Dù các doanh nghiệp tự đặt kế hoạch kinh doanh gần như đi ngang so với 2022, nhưng trước bối cảnh lãi suất giảm và áp lực chính sách tiền tệ bớt căng thẳng, các tổ chức tín dụng lại có góc nhìn lạc quan hơn.
358/1685 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đã công bố kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023. Ảnh: Văn Đức
Theo thống kê từ FiinTrade, tính đến ngày 11.4, có 358/1.685 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 52% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường) đã công bố kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho năm 2023. Dự kiến tổng lợi nhuận sau thuế của 358 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết này cho năm 2023 gần như đi ngang so với năm 2022.
Doanh nghiệp dè dặt trong đặt mục tiêu kết quả kinh doanh năm 2023. Ảnh: FiinPro
Với nhóm ngân hàng, đã có 17/27 ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh 2023. Trong đó kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng.
Đối với 3 ngân hàng có vốn nhà nước, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh 2023 với dự kiến lợi nhuận sau thuế 2023 tăng 12%.
Đây là kế hoạch kinh doanh khá an toàn khi VCB có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2022 và chất lượng tài sản tốt hơn so với mặt bằng chung. BIDV và Vietinbank chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Với nhóm cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng quy mô nhỏ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với năm 2022. Cụ thể là Eximbank (+35,8%), OCB (+36,8%) và VietBank (+48,6%) với kỳ vọng vào đẩy mạnh hoạt động cho vay. Trong khi đó, các ngân hàng có tỉ trọng cho vay cá nhân cao dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng thấp hơn, bao gồm VPBank (+13,5%), TPBank (+11,2%) và MBBank (+15%).
Đáng chú ý, Techcombank là ngân hàng duy nhất đặt kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm 2023 (-13,9%). Tỉ lệ nợ xấu (NPL) dự kiến tăng lên 1,5% từ mức 0,91% năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp lớn thuộc ngành hàng tiêu dùng (Vinamilk, Sabeco, PNJ, Thế giới di động) đưa ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn cho năm 2023. Thiếu vắng động lực tăng trưởng mới trong khi các mảng kinh doanh hiện hữu đang bị tác động tiêu cực bởi cầu tiêu dùng yếu là 2 lý do chính.
Với nhóm bất động sản dân cư, Nam Long đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2023 tăng nhẹ 6,2% trên nền 2022 giảm sâu (-41,4%). Trong khi đó, Nhà Khang Điền dự kiến lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm.
Với ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu 2023 tăng 11,8% nhờ giá trị backlog lớn (hơn 17.000 tỉ đồng), chưa bao gồm dự án nhà máy sản xuất LEGO). Lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng tăng 11 lần, chủ yếu nhờ giảm trích lập dự phòng phải thu khó đòi.
Trước bối cảnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước giảm, áp lực chính sách tiền tệ bớt căng thẳng, các tổ chức tín dụng đã tỏ ra lạc quan hơn về kết quả kinh doanh quý II và cả năm 2023.
Vụ Dự báo, Thống kê của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023. Trong đó lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.
Tuy nhiên, 66,7 - 79,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023. 88,7% kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022. Bên cạnh đó vẫn có 5,7% lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm và 5,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.