Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kêu gọi các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngân hàng tung gói vay hỗ trợ nguồn vốn thúc đẩy kinh doanh, “an cư lạc nghiệp”. Ảnh: SeABank
Doanh nghiệp dệt may cần vốn ngắn hạn
Tình hình thị trường xuất khẩu dệt may những tháng đầu năm nay đang rất xấu. Nhiều giá trị đơn hàng giảm 2 - 3%. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4/2023, trong khi năm trước tới tháng 1
2.
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vietthang Jean, kiêm Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố (TP) Hồ Chí Minh cho biết: Bài toán lớn nhất của doanh nghiệp dệt may lúc này là dòng tiền.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm dẫn đến hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra. Trong khi đó, doanh nghiệp đang đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có cơ chế xử lý, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nợ xấu, kéo theo nhiều hệ lụy.
"Doanh nghiệp dệt may đang cần vốn ngắn hạn đề duy trì hoạt động; đồng thời cũng cần nguồn vốn cho đầu tư và tái cấu trúc. Nếu ngành dệt may không chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, trong vài năm nữa sẽ tụt hậu", ông Phạm Văn Việt chia sẻ; đồng thời kiến nghị NHNN cũng như các NHTM giữ nguyên nhóm nợ, linh hoạt điều kiện tài sản đảm bảo, điều kiện cho vay và nhất là tính toán giảm lãi suất cho vay về dưới 10%.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công cho biết: đơn hàng đã nhận cho quý II chỉ đáp ứng khoảng 80% năng lực sản xuất của công ty. "Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận bằng năm ngoái nhưng với tình hình này rất khó để doanh nghiệp về đích", ông Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may năm nay. Quốc gia này đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Dẫn số liệu của Văn phòng Dệt may Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc năm ngoái đạt hơn 132 tỷ USD, chiếm gần 26% thị phần - là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ - theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.
Theo nhiều dự báo, ngành Dệt may có phục hồi nhẹ vào quý II/2023, nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như: Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm. Giá bán sợi trên thị trường hiện ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị tăng cao.
Về góc độ NHTM, đại diện SeABank cho biết: Ngân hàng đang thực hiện chương trình giảm lãi suất tối đa 1%/năm với các khoản vay hiện hữu và khoản vay mới. Ngân hàng này cũng thực hiện chương trình ưu đãi lãi suất chỉ 9,29%/năm cho các khoản vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô. Cụ thể: SeABank điều chỉnh giảm lãi suất 0,5%/năm đối với tất cả các khoản vay của khách hàng cá nhân hiện hữu. Đối với khoản vay mới có tài sản đảm bảo, mức lãi suất giảm từ 0,7% - 1%/năm, trong đó mức giảm cao nhất 1%/năm áp dụng với các khoản vay ngắn hạn dưới 6 tháng.
Cùng với việc giảm lãi suất vay vốn, SeABank cũng đã triển khai gói vay 3.450 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 9,29%/năm, dành cho các khách hàng cá nhân vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô. Song song với chương trình trên, ngân hàng này cũng đã triển khai chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất từ NHNN với chính sách hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay cho doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh.
Phía SHB cũng vừa dành 7.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất ưu đãi. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 9,9%/năm và vay mua nhà dự án với lãi suất chỉ từ 10,8%/năm.
Cụ thể: Khách hàng có nhu cầu vay sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 9,9%/năm và vay mua nhà dự án với lãi suất chỉ từ 10,8%/năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất điều chỉnh với biên độ chỉ từ 1%/năm. Ưu đãi được áp dụng với khách hàng giải ngân trong thời gian diễn ra chương trình, đã đăng ký sử dụng App SHB Mobile Banking và sử dụng tối thiểu 3 sản phẩm dịch vụ của SHB. Ngoài ra, khách hàng vay vốn trong thời gian này sẽ đồng thời được tham gia nhiều chương trình ưu đãi từ các sản phẩm dịch vụ khác của SHB như: Gửi tiền online sẽ được cộng thêm lãi suất lên đến 0,8%/năm so với tại quầy; miễn phí tài khoản số đẹp trùng số điện thoại/ngày sinh trị giá 880.000 đồng…
Bên cạnh đó, SHB áp dụng chính sách miễn phí phạt trả nợ trước hạn sau 60 tháng, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi và giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi.
