Những ngày này bà con nông dân xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) rất phấn khởi khi ớt không chỉ được mùa mà còn được giá cao.
Mô hình trồng cây ớt thương phẩm ở xã Diễn Phong huyện Diễn Châu (Nghệ An) cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người trồng ớt "bỏ túi" hàng trăm triệu/ha.
Nông dân xã Diễn Phong thu hoạch ớt cay.
Thời điểm này, người dân xã Diễn Phong, đang rộ vụ thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Năm nay, đưa giống mới vào sản xuất, thực hiện quản lý dịch bệnh tốt nên năng suất vượt trội, được công ty liên kết thu mua với giá gấp đôi năm ngoái nên trừ chi phí, người trồng ớt thu được hơn 200 triệu đồng/ha.
Cũng như nhiều nông dân khác ở xã Diễn Phong, gia đình ông Quế Văn Sơn ở xóm Đông Hồ rất phấn khởi vì trúng mùa ớt. Ông Quế cho biết, gia đình ông trồng 3 sào ớt chỉ địa trên diện tích đất màu. Sau 2,5 tháng chăm sóc, nay ớt đang vào vụ thu hoạch chính. Giống ớt chỉ địa này có năng suất vượt trội so với các giống ớt trước đó.
Theo ước tính, mỗi sào ớt cho năng suất 1,5 -2 tấn, với giá bán hiện nay là 12 - 15.000 đồng/kg ớt chín, ông Sơn thu về 60 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 50 triệu đồng. Ông Sơn phấn khởi: “Năm nay, ớt vừa được mùa, năng suất cao gấp đôi năm trước, giá cũng tăng gấp đôi nên nông dân có lãi lớn”.
Bà Quế Thị Thắng, nông dân trồng 3 sào ớt địa chỉ cho biết, với diện tích này nếu trồng lúa hay hoa màu khác chỉ đủ ăn nhưng nhờ trồng cây ớt cuộc sống gia đình có thêm đồng ra đồng vào.
Mô hình trồng cây ớt thương phẩm ở xã Diễn Phong cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người trồng ớt ‘bỏ túi’ hàng trăm triệu/ha.
“Ở đây, đất phù hợp với cây ớt lắm. Đầu ra thì năm nay giá cao từ đầu vụ đến cuối vụ, lãi khá hơn các loại hoa màu” – bà Thắng chia sẻ.
Cũng theo bà Thắng “Năm nay, ớt sạch bệnh, năng suất cao lại được công ty thu mua toàn bộ với giá cao gấp 2-3 lần so với các năm trước. Đầu tiên thu hái, giá ớt xanh là 8.000 đồng/kg, sau đó, ớt chín được thu mua với giá 12.000 đồng/kg và nay, chính vụ, giá lên đến 15.000 đồng/kg. Năng suất cao, giá thu mua cao nên mỗi sào, trừ chi phí người dân còn thu lãi từ 20-25 triệu đồng”.
Vụ đông xuân năm nay, toàn xã Diễn Phong trồng 10 ha ớt, đây là cây trồng truyền thống của địa phương. Trước đó, bà con trồng các giống ớt chỉ thiên, năng suất thấp hơn, đầu ra bấp bênh.
Bắt đầu từ năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Diễn Phong liên kết với một công ty chuyên xuất khẩu ớt trồng và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tuy nhiên, trước đó, các giống ớt vẫn kém năng suất và giá thu mua chỉ dao động từ 5.000 – 7.000 đồng/kg nên thu nhập từ cây ớt cay không cao.
Ông Quế Văn Duyên - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ xã Diễn Phong, cho biết: Sau thời gian nghỉ trồng ớt do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Năm nay, hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Diễn Phong liên kết với công ty xuất khẩu ớt đưa giống ớt mới vào trồng. Theo đó, công ty cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Đặc biệt, nhờ quản lý tốt dịch bệnh nên cây ớt sạch bệnh, cho năng suất cao. Theo ước tính, năng suất ớt đạt 30 tấn/ha, cá biệt, có những hộ chăm sóc tốt, năng suất lên đến 35-40 tấn/sào.
“Theo tính toán, mỗi sào ớt, nông dân chỉ phải đầu tư 2 – 2,5 triệu đồng và mất khoảng 2,5 tháng chăm sóc thì cho thu hoạch. Với giá thu mua hiện tại, trừ chi phí nông dân còn “bỏ túi” 200 – 300 triệu/ha…”, ông Quế Văn Duyên nói.
Theo bà Chu Thị Mai - cán bộ nông nghiệp xã Diễn Phong: Cây ớt chỉ địa rất phù hợp với đồng đất xã Diễn Phong. Đầu vụ, do ảnh hưởng của mưa lớn nên toàn bộ diện tích ớt của bà con ngập úng, tưởng chừng như mất trắng. Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc phục hồi do một công ty chuyên về khoa học nông nghiệp hướng dẫn nên đã cứu được cánh đồng ớt, phục hồi lại nhanh, đạt năng suất cao.
“Với thắng lợi về năng suất, giá cả ở vụ ớt năm nay, sang năm, xã sẽ phối hợp liên kết với công ty mở rộng diện tích trồng ớt, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng vụ đông xuân...”, bà Mai cho biết thêm.