Việc nở rộ hình thức huy động vốn qua phương thức hợp tác đầu tư, với những rủi ro tiềm tàng đang là một chỉ dấu rất đáng lo ngại, thậm chí có chuyên gia còn cảnh báo đó sẽ là một “quả bom” nổ chậm.
LTS: Vài năm trở lại đây, tình trạng các công ty huy động vốn từ người dân với lãi suất cao trở nên khá phổ biến. Với nhiều hình thức đa dạng, cách thức trả lãi linh hoạt, kèm nhiều cam kết quyền lợi hấp dẫn, các công ty đã thu hút được một lượng lớn người dân tham gia với tổng số tiền huy động được lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc huy động vốn này được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia và thực tế cũng cho thấy có những sự vụ đã được cơ quan chức năng định danh là lừa đảo.
Vậy, căn nguyên nào đã làm nảy nở việc huy động vốn, bản chất của các thỏa thuận là gì, đâu là những rủi ro và nhà đầu tư cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Đó là những vấn đề được đặt ra và giải quyết trong tuyến bài "Những góc khuất trong ủy thác đầu tư bất động sản".
Những con số giật mình
Trong một cuộc trò chuyện, tổng giám đốc một công ty chuyên về đầu tư tài chính đã nói ra con số khiến người nghe giật mình: có đơn vị năm ngoái đã huy động qua ứng dụng (app) được 80 ngàn tỷ đồng để phục vụ cho việc đầu tư kinh doanh bất động sản. Ông nhấn mạnh tới 3 lần, như thể sợ người khác nghe nhầm, vì quả thực đó là một số tiền khổng lồ.
Đáng nói hơn nữa là vị này cho biết không chỉ có một đơn vị đang huy động vốn như vậy trên thị trường tài chính hiện nay mà có rất nhiều công ty đang phát triển hệ thống tương tự. Nói một cách hình ảnh thì thị trường đang như một biển băng trôi với mỗi khối băng có khối lượng rất lớn đang chìm dưới mặt nước, không thể quan sát được.
Sự nở rộ của việc huy động vốn qua hợp tác đầu tư, nhất là với nhóm doanh nghiệp liên quan bất động sản, suy cho cùng cũng là hiện tượng mang tính tất yếu. Bởi, trong ít nhất 1 năm trở lại đây, các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp đều trong trạng thái tắc nghẽn: tín dụng bị thắt chặt, trái phiếu gặp khủng hoảng, người mua không giao dịch, thị trường chứng khoán sụt giảm khiến việc IPO hay phát hành tăng vốn trở nên khó khăn, trong khi vốn ngoại không dễ dàng chảy vào trong thời gian ngắn.
Thành ngữ nói "No lưng ấm cật, dậm dật mọi nơi; đói rách tả tơi, sinh lòng trộm cắp". Doanh nghiệp càng khó khăn lại càng phải tận dụng mọi kênh để có tiền tươi thóc thật và bên cạnh những đơn vị làm ăn đàng hoàng đã xây dựng được thương hiệu thì vẫn tồn tại không ít trường hợp làm ăn chụp giựt, hứa hẹn "trên mây" nhằm thu hút vốn sau đó bỏ mặc nhà đầu tư.
Phương thức huy động vốn qua hợp tác đầu tư có thể là kênh dẫn vốn hiệu quả không kém gì trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)
Vị tổng giám đốc này cho biết trước đây, có những nhóm nhà đầu tư tài chính chuyên đi mua trái phiếu và những sản phẩm tài chính có lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng. Hiện nay, khi lãi suất nhà băng giảm xuống, trái phiếu không còn buôn bán được, các nhà đầu tư này bị thôi thúc kiếm tìm kênh đầu tư khác lãi suất cao hơn. Để tiền trong túi là họ không chịu được, kiểu gì cũng phải đầu tư. Và họ đã tìm đến kênh thay thế cho trái phiếu dưới dạng hợp tác đầu tư.
Bởi vậy, rất có cơ sở khi nói rằng phương thức huy động vốn qua hợp tác đầu tư còn rất nhiều dư địa và sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Thậm chí, nếu lạc quan, đây sẽ kênh dẫn vốn hiệu quả không kém gì trái phiếu doanh nghiệp.
Mặt sau của tấm huy chương
Trên thực tế, việc huy động vốn qua hợp tác đầu tư có thể đạt được những con số ấn tượng như trên là do các công ty đã sử dụng được một hệ thống phân phối hiệu quả. Theo lời một chuyên gia, trước đây, để phân phối trái phiếu, các công ty đã sử dụng các cán bộ ngân hàng có tệp khách hàng VIP. Tới khi khủng hoảng nổ ra, việc bán trái phiếu trở nên cực kỳ khó khăn, những cán bộ ngân hàng này đã chuyển qua "bán" hợp đồng hợp tác đầu tư và điều này đã tạo nên sự bùng nổ về doanh số như trên đã nói.
Tuy nhiên, đây cũng chính là rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư, bởi cũng tương tự như trái phiếu, không loại trừ việc nhà đầu tư bị dẫn dụ, đánh lừa bởi các "thuật ngữ" mơ hồ, hoặc những điều khoản cài cắm tinh vi.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều đơn vị còn sử dụng chiêu bài là dùng những nhân vật, người nổi tiếng hoặc công ty uy tín có nhiều dự án để chiêu mộ nhà đầu tư. "Chuyện này đã xảy ra từ rất lâu nhưng vẫn có rất nhiều nhà đầu tư lao vào cuộc đua bong bóng đó".
