Chính sách "khó hiểu" nhất xuất hiện ở Nhật Bản trong thập kỷ qua, xét về mặt logic kinh tế vĩ mô, là thông báo chính phủ dự định cắt giảm thuế thu nhập cá nhân.
Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN
Đó là nhận định của Giáo sư Masaaki Shirakawa thuộc trường Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo và là cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) về chính sách kinh tế mới đây của Nhật Bản.
Chính phủ đã biện minh cho đề xuất giảm thuế 40.000 yen (271 USD) cho mỗi người là để trả lại những đóng góp của công dân vào tăng trưởng kinh tế, mà qua đó giúp thúc đẩy doanh thu của chính phủ.
Tuy nhiên, Giáo sư Masaaki nhận định đây là logic khó hiểu. Đầu tiên, chính phủ đang phải vật lộn tìm cách tài trợ cho kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và các chương trình khuyến khích tăng tỷ lệ sinh. Tất nhiên, chính phủ dự kiến sẽ không chỉ dựa vào thuế nhưng ít nhất phải dự kiến tăng thuế.
Thứ hai là logic “trả lại” nguồn thu thuế tăng thêm. Chi tiêu chính phủ đã tăng nhanh hơn doanh thu thuế trong một thời gian, đó là lý do vì sao tỷ lệ nợ chính phủ trên Tổng sản phẩm quốc nội ở Nhật Bản tăng đều đặn lên 260%. Vì vậy, chính phủ đã và đang làm nhiều việc hơn là chỉ "trả lại" nguồn thu thuế tăng thêm cho người dân của mình.
Nếu yêu cầu “hoàn trả” số thuế đã thu thì yêu cầu này phải được thực hiện vì lợi ích của thế hệ tương lai dưới hình thức giảm phát hành trái phiếu chính phủ. Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng trả nợ mà công dân tương lai sẽ phải đối mặt.
Thế nhưng, nếu "sức khỏe" tài chính của chính phủ không bền vững thì kết quả sẽ là lạm phát hoặc vỡ nợ.
Việc một quyết định tài chính như cắt giảm thuế được đưa ra dường như phản ánh mức độ rối loạn trong hệ thống chính trị và quan liêu của Nhật Bản.
Nhiều nhà kinh tế Nhật Bản gần đây đã im lặng. Điều quan trọng là phải lên tiếng cảnh báo ngay bây giờ, đặc biệt là trong tình huống mà áp lực tăng lãi suất trái phiếu có xu hướng bị ngăn chặn bởi chương trình kiểm soát đường cong lợi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và việc tích cực mua trái phiếu chính phủ.
Một hậu quả đáng lo ngại của quỹ đạo tài chính hiện tại của Nhật Bản là không gian cho chính sách tài khóa bị thu hẹp. Suy cho cùng, chức năng quan trọng nhất của chính sách tài khóa là xử lý các rủi ro xã hội mà các tác nhân kinh tế tư nhân sẽ không thể gánh chịu trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Hãy xem xét trường hợp một thảm họa thiên nhiên quy mô lớn. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 100 năm sự kiện được gọi là thảm họa động đất lớn Kanto làm hàng nghìn người thiệt mạng. Với lịch sử địa chấn của mình, Nhật Bản phải chuẩn bị cho những trận động đất có cường độ tương đương hoặc lớn hơn.
Chi tiêu lớn sẽ là cần thiết trong trường hợp có bất kỳ thảm họa mới nào. Thế nhưng, nếu không gian tài khóa của chính phủ được sử dụng hết trong thời gian bình thường, nước này sẽ không thể triển khai chính sách tài khóa để ổn định khi điều đó là cần thiết nhất. Hậu quả của việc đó sẽ rất tàn khốc.
Một nguy cơ khác về không gian tài chính bị thu hẹp của Nhật Bản là các cơ quan xếp hạng có thể hạ mức nợ chính phủ của nước này.
Các ngân hàng Nhật Bản đã mở rộng nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ trong những năm gần đây để ứng phó với sự suy thoái của thị trường nội địa. Điều này đòi hỏi phải sử dụng nguồn vốn ngoại tệ từ thị trường, đôi khi thông qua các thỏa thuận, trong đó trái phiếu Chính phủ Nhật Bản được sử dụng làm tài sản thế chấp.