Đại diện SHB cho biết: Chương trình được triển khai ngay đầu quý II/2023, thời điểm mùa tập trung sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng bắt đầu. Hằng năm, đây cũng chính thời điểm nhu cầu vốn nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người tiêu dùng bắt đầu tăng lên; tăng trưởng tín dụng bắt đầu chuyển động mạnh hơn. Chương trình sẽ kéo dài từ nay đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi tổng lượng mức tín dụng được giải ngân hết, tùy thời gian nào đến sớm hơn.
Ông Hoàng Trọng Hiếu, Giám đốc cao cấp kinh doanh Techcombank cho biết: Từ đầu năm 2023, Techcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất tới 2% cho khách hàng doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua các nền tảng số, Techcombank đã thực hiện điều chỉnh cắt giảm các thủ tục, giảm thời gian cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Techcombank dựa trên hồ sơ “sức khỏe" từng doanh nghiệp đã phê duyệt trước các hạn mức tín dụng, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn thông qua đăng ký sử dụng các hạn mức trên nền tảng số. Với khách hàng doanh nghiệp lớn, ngân hàng tìm chuyên gia từng ngành, lĩnh vực để đánh giá tình hình khách hàng, từ đó thiết kế giải pháp tín dụng phù hợp.
Ngân hàng đầu tiên công bố số vốn dành cho mua nhà ở xã hội
Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho người mua nhà sẽ được 4 ngân hàng chủ lực là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank triển khai cho vay. Chương trình này sẽ giảm lãi suất cả ở phía cung và cầu, góp phần làm giảm giá thành nhà ở xã hội; đồng thời tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Đây là một trong những giải pháp gián tiếp góp phần giảm tình trạng mất cân đối cung - cầu về nhà ở.
Mới đây nhất, Agribank là ngân hàng đầu tiên công bố dành 30.000 tỷ đồng cho cả chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội. Bên cạnh mức lãi suất ưu đãi, nếu có tài sản bảo đảm bổ sung, khách hàng được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án. Theo đó, đối tượng vay vốn theo chương trình là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định.
Theo Agribank, chương trình triển khai từ nay tới khi doanh số giải ngân đạt 30.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030. Thời gian ưu đãi lãi suất đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu (với người mua nhà là 5 năm).
Lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm và đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 6 tháng/lần, Agribank sẽ thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi triển khai chương trình. Một điểm đáng chú ý với khách hàng (là người mua nhà), ngoài hạn mức vay theo quy định, nếu có tài sản bảo đảm bổ sung, sẽ được áp dụng mức vay tối đa bằng 85% tổng mức đầu tư của phương án.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh chia sẻ thêm: NHNN khuyến khích các NHTM khác trên địa bàn (ngoài 4 NHTM Nhà nước nêu trên) xem xét dành nguồn vốn tham gia chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.
“Cơ chế cho vay gói này sẽ rất thông thoáng, các ngân hàng không đặt ra các điều kiện gì khác so với các khoản vay thông thường, nhưng với điều kiện phải thuộc các đối tượng mua nhà ở các phân khúc nói trên. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, đối với cả người mua nhà và chủ đầu tư, ngân hàng phải công bố thời hạn của gói vay vốn không chỉ là thời gian ưu đãi trong vòng 3 năm với chủ đầu tư hay 5 năm với người mua nhà. Theo đó, ông Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị thời gian vay áp dụng đối với người mua nhà kéo dài 20 năm để người thu nhập thấp có khả năng tích góp trả nợ.
“Lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng vẫn còn cao. Có lẽ nên xem xét cách làm với gói 30.000 tỷ đồng đã áp dụng trước đây, đó là NHNN tái cấp vốn cho các ngân hàng với lãi suất thấp 3% để các NHTM cho vay với mức lãi suất 5%/năm”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp hiện nay rất lớn, cấp bách. Trước thực trạng này, Bộ Xây dựng cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà theo các chuyên gia, nên phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương để thực hiện.
Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021 - 2025 là khoảng 1,3 triệu căn. Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến phát triển nhà ở xã hội, đó là: cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua; và vấn đề thanh tra, kiểm tra. Những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết, đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023.
Thực tế, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng phải làm thủ tục tính toán xong mới được miễn; ngoài ra còn phải kiểm tra đối tượng được mua nhà ở xã hội, thẩm định giá bán. Những việc này kéo dài thời gian làm thủ tục, không hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội cũng hạn chế, chí phí vốn như vừa qua khó có thể giúp nhà đầu tư kéo giá thành xuống.