Phó Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Fadillah Yusof cho biết Chính phủ không có kế hoạch thay thế cao su bằng cây đay (kenaf) hoặc tre. Mặc dù nhiều đồn điền cao su đã được thay thế bằng dầu cọ, nhưng điều quan trọng là việc sản xuất cao su phải được duy trì ở quốc gia này. Ông Fadillah trả lời ý này trước câu hỏi liệu Bộ có ý định chuyển sang cây đay hoặc tre thay vì cao su hay không vì nó mang tính thương mại hơn và có thời gian đáo hạn ngắn hơn.
“Trên thực tế, chúng tôi đã giới thiệu một chương trình thí điểm (dự án thí điểm khuyến khích sản xuất mủ cao su), nhằm khuyến khích sản xuất mủ cao su. Đó là do giá mủ cao su tốt hơn, ở mức 5 RM/kg. Bằng cách sản xuất mủ cao su, các hộ sản xuất nhỏ và thợ cạo mủ có thể bán trực tiếp cho các nhà máy mà không cần thông qua người trung gian và điều này sẽ mang lại cho họ thu nhập tốt hơn”, ông nói. Ông cho biết dự án thí điểm sản xuất mủ cao su sẽ được thực hiện trong thời gian một năm và sẽ bắt đầu ở Perak, trước Kedah và Sabah.
Trước vấn đề tại sao Chính phủ vẫn duy trì nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Việt Nam và châu Phi, ông Fadillah cho biết là để đáp ứng nhu cầu trong nước, đặc biệt là cho lĩnh vực sản xuất sản phẩm cao su làm từ mủ cao su. Ông cho biết, năm ngoái, ngành sản xuất sản phẩm cao su cần 365.000 tấn trong khi sản lượng mủ cao su cả nước không đáp ứng đủ. Ngành chế biến cao su trên cả nước, với công suất sản xuất ước tính 1,5 triệu tấn, cần nguyên liệu thô để tiếp tục hoạt động và duy trì tính cạnh tranh. Sản lượng cao su trong nước thấp hơn so với nhu cầu của ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa cao su, khiến nước này vẫn phải nhập khẩu cao su từ các nước sản xuất cao su khác.
Vào năm 2022, sản lượng mủ cao su của cả nước ở mức thấp và chỉ có thể đáp ứng khoảng 4% tổng lượng tiêu thụ trong nước, nhưng xuất khẩu các sản phẩm chế biến làm từ mủ cao su, như găng tay cao su, lại đạt mức cao 21,302 tỷ RM, tương đương 78 % tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su.