Từ kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 nên các DN ngành xi măng tỏ ra khá cầm chừng trong việc đặt kế hoạch cho năm 2023.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu khả quan giúp cải thiện lợi nhuận của DN.
Thận trọng đặt kế hoạch
Đại diện Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên thông tin, trong năm vừa qua, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty luôn đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, nhưng bằng những giải pháp thích ứng phù hợp, các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh đều đạt kết quả khả quan. Về tiêu thụ, lũy kế năm 2022 đạt 6,67 triệu tấn (đạt 104% so với kế hoạch), tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, với thị phần nội địa là 6,58 triệu tấn; xuất khẩu trên 76.000 tấn. Tổng kết năm, công ty đạt 8.918 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 26,2% so với năm 2021. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp hợp nhất chỉ đạt 10%, giảm 2,6% so với năm 2021, mức thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây.
Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc chỉ đạt 3,4 triệu USD, giảm 98% so với cùng kỳ năm 2022. Trong cơ cấu thị trường, tỷ trọng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc lao dốc xuống còn 1,6%, trong khi hai tháng đầu năm 2022 con số này ở mức 48%.
Ban lãnh đạo công ty nhận định, tác động của giá than, giá dầu thế giới, làm tăng giá thành sản xuất và giảm lợi nhuận. Cùng với đó, nhu cầu xi măng trong nước yếu do ảnh hưởng của giá cả vật liệu xây dựng làm giảm/hoãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng...
Nghiêm trọng hơn, thị trường bất động sản trầm lắng, cộng với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình tiêu thụ xi măng trong nước.
Từ đó, năm 2023, Vicem Hà Tiên đặt mục tiêu doanh thu 8,987 tỷ đồng và lãi sau thuế 276 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu đi ngang so với kết quả năm trước, tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận lại tăng 7%.
Tương tự, Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi những yếu tố nêu trên. Chính vì tế, khi nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI Đỗ Huy Hùng cho biết, hiện nay, tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khi kế hoạch đặt ra là 165.000 tấn nhưng mới chỉ thực hiện 149.000 tấn.
"Khi xây dựng kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đã tính đến chi phí đầu ra, sửa chữa, cả lợi nhuận thu tài chính từ tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng, đặc biệt là yếu tố khấu hao. Trong những năm qua, công ty vẫn duy trì được sản lượng ở mức cao so với các thương hiệu khác" - ông Đỗ Huy Hùng cho biết.
Tín hiệu khả quan
Lãnh đạo các DN đều nhận định, trong bối cảnh nguồn cung xi măng dư thừa, nhưng sức cầu nội địa còn yếu và xuất khẩu phục hồi chậm đem đến nhiều rủi ro cạnh tranh.
Hiện nay, các tập đoàn xi măng đến từ các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia, Malaysia tăng cường mua bán, sát nhập các DN Việt, gia tăng đầu tư để chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó, áp lực dư thừa xi măng từ thị trường nội địa, các DN xi măng tích cực đẩy mạnh xuất khẩu nhưng gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh về giá với nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan... kể từ khi Chính phủ không có chính sách hỗ trợ xi măng xuất khẩu.
Tuy nhiên, hai điểm sáng giúp DN ngành này có thể cải thiện biên lợi nhuận đến từ giá than đã hạ nhiệt. Trong năm 2022, giá than toàn cầu đã tăng khoảng 66 - 138% với mức đỉnh 457,8 USD/tấn thiết tập vào tháng 9/2022 nay đã xuống còn 188,3 USD/tấn ghi nhận ngày 20/4.
Mới mức điều chỉnh hợp lý như vậy, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định sẽ là biến số quan trọng giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của các DN xi măng năm 2023.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản.
Cùng với việc kiên trì thúc đẩy tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công và triển khai 1 triệu căn nhà ở xã hội, những gói tín dụng ưu đãi từ ngân hàng sẽ giúp DN có thêm dòng tiền giúp thanh khoản các khoản nợ đọng và giảm tồn kho cho nhà sản xuất.
Các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo, trong năm 2023, mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022 do thị trường bất động sản vẫn yếu.
Một điểm tích cực là kế hoạch đầu tư công năm 2023 ước tính sẽ tăng 25% so với cùng kỳ về giá trị, đóng vai trò là động lực hỗ trợ tiêu thụ xi măng trong nước. Thị trường xuất khẩu có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2023 do Trung Quốc mở cửa trở lại. Điều này có thể giúp giảm áp lực cạnh tranh cho các DN ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect nhìn nhận, ngành xi măng sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, do đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi. Bên cạnh đó, việc kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phục hồi sẽ giúp các công ty xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy qua đó giúp tăng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới (nhờ giảm chi phí khấu hao/từng sản phẩm).
Theo Bộ Xây dựng, dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành trong năm 2023 đạt khoảng 100 - 105 triệu tấn (tăng 7 - 10% so với năm 2022). Trong đó tiêu thụ nội địa ở mức 63 - 65 triệu tấn và xuất khẩu đạt 35 - 40 triệu tấn.