Đã có một số ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động và giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn.
Từ ngày 16/3, VietABank áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức điều chỉnh giảm 0,5 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.Theo đó, tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là Tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ, các kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng tiếp tục được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 6%/năm. Trong khi các kỳ hạn 6 tháng được điều chỉnh từ 9%/năm về mức 8,5%/năm.
Các kỳ hạn từ 7 đến 11 tháng đang được VietABank áp dụng mức lãi suất 8,6% so với 9,1%/năm trước đó. Trong khi các kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng và 15 tháng cùng hưởng lãi suất 8,7%, cũng giảm 0,5 điểm %. Các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tại VietABank đang có lãi suất cao nhất ở mức 8,8%/năm.
Trước đó, VietABank là một trong những ngân hàng hiếm hoi còn niêm yết lãi suất trên mức 9%/năm.
Tại DongABank, từ ngày 16/3, ngân hàng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 3 tháng xuống 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 7,9%/năm, thấp hơn trước khoảng 0,5 điểm %.
Động thái điều chỉnh lãi suất huy động của một số ngân hàng diễn ra sau khi NHNN thông báo giảm 1 điểm % một số lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên, hiệu lực từ ngày 15/3/2023. Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trước đó, ngày 13/3, Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cũng đã có sự điều chỉnh về lãi suất. Các nhà băng này đã giảm 0,2 điểm % lãi suất suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại quầy xuống 7,2%/năm. Đây là những ngân hàng niêm yết lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.
Hiện chỉ còn một số ngân hàng còn niêm yết lãi suất trên mức 9%/năm trên thị trường như VietCapitalBank, BacABank, VietBank, OCB, LienVietPostBank, BaoVietBank,...
Theo giới chuyên gia, mặc dù Ngân hàng Nhà nước không giảm trần lãi suất huy động nhưng việc cắt giảm một số lãi suất điều hành như lãi suất tái chiếu khấu (giảm 1% về 3,5%/năm), lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với TCTD (giảm 1% về 6%/năm) cũng sẽ có tác động tới mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. Tuy nhiên, tác động có thể có độ trễ và áp lực thu hút tiền gửi vẫn còn để đảm bảo an toàn thanh khoản.
Theo Chứng khoán VNDirect, đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh thực hiện giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây, đánh dấu những nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất. Trước sự bất ổn của môi trường vĩ mô hiện tại, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao biến động của thị trường và môi trường kinh tế trong nước để đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp. Về ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi của các NHTM, nhóm phân tích cho rằng điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều chỉnh lãi suất sắp tới của FED khi mà áp lực tỷ giá vẫn còn cao (sau sự kiện Silicon Valley Bank, tỷ giá USD/VND giảm 0,2% so với đầu năm về mức 23.590 đồng). Tuy nhiên, VNDirect kỳ vọng việc hạ lãi suất điều hành lần này sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong quý tới khi trong 2 tháng đầu năm tín dụng chỉ đạt mức tăng trưởng 0,77%.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, vừa qua, cơ quan này đã chỉ đạo các TCTD duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Đồng thời, NHNN nghiêm cấm TCTD thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Trong tháng 2/2023, các NHTM đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các NHTM khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các NHTM ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều NHTM đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.