Nếu thị trường ngừng chấp nhận trái phiếu làm tài sản thế chấp do có thể bị hạ xếp hạng, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nói chung, việc duy trì kỷ luật tài chính là rất quan trọng.
Một vấn đề khác là câu hỏi định hướng chính sách kinh tế vĩ mô của Nhật Bản đang đi theo hướng nào trong tình huống lạm phát.
Một mặt, để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao đã làm tăng lạm phát tổng thể, chính phủ đang cung cấp các khoản trợ cấp để giảm bớt nỗi đau mà người tiêu dùng phải gánh chịu. Mặt khác, chính phủ tiếp tục tìm cách tăng tỷ lệ lạm phát, được thể hiện qua việc biện minh cho kế hoạch cắt giảm thuế như một biện pháp để "hoàn thành việc thoát khỏi giảm phát". BoJ cũng đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy lạm phát.
Vậy Nhật Bản với tư cách là một quốc gia đang hướng tới tỷ lệ lạm phát thấp hơn hay cao hơn? Có một mối quan hệ khó khăn tồn tại giữa chính sách tiền tệ với sự bền vững tài chính. Một trường phái cho rằng chính sách tiền tệ tối ưu phải dựa trên các điều kiện nhất định mà ngân hàng trung ương đang hoạt động. Những người theo quan điểm này lập luận rằng nếu các ngân hàng trung ương tăng lãi suất với mục đích khôi phục kỷ luật tài chính, điều này có thể có nguy cơ vượt quá vai trò của ngân hàng trung ương đối với chính phủ.
Tất nhiên, trong một xã hội dân chủ, chính sách tài khóa được quyết định bởi chính phủ và cơ quan lập pháp. Các ngân hàng trung ương không thể và không nên can thiệp vào lĩnh vực chính sách tài khóa.
Thế nhưng, điều này không có nghĩa là ngân hàng trung ương nên bỏ qua tác động của việc nới lỏng tiền tệ đối với sự bền vững tài chính hoặc tính bền vững của tình hình kinh tế vĩ mô.
Chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến các tác nhân kinh tế tư nhân và chính phủ. Các cuộc thảo luận thường là về tác động của việc nới lỏng tiền tệ đối với các tổ chức tư nhân về cơ chế truyền tải. Tuy nhiên, không có lý do để bỏ qua tác động của chính sách tiền tệ đối với chính phủ với tư cách là người đi vay.
Điều này đặc biệt đúng vì cho đến nay, “con nợ” lớn nhất ở Nhật Bản vẫn là chính phủ. Việc xem xét như vậy không đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương can thiệp vào chính sách tài khóa. Việc này chỉ đơn giản là xem xét cơ chế truyền tải nới lỏng tiền tệ dựa trên tình hình thực tế.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất trong việc thực hiện chính sách tiền tệ là đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Lạm phát là một yếu tố có thể đe dọa tăng trưởng nhưng cũng có những yếu tố quan trọng khác. Ví dụ, ngân hàng trung ương phải xem xét nếu tính bền vững kinh tế vĩ mô bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mất kỷ luật tài chính một phần từ việc nới lỏng tiền tệ kéo dài.
Xem xét các giai đoạn giống như tình trạng hỗn loạn gây ra bởi kế hoạch "ngân sách nhỏ" cắt giảm thuế do chính phủ Thủ tướng Liz Truss khi đó đưa ra vào tháng 9/2022 hoặc các vụ phá sản của ngân hàng Mỹ vào tháng 3/2023, có thể thấy việc thị trường cho rằng sự mất cân bằng tài chính tiềm ẩn có thể đã tích lũy ở
Nhật Bản do việc nới lỏng tiền tệ kéo dài là điều hoàn toàn tự nhiên. Điều đó có thể đe dọa triển vọng tăng trưởng bền vững. Việc chỉ tập trung vào tỷ lệ lạm phát mục tiêu 2% là rất nguy hiểm bởi nó đang bỏ sót thực tế đang thay đổi về động lực của nền kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước.
Nguyễn Tuyến