• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 6:29:03 SA - Mở cửa
Ngành Xuất bản tăng trưởng với nhiều chỉ số ấn tượng
Nguồn tin: Zing News | 18/02/2023 1:55:00 CH
Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3%), cũng là năm đầu tiên cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm.
 
 
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - tại hội nghị. Ảnh: Duy Anh.
 
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, sáng 17/2 tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - đánh giá chung các nhà xuất bản đã rất nỗ lực giữ vững ổn định sản xuất kinh doanh, biến thách thức thành động lực để triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung và xuất bản điện tử nói riêng.
 
Tất cả các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng. Tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029 xuất bản phẩm (tăng 15,42%) với gần 600.000 bản (tăng 49,5%). Trong đó xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với ước tính khoảng 32.000 bản (tăng 30%).
 
Với 57 nhà xuất bản trên cả nước, tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3%), trong đó 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2022 là năm đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm.
 
Những tín hiệu tích cực và 4 bài toán cho tương lai
 
Đánh giá năm 2022, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nội dung số và ứng dụng công nghệ để tiếp cận với đối tượng độc giả trẻ.
 
“Chúng ta đang ở trung tâm của ngành công nghiệp nội dung số. Cần có một cách tiếp cận mới để kết hợp các hình thức nội dung với nhau, để xuất bản phẩm trở thành một phần trong hệ sinh thái nội dung và phát triển những vòng đời khác nhau. Những gì diễn ra xung quanh chúng ta không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để giải các bài toán”, ông nói.
 
“Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào vì những kết quả đã đạt được trong những năm gặp nhiều khó khăn vì đại dịch. Số lượng sách đạt nhiều nhất từ trước đến nay, xuất bản số, thể loại sách tinh gọn, sách điện tử đang được chú trọng, truyền thông sách được đẩy mạnh… tất cả đều cho thấy những dấu hiệu tích cực”, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận xét.
 
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy vẫn còn một số hạn chế như quy mô, doanh thu và lợi nhuận của các nhà xuất bản tăng chưa tương xứng.
 
 
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý giúp xuất bản điện tử phát triển. Ảnh: Duy Anh.
 
Một số nhà xuất bản còn lượng sách tồn kho nhiều hoặc gặp khó khăn trong việc khai thác bản thảo; Sách có giá trị và có sức lan tỏa còn ít, đặc biệt là thể loại chính trị, khoa học công nghệ; Vẫn còn xuất hiện xuất bản phẩm có nội dung sai sót, vi phạm, buộc phải sửa chữa hoặc bị các cơ quan chức năng xử lý...
 
Khi nhìn sâu vào sự phát triển của ngành, ông Nguyễn Thanh Lâm nhận thấy vẫn còn nhiều yếu tố phát triển chưa bền vững, trong đó có 4 bài toán cần được giải quyết.
 
Trước hết, tuy chúng ta đã đạt được con số thống kê trên 6 cuốn sách/người, cơ cấu tỷ lệ sách còn thiên nhiều về sách giáo khoa, sách tham khảo (khoảng 40%) trong khi ở các nước phát triển con số này khoảng 30%.
 
Cần hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản.
 
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
 
Vì vậy, bài toán đầu tiên ông Lâm cho rằng cần thúc đẩy hành vi đọc sách để tiếp cận tri thức một cách tự nhiên chứ không chỉ dừng lại ở chương trình học bắt buộc. Bài toán thứ hai nằm ở doanh thu lợi nhuận của các nhà xuất bản còn thấp so với kỳ vọng, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
 
Tiếp đến là bài toán quan trọng về chuyển đổi số. Ngành xuất bản cần tiếp cận thế hệ độc giả, thế hệ Gen Z khi thói quen đọc đã thay đổi. Cơ cấu dân số đang thay đổi, đặc biệt là hành vi đọc xem nghe với những nền tảng số. Vì thế, các nhà quản lý cũng cần đo đếm được thời gian nghe - đọc của người dân để từ đó xây dựng các biện pháp phù hợp.
 
Cuối cùng là bài toán nhân lực của ngành xuất bản. Theo dự đoán, năm 2023 sẽ chứng kiến một sự chuyển biến nhân lực, đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển ổn định của ngành xuất bản.
 
 
Chuyển đổi số được xem là trọng tâm phát triển của ngành xuất bản trong tương lai. Ảnh: Thanh Trần.
 
Chất lượng xuất bản điện tử là tương lai của ngành sách
 
Trong năm 2023, ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số cho các nhà xuất bản. Đây không chỉ là bài toán của các nhà xuất mà còn là bài toán của nhà quản lý. Theo đó, cần hoàn thiện nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, nền tảng kết nối các nhà xuất bản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động xuất bản.
 
"Không phải chúng ta rời xa văn hóa đọc, chúng ta chỉ chưa nhìn thấy toàn cảnh. Con đường đến với văn hóa đọc rất đa dạng, trong đó thói quen của thế hệ người đọc trẻ đang thay đổi và chúng ta cần có những biện pháp để đánh giá đúng hơn nhu cầu đọc hiện tại và tiếp cận được đối tượng độc giả trẻ", ông phát biểu.
 
Trong năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách đầu tư vào hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử: Tính đến hết năm 2021 chỉ có 6 đơn vị thì đến năm 2022 đã có 12 đơn vị được cấp giấy xác nhận hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử, một số đơn vị phát hành đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện các thủ tục để được cấp giấy xác nhận.
 
Cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý, giúp xuất bản điện tử phát triển.
 
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trần Thanh Lâm
 
Do đó, thị trường xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam đã có sự phát triển hơn, tạo cơ sở cho sự phát triển của thị trường sách điện tử Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
GS.TS. Đinh Xuân Dũng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản - Ban Tuyên giáo Trung ương, nhắc lại nhiều mục tiêu đã được đề ra cách đây gần 20 năm, trong đó, xuất bản điện tử đã được xem là tương lai của ngành xuất bản.
 
“Xuất bản điện tử đang chập chững và chưa thực hiện được hết nội hàm của xuất bản điện tử. Cần có nhiều nghiên cứu hơn, trong đó tập trung vào ba mục tiêu chính là tinh gọn, hiệu quả, hiện đại hóa. Bởi nếu chỉ dừng lại với quy mô, loại sách, tổ chức xuất bản như hiện nay, ngành xuất bản chúng ta sẽ càng lạc hậu hơn”, ông chia sẻ.
 
 
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, in và phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - tại hội nghị. Ảnh: Duy Anh.
 
Ông Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho biết năm 2023 cũng là một năm quan trọng để hoàn thiện các văn bản pháp lý, đặc biệt là Luật xuất bản: “Xuất bản điện tử là con số rất mới xuất hiện gần đây với những thành tích rất đáng tự hào và ghi nhận. Hiện tại đã có văn bản, quy hoạch về chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý”.
 
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nói năm 2023, các đơn vị xuất bản cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, các thể loại sách chính trị, lịch sử, chủ quyền biển đảo... Các nhà xuất bản cần tập trung phát triển chuyên ngành, chuyên sâu, phát huy được sức mạnh của từng đơn vị, đổi mới tư duy.
 
Trong tình hình mới, nhiệm vụ, sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi người làm xuất bản lại được đặt thêm những trọng trách. Quyền hạn, trách nhiệm của từng ban biên tập, giám đốc nhà xuất bản là phải hòa vào dòng chảy, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.