Số lần cắt điện ở Nam Phi năm 2022 cao gấp đôi so với những năm trước, và tình trạng này chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hôm 9/2 đã tuyên bố “tình trạng thảm họa quốc gia” để đối phó với tình trạng thiếu điện dẫn đến cắt điện hàng ngày ở quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất lục địa.
Tuyên bố này được đưa ra khi công ty điện lực Eskom của Nam Phi không sản xuất đủ điện việc cắt điện lên đến 8 giờ, thậm chí là 10 giờ mỗi ngày, đang tấn công các gia đình, nhà máy và doanh nghiệp trên quốc gia 60 triệu dân.
Theo ông Ramaphosa, tuyên bố này sẽ cho phép chính phủ của ông miễn trừ các dịch vụ thiết yếu như bệnh viện và nhà máy xử lý nước khỏi tình trạng mất điện và cho phép chính phủ mua thêm điện từ các nước láng giềng trong trường hợp khẩn cấp.
Đồng thời, nó cho phép chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với những tác động của việc cắt điện trên diện rộng, bao gồm việc cung cấp rộng rãi hơn các máy phát điện chạy bằng dầu diesel và các tấm pin mặt trời.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhận về nhiều chỉ trích khi để đất nước rơi vào khủng hoảng vì thiếu điện. Ảnh: Power Technology
Vì đâu nên nỗi?
Eskom cung cấp phần lớn điện năng cho Nam Phi thông qua các nhà máy nhiệt điện than đã bị sử dụng quá mức và không được bảo trì trong nhiều năm. Việc tạm ngừng các thiết bị để thực bảo trì sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải trong thời gian ngắn vì Eskom có rất ít nguồn điện dự phòng.
Vấn đề này được cho là sẽ được khắc phục sau khi 2 nhà máy đốt than lớn nhất thế giới, Medupi và Kusile được xây dựng ở các tỉnh Limpopo và Mpumalanga của Nam Phi.
Tuy nhiên, sau 15 năm khởi công, các nhà máy này vẫn chỉ hoạt động được khoảng một nửa trong tổng công suất 9.600 MW do hỏng hóc, lỗi kỹ thuật, chậm tiến độ và tai nạn.
1/3 số nhà máy của công ty Eskom sẽ đi hết vòng đời vào năm 2023. Ảnh: Bloomberg
Chi phí vượt mức lên tới hàng tỷ USD tại 2 nhà máy này buộc Eskom phải gánh khoản nợ 389 tỷ rand (22,7 tỷ USD), khiến công ty rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh. Hành vi trộm cắp điện, kể cả ở các thị trấn nghèo khó của Nam Phi, và việc khách hàng ở thành phố không trả tiền khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn.
Công ty này đã thua lỗ trong nhiều năm và phải dựa vào gói cứu trợ của chính phủ để duy trì khả năng thanh toán. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, Eskom báo cáo khoản lỗ 12,3 tỷ rand (723 triệu USD). Bất chấp việc tăng thuế mạnh cho khách hàng, Eskom vẫn không thể trang trải chi phí của mình.
Khốn khổ trăm bề
Đối với một số người, việc không tiếp cận được nguồn điện ổn định có khi là yếu tố quyết định sự sống và cái chết.
Trước khi qua đời vào tháng 10/2022, bà Lis Van Os cần phải thở oxy 17 giờ mỗi ngày, do đó cần phải có một nguồn điện ổn định, khiến thời gian cắt điện trở nên vô cùng khó khăn đối với gia đình bà.
Ngay cả những công việc đơn giản hàng ngày như nấu nướng, hay làm việc với mạng Internet cũng cần được sắp xếp theo lịch trình giảm tải, khiến cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Phi trở nên khó khăn.
Việc thiếu điện đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm và nước sạch, làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người. Nhiều doanh nghiệp nhỏ không có điện dự phòng phải đóng cửa và sa thải nhân viên. Các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ cũng gặp khó khăn khi phải tự bỏ tiền túi ra để mua dầu diesel cho máy phát điện.
Trong ngành chăn nuôi gia cầm, tình trạng mất điện đã buộc các nhà máy phải tạm dừng hoạt động. Do đó, hơn 10 triệu con gia cầm được chỉ định giết mổ vẫn còn sống và tiêu thụ thức ăn chăn nuôi, tạo ra một lượng hàng tồn đọng mà các công ty lo sợ rằng họ sẽ không thể giải quyết được.
