Thị trường nhập khẩu dăm gỗ bỗng dưng đóng băng, các nhà máy chế biến dăm gỗ ở Bình Định tê liệt, dừng thu mua nguyên liệu khiến giá gỗ rừng trồng tuột dốc…
Giá gỗ rừng trồng hiện đã giảm sâu từ 1,8 triệu đồng/tấn xuống còn 1,2 triệu đồng/tấn. Ảnh: V.Đ.T.
Công ty TNHH Hưng Nguyệt Anh, đơn vị chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu đóng tại Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh, Bình Định), trong suốt năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, tháng nào công ty này cũng ký được 4 - 5 đơn hàng xuất khẩu dăm gỗ, thế nhưng tháng 3/2023 công ty chỉ kiếm được có 2 đơn hàng.
“Lượng đơn hàng mới đã giảm sút, giá bán dăm gỗ cũng giảm 12% so với trước đây. Khó khăn là vậy, nhưng chúng tôi vẫn sản xuất cầm chừng, giờ chưa bán được hàng thì dự trữ để khi đối tác cần là mình có sẵn hàng để xuất, duy trì sản xuất cũng là để giữ việc cho công nhân”, ông Trần Lâm Huy, Giám đốc Công ty chia sẻ.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, trong 2 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng dăm gỗ, viên nén có mức tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu đạt 42 triệu USD, tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, bước sang tháng 3/2023 là nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ, viên nén bắt đầu ngừng sản xuất do không ký được đơn hàng mới, giá xuất khẩu cũng giảm từ 180 USD/tấn khô xuống còn 150-160 USD/tấn khô.
Đơn hàng xuất khẩu kém, giá nguyên liệu gỗ rừng trồng ở Bình Định lập tức hạ nhiệt. Nếu như cuối năm 2022, giá gỗ rừng trồng ở Bình Định còn ở mức 1,8 triệu đồng/tấn, hiện giá thu mua tại các nhà máy chỉ còn 1,2 triệu đồng/tấn, trở về mức giá cũ của năm 2021, nhưng các nhà máy cũng hạn chế mua số lượng lớn, chỉ mua cầm chừng để giữ mối hàng.
Hiệu ứng theo dây chuyền, các chủ rừng tại Bình Định án binh bất động chờ thời, bởi nếu khai thác rừng trong thời điểm này chắc chắn sẽ thua lỗ vì tiền bán gỗ nguyên liệu không đủ trả cho các công đoạn khai thác, lột vỏ và vận chuyển,...
Giá thu mua nguyên liệu gỗ rừng trồng tại nhà máy hiện nay là 1,2 triệu đồng/tấn, nhưng giá bán tại rừng chỉ được thương lái thu mua có 900.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí khai thác, lột vỏ và vận chuyển, người trồng rừng chỉ còn cầm trong tay 550.000 đồng/tấn.
Trong khi hoạt động sản xuất dăm gỗ ở Bình Định đang bế tắc thì sản xuất viên nén vẫn cầm cự ttoot. Ảnh: V.Đ.T.
“Trên địa bàn xã Ân Tường Đông hiện có khoảng 300ha rừng trồng, hiện giá gỗ nguyên liệu được thương lái thu mua chỉ 900.000 đồng/tấn, nhưng do chi phí thuê công khai thác, lột vỏ, vận chuyển quá cao nên người trồng rừng chỉ còn lại khoảng 550.000 đồng/tấn. Không chỉ gỗ nguyên liệu hạ giá thảm hại, hiện nay không biết do sao mà rừng trồng mới 2 - 3 năm đã bị bệnh chết hàng loạt, nông dân đang khốn đốn”, ông Trần Hảo Ân, Phó Chủ tịch xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định) cho hay.
Đến lúc này, những hộ trồng cây ăn quả ở huyện Hoài Ân do hám lợi trước mắt, vào những tháng cuối năm 2022, lúc giá gỗ rừng trồng còn cao ngất đã phá bỏ 3ha bơ đang phát triển sởn sơ, trong thời kỳ ra hoa tạo quả để trồng rừng sản xuất mới tiếc nuối vì “mất cả chì lẫn chài”.
Theo những doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở Bình Định, hiện các thị trường thường xuyên nhập khẩu dăm gỗ như Trung Quốc, Nhật Bản lượng hàng tồn kho quá nhiều, không còn nhu cầu nhập hàng, theo đó giá mua hàng cũng giảm sâu. Trong khi xuất khẩu dăm gỗ ở Bình Định đang bế tắc thì xuất khẩu viên nén ở tỉnh này vẫn cầm cự.
Doanh nghiệp sản xuất viên nén ở Bình Định không lo đứt đơn hàng như dăm gỗ vì hợp đồng lâu dài với đối tác Nhật Bản. Ảnh: V.Đ.T.
Theo lý giải của ông Nguyễn Thanh Phong, Chi hội trưởng Chi hội viên nén thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), viên nén sản xuất ở Bình Định hầu hết xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Các đối tác Nhật Bản khi đã làm ăn với doanh nghiệp nào là ký hợp đồng dài hạn.
Do đó, nếu giá viên nén trên thế giới tăng đột biến doanh nghiệp không được hưởng lợi, vì không thể thay đổi giá. Thế nhưng, khi tình trạng xuất khẩu tắc như hiện nay, thì những doanh nghiệp chế biến viên nén đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác Nhật Bản không lo bị đứt đơn hàng như các doanh nghiệp chế biến dăm gỗ.
Có thể hiện nay nhu cầu nhập khẩu của các đối tác Nhật Bản giảm nhẹ, nhưng rồi sẽ nhanh chóng hồi phục. Bởi hiện nay Nhật Bản đang phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng viên nén làm chất đốt, do đó, nhu cầu về viên nén sẽ tăng rất cao.