• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.233,65 +5,55/+0,45%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:45:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.233,65   +5,55/+0,45%  |   HNX-INDEX   221,61   +0,32/+0,14%  |   UPCOM-INDEX   91,49   -0,21/-0,23%  |   VN30   1.289,70   +3,63/+0,28%  |   HNX30   470,27   +2,30/+0,49%
25 Tháng Mười Một 2024 2:45:15 CH - Mở cửa
Ngành bán lẻ quý I: Lợi nhuận đi xuống, cắt giảm hàng loạt nhân sự
Nguồn tin: NDH | 07/05/2023 8:45:00 CH
* Hầu hết doanh nghiệp bán lẻ đều giảm lãi hoặc lỗ, riêng PNJ tăng nhẹ lợi nhuận 4%. 
 
* MWG giảm khoảng 9.000 nhân sự trong 6 tháng qua, FPT Retail giảm 206 người trong quý I dù mở mới hơn 100 cửa hàng Long Châu.
 
* MWG, FPT Retail, Digiworld đều ghi nhận sự sụt giảm trong giá trị hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I so với đầu năm.
 
 
Lợi nhuận đi xuống
 
Nền kinh tế trong quý I chưa khởi sắc, sức mua của người dân tiếp tục ảnh hưởng. Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm trước của các doanh nghiệp bán lẻ.
 
“Ông lớn” ngành bán lẻ - Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) công bố kết quả kinh doanh thấp nhất hơn 10 năm qua. Doanh thu quý I giảm 25,5% xuống 27.106 tỷ đồng, riêng chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh giảm 34%. Công ty cho biết doanh thu hầu hết các sản phẩm điện thoại và điện máy giảm 20-25%, máy tính bảng, máy tính xách tay giảm 40-50%. Ngược lại, chuỗi thực phẩm Bách Hóa Xanh tăng doanh thu 5% dù số lượng cửa hàng giảm 20% so với cùng kỳ. Động lực tăng chính đến từ mảng thực phẩm tươi sống. Trong cơ cấu doanh thu của MWG, mảng điện tử gia dụng đóng góp chủ yếu với 74%, mảng thực phẩm chỉ chiếm tỷ trọng 23,6%.
 
Mặt khác, sức mua yếu buộc công ty thực hiện chiến lược giá bán cạnh tranh, đưa ra nhiều lựa chọn mua sắp linh hoạt, tăng cường giảm giá khuyến mãi để thu hút và giữ chân khách hàng. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,2% xuống 19,2%. Dù giảm đáng kể chi phí bán hàng và quản lý, lợi nhuận sau thuế ở mức 21 tỷ đồng, chưa bằng 2% quý I/2022 và thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
 
Quý đầu năm, FPT Retail (HoSE: FRT) vẫn duy trì doanh thu tương đương cùng kỳ năm trước với 7.752 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng tăng cao khiến công ty lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 5 tỷ đồng.
 
Doanh nghiệp lý giải, cầu hàng hóa liên tục giảm do ảnh hưởng yếu tố vĩ mô không thuận lợi, lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh mảng bán lẻ điện tử diễn ra mạnh mẽ khiến doanh thu công ty mẹ giảm 20% và lỗ 66 tỷ đồng, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ trên báo cáo hợp nhất.
 
Ngược lại, mảng dược phẩm vẫn tăng trưởng tốt, doanh thu tăng trên 50% giúp tổng doanh thu duy trì tương đương quý I/2022. Song, mảng này vẫn đang phát triển chưa bù đắp được mảng điện tử.
 
Nhà bán buôn hàng ICT – Digiworld (HoSE: DGW) cũng chịu chung số phận khi báo cáo doanh thu quý I giảm 43% xuống 3.960 tỷ đồng và lãi ròng giảm 62% xuống 79,4 tỷ đồng.
 
Tương tự MWG, doanh thu máy tính xách tay, điện thoại di động của Digiworld giảm đến 51% so với cùng kỳ năm trước. Mảng thiết bị văn phòng giảm 8%. Mảng thiết bị gia dụng và hàng tiêu dùng có tăng trưởng nhờ đóng góp từ tivi Xiaomi, sản phẩm của Whirlpool và doanh thu từ các sản phẩm tiêu dùng nhanh, dược phẩm, đồ uống.
 
Kinh doanh mặt hàng xa xỉ như trang sức các loại – Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) cho biết doanh thu giảm 3% trước sức mua chung giảm. Dù vậy, công ty vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng 4% với 749 tỷ đồng, ghi nhận kỷ lục. Song, theo chia sẻ của bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT, sức mua dần xấu đi từ tháng 4 và xuất hiện những con số không tăng trưởng.
 
