Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù giá phân bón có hạ nhiệt chút ít so với năm ngoái nhưng điều gì xảy ra trong năm nay phụ thuộc vào cung và cầu thế giới.
Nguồn cung phân bón thế giới đang được cải thiện sau những cú sốc đối với hệ thống vào năm ngoái. Ảnh: Catrina Rawson
Mike Rahm, nhà tư vấn độc lập có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và dinh dưỡng thực vật, từng là phó chủ tịch phân tích chiến lược và thị trường của tập đoàn phân bón khổng lồ Mỹ Mosaic nhận định, thị trường phân bón năm nay vẫn phức tạp cho dù có cải thiện.
Theo đó, giá khí đốt tự nhiên ở liên minh châu Âu (EU) vẫn là động lực chính của giá nitơ toàn cầu do khí tự nhiên vẫn là nguyên liệu thô chính để tạo ra nitơ amoniac. Ước tính, liên minh châu Âu chiếm khoảng 9% tổng công suất sản xuất amoniac của thế giới (khoảng 22 triệu tấn) và sản lượng hiện tại là khoảng 16 triệu tấn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) cho biết, từ lâu EU vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn từ Nga, nhưng do Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung cho khối này để trả đũa các biện pháp trừng phạt áp đặt sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đã làm tăng đáng kể giá quốc tế.
Giới chức Mỹ trích dẫn dữ liệu từ Refinitiv Eikon, chỉ ra rằng xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống sang liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã giảm khoảng 40% trong bảy tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu ôn hòa gần đây đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm và các chính phủ thuộc lục địa già đã cho phép các công ty điện lực lấp đầy các khoảng trống lưu trữ khí đốt tự nhiên, để hạ giá nhiên liệu sưởi ấm, đồng thời cung cấp một vùng đệm chống lại việc giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống.
Theo ông Mike Rahm, hiện châu Âu đã vượt qua nửa chặng đường của quý nóng lên vào giữa tháng Giêng. Như theo dự báo của Reuters, ngay cả khi phần còn lại của mùa đông lạnh hơn bình thường, thì khu vực này vẫn có đủ khí đốt tự nhiên dự trữ để ngăn chặn sự cạn kiệt. Câu hỏi lớn là liệu liên minh châu Âu có thể bổ sung kho dự trữ cho mùa sưởi ấm 2023-2024 hay không, nếu không nhận được bất kỳ nguồn khí đốt tự nhiên nào từ Nga.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nitơ ở Mỹ dự kiến sẽ tăng trở lại khoảng 3% do diện tích cây trồng dự kiến sẽ tăng và tỷ lệ sử dụng phân bón được phục hồi. Nhiều chương trình khuyến khích sản xuất được ban hành, ví dụ như vào tháng 9 năm 2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã trao 500 triệu USD tài trợ thông qua Chương trình Mở rộng Sản xuất Phân bón để tăng năng lực sản xuất phân bón trong nước. Ngoài ra, bất chấp hoạt động sản xuất nitơ của châu Âu bị sụt giảm, nhưng nhiều nhà sản xuất phân bón ở các khu vực khác trên thế giới cũng đang tăng sản lượng.
Corey Rosenbusch, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Viện Phân bón cho biết, tại Mỹ có ít nhất 20 công ty sản xuất các sản phẩm phân bón. Ông này khẳng định: “Mặc dù một nhà máy sản xuất phân đạm có thể ngốn chi phí từ 2 tỷ đến 4 tỷ USD mới hoàn thành, nhưng bất cứ điều gì giúp tăng cường sản xuất phân bón trong nước đều là một chiến thắng cho ngành nông nghiệp, người nông dân và người tiêu dùng”.
Dự đoán về triển vọng thị trường phân bón, ông Mike Rahm kỳ vọng, không muốn chứng kiến giá phân bón tăng đột biến như năm 2022, nhưng cũng không mong đợi giá sẽ giảm xuống mức như trước năm 2021.
Theo BK Morris, chuyên gia thị trường cấp cao về phân bón của hãng CRU Group, giá phân bón thế giới đã tăng vọt lên mức lịch sử vào năm ngoái do chiến tranh ở Ukraine và việc giảm xuất khẩu phốt phát của Trung Quốc đã làm tê liệt chuỗi cung ứng, cùng với nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên năm nay chúng tôi đang kỳ vọng Nga sẽ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn phân đạm, so với chỉ 800.000 tấn vào năm 2022. Ngoài ra, ông Morris cũng hy vọng tăng xuất khẩu phân bón từ Trung Quốc, Ma-rốc và Ả-rập Xê-út, cùng các địa điểm khác vào thị trường toàn cầu, để làm dịu bớt sự căng thẳng về nguồn cung.