Chứng khoán châu Á đi lên sau khi báo cáo bán lẻ mới nhất cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ vẫn ổn định, dù lạm phát còn cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi tâm lý nhà đầu tư được nâng đỡ bởi đợt tăng giá ở Phố Wall. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tiến 0,71% (tương đương 194,58 điểm) lên mức 27.696,44 điểm.
Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc tăng gần 2% nhờ đà tăng của cổ phiếu ô tô và công nghệ có giá trị vốn hóa lớn. Theo đó, chỉ số Kospi tại Seoul tăng 1,96% (47,58 điểm) và đóng cửa ở mức 2.475,48 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Mumbai, Bangkok, Wellington và Taipei cũng tăng điểm. Trong khi đó, Manila và Jakarta lại đảo ngược mức tăng đầu phiên.
Tại Trung Quốc , các chỉ số chính có sự phân hóa. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 0,84% (175,50 điểm) lên 20.987,67 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải không duy trì được đà tăng ở đầu phiên và kết thúc với mức giảm 0,96% (31,46 điểm) xuống 3.249,03 điểm
Các thị trường đã theo dõi số liệu kinh tế Mỹ trong nhiều tháng qua. Đa số nhà giao dịch đồng ý rằng các số liệu mạnh mẽ dù tốt cho nền kinh tế nhưng lại có hại cho chứng khoán, vì chúng sẽ gây thêm áp lực buộc Fed phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Với suy nghĩ này, thị trường chứng khoán thế giới đã trải qua một đợt bán tháo sau khi số liệu việc làm tại Mỹ tăng vọt vào tháng trước. Đó cũng là cơ hội để các quan chức ngân hàng trung ương cảnh báo việc phải tăng lãi suất lên cao hơn và duy trì ở mức đó lâu hơn dự kiến.
Thông tin về lạm phát tháng Một tại Mỹ giảm thấp hơn ước tính cũng củng cố quan điểm đó, càng làm sứt mẻ tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết việc doanh số bán lẻ đạt mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2021 có thể đã thuyết phục một số người thay đổi suy nghĩ "tin tốt là tin xấu" và tin rằng nền kinh tế có thể tránh được một cuộc suy thoái.
Dù vậy, vẫn còn nhiều nỗi lo trên các sàn giao dịch khi giới đầu tư cố gắng đánh giá triển vọng của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chuyên gia Jerry Braakman của công ty dịch vụ tài chính First American Trust cho biết thị trường đang cố gắng tìm hiểu xem liệu đây có phải là lần “hạ cánh mềm” hiếm hoi, hay sẽ cần chờ thêm thời gian trước khi nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái kinh hoàng.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/2, chỉ số VN - Index tăng 10,09 điểm (0,96%) lên 1.058,29 điểm. Chỉ số HNX - Index tăng 2,87 điểm (1,38%) lên 210,84 điểm./.