Làm việc với Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi chiều 13/4, TP Thủ Đức đề xuất bổ sung dự án mới, triển khai một số dự án đã có chủ trương, với tổng vốn đầu tư 30.800 tỷ đồng.
Xin thêm điểm kết nối với Vành đai 3
Theo Chủ tịch TP Hoàng Tùng, thiết kế được duyệt của Vành đai 3 qua TP Thủ Đức có 3 vị trí kết nối lên xuống với tuyến đường (gồm: 1 là điểm kết nối với Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; 2. kết nối nút giao Gò Công; 3.kết nối gần Cảng ICD Long Bình - Nút giao Tân Vạn).
Ông Tùng cho hay, khoảng cách giữa điểm kết nối số 2 và 3 cách nhau hơn 7km, điểm kết nối số 3 chủ yếu phục vụ Cảng ICD Long Bình. Trong khi khu vực phường Long Bình có tốc độ đô thị hóa rất cao, cần thêm điểm kết nối để thuận lợi cho việc phát triển đô thị.
“Do đó, TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM xem xét giao Chủ đầu tư tổ chức nghiên cứu, bổ sung thêm điểm kết nối giữa đường Vành đai 3 tại Phường Long Bình”, ông Tùng đề xuất.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo tại buổi làm việc
Bên cạnh đó, Dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã bồi thường, hỗ trợ được 442/467 trường hợp, đạt tỷ lệ 94,64. Số còn thiếu hiện nay là 96,521 tỷ đồng.
Theo đó, để hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM yêu cầu Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái (chủ đầu tư) tiếp tục bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với một số trường hợp còn tồn đọng.
Cũng Vành đai 2, TP Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM sớm triển khai đầu tư, xây dựng đoạn từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái).
Đoạn đường này dài khoảng 3.580m, có tổng mức đầu tư khoảng 8.600 tỷ đồng.
Ngoài các dự án Vành đai 2 và 3, TP Thủ Đức cũng đề nghị UBND TP.HCM xem xét, sớm triển khai một số dự án giao thông trọng điểm khác.
Cụ thể, đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (bao gồm nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2, dài khoảng 2.868m; vốn đầu tư khoảng 8.450 tỷ đồng.
Tuyến khép kín đường nối ngã ba Gò Công đến Nút giao trạm 2, dài khoảng 6.000m, mức đầu tư khoảng 4.500 tỷ đồng.
Đồng thời, đề xuất bổ sung tuyến đường liên Cảng Cát Lái - Phú Hữu dài khoảng 6,6km (chiều dài cầu khoảng 3,2km); tổng mức đầu tư khoảng 8.500 tỷ đồng.
Bổ sung nghiên cứu và đầu tư đoạn đường kết nối tuyến D1 khu Công nghệ cao và đường Nguyễn Xiển, nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực này, khi tập trung rất nhiều dự án có quy mô dân số lớn như: Bến xe Miền Đông, ga Depot Bến Thành - Suối Tiên, dự án Khu nhà ở Phước Thiện và công viên phường Long Bình, Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc, Cảng ICD Long Bình,…
Dự án có tổng chiều dài khoảng 1km, tổng mức đầu tư khoảng 750 tỷ đồng.
Đầu tư cho Thủ Đức là đầu tư cho TP.HCM
Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Phan Công Bằng đồng tình với đề xuất làm đường nối phường Long Bình với Khu Công nghệ cao. Đồng thời, kiến nghị UBND TP.HCM giao TP Thủ Đức đề xuất chủ trương đầu tư để tăng tính chủ động.
Lãnh đạo sở GTVT cũng nhất trí với các dự án khác. Riêng đề xuất thêm điểm kết nối Vành đai 3 xuống phường Long Bình, ông Bằng thông tin, trước đây đã từng đề xuất, nhưng các bộ, ngành không đồng tình. Do vậy, ông đề nghị TP Thủ Đức nên nghiên cứu kết nối với đường song hành.
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi giao các sở, ngành xem xét các đề xuất của TP Thủ Đức để giải quyết theo thẩm quyền.
Trước tình hình khó khăn của kinh tế quý I/2023, ông Mãi yêu cầu TP Thủ Đức tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
“Thủ trưởng các đơn vị, giám đốc các sở, ngành cùng TP Thủ Đức ngồi lại với nhau xem còn tồn tại hồ sơ nào, việc nào để giải quyết theo thẩm quyền...”, ông Mãi chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn mãi kết luận tại buổi làm việc
Ông Mãi cũng cho rằng, nhiều dự án tồn động là do vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, vướng mắc. Theo ông, đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu từng địa phương giải quyết mà không có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành thì khó giải quyết mọi tồn đọng.
Qua đó, ông yêu cầu TP Thủ Đức rà soát lại các dự án đầu tư công, để cơ bản đến tháng 6 phải đạt về giải phóng mặt bằng khoảng 70%-80%...
“TP Thủ Đức phải đảm bảo đến cuối năm 2023 giải ngân đầu tư công tên 95% theo chỉ tiêu đề ra”, Chủ tịch TP.HCM chỉ đạo.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng thông tin, dự kiến gói trung hạn (2021-2025) nâng lên khoảng 120.000 tỷ để xử lý các tồn đọng; còn lại sẽ giao cho các địa phương (khoảng 500 tỷ đồng/quận, huyện), trong đó Thủ Đức được giao khoảng 1.500 tỷ.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cơ bản thống nhất các đề xuất của TP Thủ Đức về các dự án giao thông. Theo đó, ông đề nghị Sở Tài chính nghiên cứu, để có giải pháp cụ thể.
“TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư cho TP Thủ Đức để thực hiện sứ mệnh trở thành “Khu đô thị tương tác cao phía Đông”, vì đầu tư cho Thủ Đức là đầu tư cho TP.HCM.