 
Giảm nhân sự, tìm cách đẩy hàng tồn kho
 
Theo số liệu công bố tại BCTC, MWG giảm 5.960 nhân sự trong 3 tháng qua, nhân viên giảm từ 74.008 xuống 68.048 người. Nếu tính từ thời điểm 30/9/2022, nhà bán lẻ giảm gần 12.200 nhân sự.
 
Trước thông tin giảm lượng lớn nhân sự, MWG cho biết có điều chỉnh trong cách tính số lượng nhân viên tại các thời điểm công bố BCTC. Con số nhân viên chênh lệch trong 6 tháng thực tế là 9.000 người.
 
Doanh nghiệp cho biết biến động nhân sự là hoàn toàn do biến động tự nhiên và không có kế hoạch sa thải nhân viên. Các năm trước, số lượng nhân viên nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới, song năm nay kinh tế khó khăn và sức mua giảm nên công ty tạm ngưng tuyển dụng.
 
Đối với FPT Retail, tổng số nhân viên cũng ghi nhận giảm từ 15.481 người xuống 15.275 người, tức giảm 206 người trong quý I bất chấp việc mở mới thêm hơn 100 nhà thuốc Long Châu.
 
Vào quý cuối năm ngoái, số lượng nhân viên của doanh nghiệp vẫn tăng gần 1.000 người để đáp ứng cho kế hoạch tăng tốc mở rộng nâng số lượng cửa hàng Long Châu lên 1.000 – trở thành chuỗi dược phẩm lớn nhất nước.
 
Như vậy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, FPT Retail cũng đang có những giải pháp tối ưu hóa nhân sự. Trong năm nay, nhà bán lẻ dự kiến tạm ngưng kế hoạch mở rộng chuỗi FPTShop trong khi vẫn đặt kế hoạch mở khoảng 400 nhà thuốc Long Châu.
 
Nhờ mạnh tay giảm nhân sự, MWG đã tiết kiệm hơn 880 tỷ đồng chi phí cho nhân viên so với cùng kỳ năm trước. Còn FPT Retail giảm được 26 tỷ đồng xuống 518 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, việc kiểm soát hàng tồn kho trong bối cảnh sức mua giảm cũng được các doanh nghiệp bán lẻ đặt nặng. Ban lãnh đạo MWG cho biết trong bối cảnh sức mua chưa cải thiện, doanh nghiệp tìm mọi cách đẩy hàng tồn và thận trọng nhập hàng mới để phòng ngừa giảm giá hàng tồn kho. Doanh nghiệp đã giảm đáng kể lượng hàng tồn kho từ 25.696 tỷ đồng đầu năm xuống 20.957 tỷ đồng, tăng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn thêm hơn 7.000 tỷ đồng lên 17.028 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho giảm chủ yếu ở mặt hàng không thiết yếu như thiết bị điện tử, điện thoại di động, thiết bị gia dụng.
 
Với FPT Retail, giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý I giảm nhẹ 180 tỷ đồng xuống 6.303 tỷ đồng, lần đầu tiên giảm tính từ quý IV/2020. Bên cạnh giảm giá để đẩy hàng tồn kho ICT thì doanh nghiệp cũng tìm kiếm lợi nhuận ở ngành hàng mới như đồ gia dụng và tiếp tục phát triển mảng dược phẩm.
 
Ông Nguyễn Việt Anh – Phó Tổng giám đốc cho biết mảng gia dụng có biên lãi gộp 20-25%, năm ngoái đóng góp 2,5% doanh thu FPTShop, kỳ vọng trong 3 năm tới tăng lên 15%.
 
Tương tự, Digiworld cũng giảm hơn 200 tỷ đồng hàng tồn kho xuống 3.033 tỷ đồng bất chấp việc phát triển thêm hai ngành hàng mới gồm đồ uống, thiết bị bảo hộ lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng xác định mảng ICT năm nay sẽ sụt giảm và cố gắng duy trì tăng trưởng cho các mảng khác như thiết bị văn phòng, gia dụng và hàng tiêu dùng.
 
Đa phần các lãnh đạo doanh nghiệp bán lẻ đều nhìn nhận tình hình kinh tế vĩ mô xấu sẽ kéo dài cho đến hết quý II, nửa cuối năm phục hồi nhưng không đáng kể. Do vậy, doanh nghiệp tiếp tục kiểm soát hàng tồn kho, cắt giảm chi phí và ưu tiên đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động kinh doanh.
 
GÃ ĐẦU TƯ