VN-Index bước sang phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi mất 7,93 điểm sáng nay. Rơi xuống mức 1.057,42 điểm, chỉ số đã giảm thấp hơn cả mức đóng cửa phiên ngày 31/3/2023, cũng là phiên xuất hiện thông tin giảm lãi suất lần thứ 2. Thanh khoản hai sàn giảm 23% so với sáng hôm qua...
Khó tìm thấy cổ phiếu lớn tăng điểm sáng nay.
VN-Index bước sang phiên giảm thứ 4 liên tiếp khi mất 7,93 điểm sáng nay. Rơi xuống mức 1.057,42 điểm, chỉ số đã giảm thấp hơn cả mức đóng cửa phiên ngày 31/3/2023, cũng là phiên xuất hiện thông tin giảm lãi suất lần thứ 2. Thanh khoản hai sàn giảm 23% so với sáng hôm qua.
Độ rộng đang cho thấy có hiện tượng bán áp đảo trên diện rộng. VN-Index ít phút đầu phiên còn lình xình đỏ gần tham chiếu, nhưng càng về cuối giảm càng mạnh. Độ rộng của chỉ số trong 30 phút đầu tiên còn khá cân bằng 131 mã tăng/128 mã giảm, nhưng kết phiên chỉ còn 82 mã tăng/270 mã giảm.
Xét về cường độ giảm, mức độ tổn thương chưa quá mạnh, HoSE mới có 135 cổ phiếu giảm trên 1%. Tuy nhiên thanh khoản của nhóm này chiếm gần 56% tổng giá trị khớp lệnh cả sàn, nghĩa là nhà đầu tư vẫn có cảm nhận mức độ thua lỗ không nhỏ trong danh mục.
Với độ rộng rất hẹp, tất cả các nhóm cổ phiếu đều sụt giảm. Hiện 35/82 mã ngược dòng có biên độ tăng hơn 1%. Tuy vậy chỉ 10 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên cho thấy lợi thế chính vẫn thuộc về các mã ít thanh khoản. Một số mã nổi bật có thể điểm tới là HAG tăng 1,84% thanh khoản 93,6 tỷ đồng; PVD tăng 1,44% thanh khoản 93,4 tỷ; IDI tăng 2,55% thanh khoản 64,2 tỷ; PNJ tăng 1,42% thanh khoản 56,5 tỷ...
VN30-Index kết phiên sáng đang giảm 0,9%, Midcap giảm 0,71%, Smallcap giảm 0,68%. Dễ thấy ảnh hưởng chủ đạo vẫn là nhóm cổ phiếu blue-chips. Độ rộng VN30 rất kém với duy nhất 2 mã tăng/27 mã giảm. MSN tăng 0,39%, VIB tăng 0,24% có tác động hầu như không đáng kể. Ngược lại, 12 mã trong rổ này giảm quá 1% với nhiều mã trụ như VIC giảm 1,67%, TCB giảm 1,99%, BID giảm 1,12%, chưa kể các mã vốn hóa hàng đầu như VCB giảm 0,67%, VHM giảm 0,8%...
VN-Index càng lúc càng trượt sâu trong phiên sáng nay.
Cổ phiếu bất động sản và chứng khoán lao dốc rất mạnh sáng nay, dù vẫn còn vài đại diện tăng. Đáng chú ý là DIG giảm 6,32% với thanh khoản cao nhất thị trường 404,3 tỷ đồng. NVL giảm 3,76% giao dịch thứ 3 thị trường với 245,5 tỷ. DXG giảm 3% giao dịch 114,6 tỷ đứng thứ 9. Chứng khoán có SSI giảm 2,23% giao dịch 293,4 tỷ, VND giảm 1,57% giao dịch 179,5 tỷ đều đứng trong Top 5.
Tổng thể thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay giảm 23% so với sáng hôm qua, đạt gần 5.655 tỷ đồng, trong đó HoSE giảm 24% đạt 4.778 tỷ đồng. VN30 đặc biệt giảm mạnh 36%, chỉ khớp được 1.522 tỷ đồng. Dòng tiền giảm trước hết ở nhóm blue-chips khiến lực đỡ giá trong nhóm này suy yếu, kéo theo giá tụt giảm liên tục. Đây cũng là tín hiệu cho thấy các tổ chức giảm giao dịch đáng kể. Thanh khoản của rổ VN30 sáng nay thấp nhất 12 phiên.
Việc thanh khoản thấp và thị trường giảm cũng có thể xem là một tin hiệu tốt nếu nghĩ rằng áp khối lượng bán ra đang giảm. Tuy nhiên quan trọng là những nhà đầu tư vừa chốt lời chưa có lý do để quay lại, nên dòng tiền nâng đỡ cũng giảm theo. Đây là thời điểm kỳ vọng của bên cầm cổ phải đấu tranh với sự hài lòng của các nhà đầu cơ ngắn hạn. Việc lướt sóng khá hiệu quả trong vài tuần qua chính là rào cản của dòng tiền bổ sung.
Khối ngoại sáng nay cũng tăng bán khá mạnh lên mức gần 532 tỷ đồng trên sàn HoSE và duy trì bán ròng 228 tỷ đồng. Các mã bị xả nhiều nhất là VND -34 tỷ đồng ròng, STB -34 tỷ, SSI -31,5 tỷ, PVD -25,5 tỷ. Phía mua lớn nhất là PNJ cũng chỉ chưa tới 10 tỷ đồng ròng.
Cường độ mua vào của khối ngoại đang suy yếu nghiêm trọng, trong khi áp lực bán thì vẫn duy trì. Điều này trực tiếp tạo sức ép lên thị trường, dù tỷ trọng bán ra cũng không nhiều. Vấn đề là nhà đầu tư trong nước sau khi chốt lời khá “ấm” cũng đang nghỉ ngơi. Thanh khoản sụt giảm là biểu hiện rõ nhất.
Với mức giảm điểm khá mạnh sáng nay, thị trường đã chính thức xóa sạch dấu vết của nhịp tăng sau khi có tin giảm lãi suất. Rõ ràng là dù yếu tố hỗ trợ rất mạnh nhưng điều đó không đồng nghĩa với sự bùng nổ. Quan điểm chủ đạo vẫn là đầu cơ lướt sóng nhờ hiệu ứng của thông tin.
Kim Phong