chứng khoán đang tích lũy ở vùng định giá tương đối rẻ trong lịch sử, là bước tạo đà tốt cho thị trường cuối năm và đầu năm 2024. Về triển vọng của thị trường, với việc lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt rất rõ, Fed được dự báo có thể hạ lãi suất từ cuối quý I/2024 và xác suất kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là thấp nên dòng vốn quốc tế có thể trở lại thị trường mới nổi (EM) từ năm 2024.
Trong nước, kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo tăng trưởng tốt hơn. Với kỳ vọng giai đoạn xấu nhất của ngành ngân hàng và bất động sản đã qua, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong năm 2024.
Như đã phân tích ở trên, chất lượng tài sản của đa số các ngân hàng có thể cái thiện dần từ năm 2024 là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi bền vững của VN-Index. Hay có thể nói, sự cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ là “bệ đỡ” cho đà phục hồi của thị trường vững chắc hơn trong năm sau. Do đó, việc phân tích chất lượng tài sản nhóm ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nhận định sự phục hồi vững chắc của thị trường.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Long