Izaak Breitenbach, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Gia cầm Nam Phi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi thực sự có đủ gà tại các trang trại trên khắp đất nước, nhưng không thể cung cấp cho thị trường vì không thể giết mổ gà.
Để dự phòng, các nhà sản xuất đã bắt đầu sử dụng máy phát điện, khiến giá sản xuất thịt gà thậm chí còn tăng cao hơn. Ngoài ra, những con gà được nuôi lâu ngày sẽ trở nên quá lớn đối với những công ty như KFC, đồng nghĩa với việc các hãng gà bị mất doanh thu.
Cậu bé Ismail Sha người Nam Phi phải dùng đèn tích điện để học bài mỗi khi mất điện. Tình trạng này xảy ra thường xuyên ở Cape Town, Nam Phi. Ảnh Reuters
Mất điện còn gây ra những vấn đề trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, chế biến và bảo quản cây trồng.
Ông Gys Olivier, một nông dân từ Hertzogville ở tỉnh Free State cho biết, bản thân ông và những người nông dân trong khu vực đã buộc phải vứt bỏ số khoai tây giống trị giá hàng trăm nghìn USD do quá trình bảo quản lạnh sản phẩm trong chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Trong số những người bị ảnh hưởng còn có nông dân ở tỉnh Northern Cape, những người đang phải chịu đựng những đợt nắng nóng lớn khiến nhiệt độ ở một số khu vực lên tới 117 độ. Không có điện, họ không thể tưới tiêu cho cây trồng của mình, bao gồm cả những cây có múi đang khát nước.
Chris Hattingh, trưởng bộ phận phân tích chính sách tại Trung tâm Phân tích Rủi ro, cho biết nếu tình trạng mất điện tiếp tục diễn ra, tăng trưởng kinh tế của Nam Phi trong năm nay có thể sẽ bị giới hạn ở mức 1,5%. Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, có 45% khả năng nền kinh tế Nam Phi sẽ rơi vào suy thoái khi cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gia tăng.
Đâu là giải pháp?
Trước tình trạng mất điện không có hồi kết, người dân Nam Phi đang tuyệt vọng tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên, chi phí sử dụng năng lượng mặt trời cũng rất cao, vượt khỏi tầm với của nhiều người dân.
Ngoài ra, họ cũng phải chờ đợi vì nhu cầu sử dụng loại năng lượng này khá cao. “Tôi biết một nhà cung cấp năng lượng mặt trời đã nhận được 40 yêu cầu chỉ trong tuần trước, tất cả đều dành cho các dự án năng lượng mặt trời lớn”, ông Angus Williamson, một nông dân chăn nuôi gia súc từ tỉnh KwaZulu-Natal cho biết.
Mặc dù vậy, năng lượng tái tạo cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của người Nam Phi, vì không đáp ứng được nhu cầu vào giờ cao điểm buổi tối do có rất ít nắng và gió.
Năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đóng góp 13,4% vào tổng năng lượng của Nam Phi trong nửa đầu năm 2022. Ảnh: IT Web
Ủy ban khủng hoảng năng lượng quốc gia Nam Phi đã đề xuất một số biện pháp nhằm giảm bớt khủng hoảng trong thời gian ngắn, bao gồm nhập khẩu năng lượng từ các nước láng giềng và mua năng lượng dư thừa từ các nhà sản xuất tư nhân.
Theo bà Lungile Mashele, một chuyên gia năng lượng người Nam Phi, một bộ luật đang được xây dựng để cho phép phê duyệt và phát triển các nhà máy điện. Chính phủ nước này gần đây cũng đã phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió mới trong một chương trình dài hạn để mua năng lượng tái tạo từ các nhà sản xuất điện độc lập.
Theo Công ty quản lý tài sản tăng trưởng tương lai có trụ sở tại Cape Town, chương trình đã thu hút hơn 209 tỷ rand (12,3 tỷ USD) đầu tư vào khu vực tư nhân từ năm 2011 đến năm 2020. Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đã hứa hẹn sẽ đầu tư 8,5 tỷ USD vào năng lượng sạch ở Nam Phi.
Tuy nhiên, việc khắc phục các nhà máy cũ kỹ của Eskom và đưa các dự án năng lượng tái tạo mới vào hoạt động cần rất nhiều thời gian. Cơ sở hạ tầng lưới điện xuống cấp và những hạn chế về công suất sẽ là những trở ngại to lớn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở quốc gia châu Phi này.