Vị chuyên gia này bình luận một cách chua chát với PV Reatimes: "Không hiểu sao nhà đầu tư tại Việt Nam rất cả tin, không những trong nhóm nhà đầu tư nhỏ kêu gọi vốn với nhau mà trên thị trường rộng rãi ngoài kia cũng vậy. Tôi thấy không ít cuối tuần, có những buổi hội thảo hàng trăm, hàng ngàn người tham dự, được kêu gọi đầu tư vào các giao dịch, vào các dự án bất động sản, nhưng rất nhiều lời kêu gọi đó đã chứng tỏ những người chủ trì đã dùng mánh lới để huy động tiền từ người khác".
Đáng kể, ông Hiếu cho biết còn có không ít trường hợp nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp bằng các "thoả thuận miệng". "Ở Mỹ, gần như không thể có chuyện đó; nhưng ở Việt Nam, người ta qua cuộc nhậu, đi chơi, đánh golf mà thoả thuận với nhau và xuống tiền nhanh chóng. Đó là điều khiến tôi rất ngạc nhiên, vì sao lại có những hợp tác dễ dàng như thế", ông Hiếu nói.
Thực tế cho thấy, ngoài câu chuyện niềm tin thì hợp đồng hợp tác đầu tư đều đưa ra mức lợi nhuận rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có thể cao gấp nhiều lần lãi tiền gửi ngân hàng, bởi vậy có rất nhiều người sẵn sàng đổ hàng tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng cho các hợp đồng như vậy.
Tuy nhiên, miếng pho-mát miễn phí thì thường chỉ có trong chiếc bẫy chuột. Việc "mù quáng" lao theo lợi nhuận có thể đẩy nhà đầu tư vào tình cảnh rủi ro lớn. Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DVL, nguyên nhân là phần lớn nhà đầu tư không thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn huy động cũng như tình hình và kết quả đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Thêm nữa, hợp đồng hợp tác đầu tư đôi khi không có tài sản bảo đảm, không có các điều khoản cam kết, hoặc cam kết theo hướng bất lợi cho nhà đầu tư, đơn cử như không khởi kiện.
"Mất vốn được nhìn nhận là rủi ro hiện hữu đối với các nhà đầu tư. Bởi, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về hoạt động hợp tác đầu tư nên khi xảy ra tranh chấp, các bên sẽ chỉ căn cứ các quy định trong hợp đồng để giải quyết. Như thế, hầu hết nhà đầu tư là bên gặp nhiều bất lợi và chịu thua thiệt", luật sư Chung phân tích.
Nhưng "tiền mất tật mang", nguy hiểm hơn cả chuyện mất vốn đó là nhà đầu tư có thể dính vào những rắc rối về pháp lý. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu: "Nhiều người tham gia vào chương trình hợp tác và bị dính líu vào cuộc điều tra của công an. Trong lĩnh vực tài chính, có những vụ hợp tác đầu tư mang tính rửa tiền và những người tham gia bị cơ quan an ninh điều tra, ngay cả Interpol cũng theo dõi và sau đó bị đưa ra pháp luật".
Ở góc độ doanh nghiệp, việc huy động vốn cũng tồn tại không ít rủi ro. Mặc dù đây là một kênh hút tiền hiệu quả, có thể giúp giải quyết các khó khăn tạm thời, song việc cam kết lợi nhuận ở mức rất cao, với thời gian ngắn, doanh nghiệp có thể lâm vào tình cảnh vi phạm nghĩa vụ trả nợ nếu tình hình kinh doanh không sáng sủa. Việc vi phạm nghĩa vụ này thậm chí có thể bị đẩy đi xa hơn với việc chủ doanh nghiệp bị hình sự hóa.
Ở góc độ thị trường, việc để tình trạng huy động vốn qua hợp tác đầu tư diễn ra tràn lan, không kiểm soát có thể làm méo mó thị trường tài chính, gây nên những mầm mống bất ổn.
"Nếu tình trạng vi phạm nghĩa vụ trả nợ diễn ra nhiều, dẫn đến các cuộc tập trung đông người, đó sẽ là nguy cơ lớn cho thị trường tài chính. Không quá khi nói rằng đó có thể là một "quả bom" nổ chậm nếu không kiểm soát tốt", TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.
Giải pháp nào?
Trước những nguy cơ nêu trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần có hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư về hợp đồng hợp tác đầu tư từ việc nêu rõ bản chất, nhận diện rủi ro, vạch trần sai phạm. Nếu im lặng với những sai phạm, vòng quay của thị trường sẽ còn đẩy mọi thứ đi xa hơn nữa. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những quy định về vấn đề này, để tránh "vết xe đổ" trái phiếu doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, tổng giám đốc một đơn vị tư vấn tài chính nhấn mạnh các doanh nghiệp cần minh bạch thông tin, có tài sản bảo đảm cho các khoản vốn huy động, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, như vậy mới duy trì được sức hút cũng như giúp thị trường đi lên trong sự bền vững, tránh được các đổ vỡ.
"Nhà nước cũng nên quan tâm tới kênh huy động vốn này, để đảm bảo an toàn hệ thống, ngăn ngừa các nguy cơ, vì thực tế thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ việc tập trung đông người tại các trụ sở doanh nghiệp, thậm chí trụ sở cơ quan công quyền", vị này đề xuất.
Bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng này, Luật sư Nguyễn Hồng Chung kiến nghị cần có hành lang pháp lý cho hợp đồng hợp tác đầu tư, đặc biệt các hợp đồng đầu tư liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
"Theo quy định hiện hành, chỉ có các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công tư đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian nhận được uỷ thác vốn của tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động đầu tư. Dù vậy, thời gian qua nhiều doanh nghiệp vẫn thực hiện hoạt động vốn thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh, do đó cần quy định cụ thể để tránh những hệ quả đáng tiếc", ông Chung nêu quan điểm.