Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) - Nhà điều hành dự án khí Lô B vừa ký kết hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án (PMSS) với các nhà cung cấp dịch vụ (Liên danh PSL Orion, Công ty CP Dịch vụ Logistics Dầu khí Việt Nam, Liên danh PV CHEM - Amoria Bond, Xí nghiệp Dịch vụ Đầu tư Khoan Dầu khí - thuộc Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí).
Theo đánh giá của các bên liên quan tại lễ ký kết, thì hợp đồng khung cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý dự án (PMSS) là một trong những bước quan trọng, mang tính tiền đề trong công tác chuẩn bị triển khai dự án khí Lô B.
Tổng giá trị của các hợp đồng khung là trên 50 triệu USD cho toàn đời dự án (khi đi vào hoạt động).
Trong thời gian qua, được sự chấp thuận của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các nhà đầu tư, Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC) đã và đang tích cực triển khai các công tác liên quan đến các gói thầu chính của dự án như EPCI#1, EPCI#2 (thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt và chạy thử vận hành), với mục tiêu có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Bùi Vạn Thuận - Tổng Giám đốc PQPOC khẳng định: Năm 2023 là thời điểm quan trọng trong việc thúc đẩy và triển khai dự án, nhằm có dòng khí đầu tiên từ Lô B đúng tiến độ. Chính vì thế, PQPOC luôn chủ động và sẵn sàng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ PVN, cũng như các nhà đầu tư giao phó, đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của dự án. Tập thể ban lãnh đạo và người lao động của Nhà điều hành luôn ý thức được tầm quan trọng, quy mô, giá trị kinh tế, cũng như nhiệm vụ chính trị của một dự án trọng điểm quốc gia để luôn tập trung cao độ trong các công tác triển khai đúng tiến độ các phần việc tại khâu thượng nguồn.
Cập nhật tình hình hoạt động Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết: Hồi đầu tháng 4/2023, Ban chỉ đạo dự án phát triển khai thác dầu khí Lô B - Ô Môn (của PVN) đã có kết luận yêu cầu các đơn vị, các ban chuyên môn tập trung mọi nguồn lực, với quyết tâm đạt được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6/2023, nhằm bảo đảm tiến độ thi công (dự án thượng, trung nguồn) để đón dòng khí về bờ vào năm 2026.
Gói thầu EPCI#1 (thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt và chạy thử vận hành cụm giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở) nằm trên đường găng của cả dự án nói chung, cũng như dự án thượng nguồn nói riêng, các rủi ro đã được nhận diện, đánh giá là áp lực rất lớn cho Nhà điều hành trong việc đánh giá, thống nhất với nhà thầu, thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu.
Để đạt được các mốc tiến độ theo mục tiêu kế hoạch, Ban chỉ đạo yêu cầu PQPOC quán triệt đến toàn thể CBCNV, đặc biệt cán bộ chủ chốt, cán bộ phụ trách từng lĩnh vực tập trung toàn thời gian (kể cả cuối tuần, ngày lễ) cho công tác đánh giá thầu cho đến khi hoàn thành kết quả đánh giá và đạt được phê duyệt của các bên liên quan, cũng như của Tập đoàn.
Đặc biệt, yêu cầu các ban, đơn vị liên quan, các đối tác đầu tư nước ngoài thống nhất kế hoạch huy động nhân sự tham gia, giám sát quá trình đánh giá thầu để rút ngắn thời gian xem xét thẩm định, phê duyệt thầu, cũng như xử lý các tình huống trong đấu thầu (theo hướng giảm các thủ tục liên quan).
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn yêu cầu việc sớm cập nhật báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí trình các cấp thẩm quyền phê duyệt và xây dựng dự thảo hướng dẫn về phân cấp trữ lượng đối với các đối tượng mỏ có điều kiện địa chất (như tại Lô B&48/95 và Lô 52/97) làm cơ sở để hoàn thiện các quy định liên quan v.v...
Nguyên nhân chậm tiến độ Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn:
Theo nhìn nhận của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Các thủ tục liên quan đến Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn đã quá chậm trễ giải quyết. Một trong các nguyên nhân là các quy định chính sách không rõ ràng đã gây cản trở tiến độ.
Chẳng hạn như dự án Nhiệt điện Ô Môn 3, thời gian thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư kéo dài trên 4 năm 6 tháng (các cơ quan quản lý nhà nước không xác định được cơ quan thẩm định nên “chuyền ban” cho nhau, chờ ban hành nghị định mới). Vì vậy, đối với dự án khí, để có được quyết định đầu tư (FID) vào tháng 6 năm nay nhằm bảo đảm tiến độ thi công và đón dòng khí về bờ vào năm 2026, sẽ còn rất nhiều phạm vi công việc cần phải làm.
Cụ thể là hoàn tất đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại (hợp đồng mua bán khí, điện), phê duyệt thiết kế kỹ thuật (nghiên cứu khả thi cho các nhà máy điện), cũng như các phương án thu xếp vốn vay cho các dự án thành phần của PVN và EVN.
Đối với các cam kết thương mại, giá khí từ Lô B về đến cổng các Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn được cho biết có thể tiệm cận tới hơn 14 USD/triệu BTU vào cuối năm 2026 - thời điểm dự kiến có dòng khí đầu tiên. Do đó, giá điện bình quân của Nhà máy Ô Môn 3, Ô Môn 4 sẽ ở mức cao hơn khá nhiều so với mức giá bình quân hiện nay và có thể gây khó khăn trong quá trình huy động phát điện (dù các nhà máy này không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh).
Đối với phê duyệt kỹ thuật (nghiên cứu khả thi các nhà máy điện), việc thay đổi thiết kế kỹ thuật để sử dụng nhiên liệu thay thế trong tương lai sẽ kéo theo thay đổi, theo hướng tăng chi phí đầu tư ban đầu.
Đối với việc thu xếp vốn vay, trong bối cảnh Chính phủ không phát hành Bảo lãnh Chính phủ (GGU) nữa, thì đây sẽ là vấn đề rất khó khăn đối với PVN, EVN khi phải chứng minh hiệu quả kinh tế, cũng như cam kết Net zero theo tinh thần COP26 đối với các khoản vay ODA (từ Nhật Bản) và các định chế tài chính, ngân hàng quốc tế.
Theo đó, các dự án nhà máy điện (khâu hạ nguồn) có vòng đời 25 năm, nếu tính từ thời điểm đón dòng khí về bờ năm 2026 thì đã vượt qua năm 2050, sẽ là một trong những thách thức đối với việc thu xếp vốn vay từ các ngân hàng quốc tế.
Như chúng ta đều biết, vòng đời của dự án khâu thượng nguồn (theo phê duyệt FDP) là 23 năm. Vì vậy, ngay cả khi dự án được thông quan, PVN sẽ phải cấp bù khí cho các nhà máy điện những năm còn lại theo cam kết hợp đồng.
Theo dự báo của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn sẽ còn rất nhiều phê duyệt có liên quan đến vốn nhà nước, từ đó phát sinh chậm trễ tiến độ. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, các bộ, ngành, cũng như các nhà đầu tư cần phải có giải pháp tối ưu. Bởi Chuỗi dự án không chỉ đem lại lợi ích quốc gia (thông qua PVN, EVN), mà còn tạo dựng và tái khẳng định một môi trường đầu tư, hợp tác dầu khí nói riêng, cũng như kinh tế năng lượng nói chung năng động, chuyên nghiệp của thị trường Việt Nam thông qua các hợp tác liên Chính phủ và với các nhà đầu tư quốc tế./.