Trong bối cảnh chất lượng tín dụng sụt giảm vì lĩnh vực bất động sản suy yếu, các ngân hàng Trung Quốc đã bán hàng trăm tỷ nhân dân tệ nợ xấu.
Theo Nikkei Asia, dù thị trường bất động sản chững lại, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong nhìn chung vẫn ổn định nhờ các biện pháp thoát nợ như bán nợ khó đòi, chứng khoán hóa nợ xấu.
Theo dữ liệu của cơ quan quản lý, năm ngoái, các ngân hàng Trung Quốc đã bán tổng cộng 2.700 tỷ nhân dân tệ (392 tỷ USD) nợ xấu. Một số công ty quản lý tài sản quốc doanh thường xử lý những khoản vay khó đòi ở Trung Quốc.
Bán nợ xấu
Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những công ty quản lý tài sản kiểu này. China Great Wall Asset Management vừa bị Fitch Ratings đưa vào diện "theo dõi tín dụng tiêu cực". Đây là một trong 4 tổ chức được Bắc Kinh thành lập vào cuối thập niên 90, nhằm hỗ trợ các ngân hàng quốc doanh đang gặp khó khăn.
Ông David Jinhua Yin tại Moody's Hong Kong đã chỉ ra "sự yếu kém trong quản trị rủi ro" tại Huarong. Công ty này lỗ ròng 27,58 tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái, giảm mạnh từ mức lãi 378 triệu nhân dân tệ trong năm 2021.
"Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các khoản vay đối với lĩnh vực bất động sản, cũng như những doanh nghiệp khác dưới hoạt động kinh doanh mua lại, tái cấu trúc và quản lý tài sản", ông viết.
Trong 2 phiên đấu giá được tổ chức vào tháng 6 và tháng 12 năm ngoái, Bank of Gansu - một nhà băng hạng trung, niêm yết trên sàn Hong Kong - đã bán các khoản nợ khó đòi với mệnh giá 2,74 tỷ nhân dân tệ, tương đương 2/3 tổng nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối năm 2021.
Sự suy yếu của thị trường bất động sản đã khiến chất lượng tín dụng của các ngân hàng đi xuống. Ảnh: Bloomberg.
Theo báo cáo thường niên công bố hôm 30/3, 6 công ty quản lý tài sản đã được mời tham gia và 3 bên thắng thầu.
Trong đó, 2,33 tỷ nhân dân tệ nợ khó đòi đã được chuyển cho Gansu Asset Management - một công ty quản lý tài sản của chính quyền địa phương, cũng là cổ đông lớn của Bank of Gansu.
Bank of Gansu lỗ 1,48 tỷ nhân dân tệ sau khi bán khoản nợ xấu. Ngân hàng này cho biết động thái này nhằm "giảm bớt áp lực đối với các tài sản kém hiệu quả và mở rộng hoạt động cho vay".
Dù đã thanh lý tài sản, nợ xấu của ngân hàng này vẫn ở mức 4,19 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm ngoái, tăng 3% so với năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu đã giảm 0,04 điểm phần trăm xuống 2% nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 6%.
Chứng khoán hóa nợ xấu
Một biện pháp khác được các ngân hàng sử dụng để xử lý nợ xấu là chứng khoán hóa. China Zheshang Bank - một ngân hàng có trụ sở ở Hàng Châu - đã chứng khoán hóa 2,83 tỷ nhân dân tệ nợ xấu vào năm ngoái, tương đương 14% dư nợ.
4,98 tỷ nhân dân tệ nợ khó đòi khác được ngân hàng chuyển cho các công ty quản lý tài sản. Sau quá trình này, tỷ lệ nợ xấu của nhà băng đã giảm 0,06 điểm phần trăm xuống 1,47%.
Đây cũng là lần đầu tiên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này sụt giảm trong vòng 5 năm qua.
Sự sụt giảm trong chất lượng tín dụng được thể hiện rõ ở lĩnh vực bất động sản. 28 ngân hàng Trung Quốc cho biết những khoản nợ khó đòi liên quan tới bất động sản đã tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái lên 264 tỷ nhân dân tệ.