Khoảng 10.019 căn condotel, officetel, shophouse tại TP HCM dù đã được bàn giao, đi vào sử dụng nhưng chưa được cấp sổ hồng.
TP HCM có tới hơn 10.000 căn condotel, shophouse, officetel chưa được cấp sổ hồng
Số liệu trên được văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM thống kê tại báo cáo gửi Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.
Cơ quan này giải thích, hiện nay thị trường tồn tại nhiều dự án, hạng mục công trình được thiết kế, cấp phép xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp như làm căn hộ lưu trú (căn hộ cho thuê) hoặc văn phòng, khách sạn kết hợp lưu trú, kinh doanh (Officetel, Condotel, Shophouse). Tuy nhiên, pháp luật về đất đai không quy định về các loại hình bất động sản này.
Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất trong việc xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sở hữu công trình, đối tượng được cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hay người mua. Vì vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn.
Trên thực tế, câu chuyện sổ hồng cho các loại hình bất động sản lai như trên đã được đặt lên bàn cân thời gian qua. Các sản phẩm này đã từng là "gà đẻ trứng vàng" cho không ít chủ đầu tư lớn, trong làn sóng đầu tư tại các tỉnh, thành phát triển mạnh về du lịch.
Bất động sản lai vẫn chờ được cấp sổ
Theo thống kê trước đó của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), tính đến đầu năm 2022, cả nước đã có tới 239 dự án bất động sản du lịch, với khoảng 114.000 căn condotel, giá trị ước tính 297.000 tỉ đồng; gần 24.400 biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, giá trị ước tính 244.000 tỉ đồng; gần 30.900 shophouse (nhà phố thương mại), giá trị ước tính 154.000 tỉ đồng. Tổng giá trị của 3 loại hình bất động sản nghỉ dưỡng này ước tính lên tới hơn 681.800 tỉ đồng, tương đương khoảng 30 tỉ USD.
Thế nhưng, đến nay hầu hết các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng) cho các nhà đầu tư thứ cấp, nên chưa thể giao dịch, mua bán trên thị trường thứ cấp, đây chính là điểm nghẽn trong phát triển các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua.
Chính phủ và các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cùng vào cuộc nhưng câu chuyện sổ hồng vẫn bỏ ngỏ.
Ngày 23/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT- TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành cơ chế quản lý đối với một số loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, trong đó có “căn hộ lưu trú (condotel)”.
Đầu năm 2020, Tài nguyên và Môi trường cũng có văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu.
Giới đầu tư sau đó đã kỳ vọng trong kỳ sửa 3 Luật "đinh" của thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, hành lang pháp lý riêng cho bất động sản lai sẽ được luận bàn và đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, sau đó gần như chưa đưa vào quy định cụ thể, chi tiết, tường minh liên quan đến các loại hình bất động sản kiểu mới trên như: tên gọi, định nghĩa, chức năng sử dụng.