Nhóm doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện và điện khí được đánh giá sẽ hưởng lợi sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt.
Quy hoạch điện 8 được phê duyệt
Sau khoảng thời gian dài bị nhiều thông tin thiếu tích cực bao phủ, vào giữa tháng 5-2023, ngành điện đã đón nhận tin vui khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) được Chính phủ phê duyệt. Với thị trường chứng khoán, thông tin này cũng được nhiều nhà đầu tư ngóng chờ từ lâu. Theo quy hoạch mới này, tỷ trọng của điện than giảm mạnh và tỷ trọng các điện khí, điện năng lượng tái tạo gia tăng.
Cụ thể hơn, về điện than, Quy hoạch điện 8 chính thức loại bỏ khoảng 13.220MW điện than, cơ bản đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Dự kiến điện than sẽ đạt tăng trưởng kép ở mức thấp 2% giai đoạn 2021-2030 sau đó giảm về 1% giai đoạn 2030-2050, chiếm lần lượt 19% và 4% tổng công suất nguồn điện.
Trái ngược với điện than, nguồn điện khí sẽ là mũi nhọn trong kế hoạch phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 với tăng trưởng kép đạt 26%, chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong giai đoạn 2030-2050, phát triển điện khí sẽ chậm lại, đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất trong năm 2050. Trong khi đó, điện gió dự kiến sẽ là mục tiêu phát triển hàng đầu trong cả ngắn và dài hạn với điện gió trên bờ sẽ tăng trưởng kép 25% trong giai đoạn 2021-2030 và 6% trong giai đoạn 2030-2050, chiếm lần lượt 14% và 13% tổng công suất giai đoạn này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng dự kiến phát triển 6.000MW điện gió ngoài khơi từ nay đến năm 2030, sau đó sẽ tăng trưởng 15% trong giai đoạn 2030-2050, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện. Riêng điện mặt trời dự kiến sẽ bị hạn chế phát triển sau giai đoạn tăng trưởng ồ ạt trong năm 2020-2021. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển điện mặt trời cho mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, công suất điện mặt trời dự kiến tăng khiêm tốn trong giai đoạn 2021-2030 sau đó tăng mạnh 13% từ 2030-2050, chiếm 33% tổng công suất.
Hầu hết các cổ phiếu ngành xây lắp điện và điện khí đều có xu hướng tăng giá kể từ giữa tháng 5 đến nay. Tuy vậy, tác động của Quy hoạch điện 8 sẽ mang tính dài hạn hơn rất nhiều, do vậy những tác động ngắn hạn chỉ nên được coi là phản ứng tạm thời ban đầu của các nhà đầu tư.
Mặc dù Quy hoạch điện 8 nêu trên cho thấy quyết tâm và sự chuyển đổi mạnh mẽ trong chiến lược năng lượng của Chính phủ nhưng thách thức đặt ra là khá lớn, đặc biệt ở khía cạnh tài chính khi trọng tâm được đặt vào các nguồn điện giá cao như điện khí, điện năng lượng tái tạo.
Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổng mức đầu tư cho nguồn điện dự kiến đạt 114 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2021-2030, phân bổ chủ yếu cho điện khí (30%) và điện gió (35%).
Nhiệt điện than trong giai đoạn này cũng chiếm một phần không nhỏ khoảng 15% tổng nhu cầu vốn. Còn trong giai đoạn 2030-2050, tổng nhu cầu vốn sẽ tăng mạnh, đạt khoảng 495 tỉ đô la Mỹ, trong đó nhu cầu vốn cho điện gió chiếm phần lớn (63%) và sau đó là điện mặt trời (18%). Ngoài ra, nhu cầu phát triển lưới điện dự kiến chiếm khoảng 11% tổng nhu cầu vốn ngành điện trong giai đoạn 2021-2030 và 7% trong giai đoạn 2031-2050.
Nhóm cổ phiếu nào hưởng lợi?
Trong báo cáo phân tích trên, VNDirect đưa ra một số nhóm doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ Quy hoạch điện 8. Theo đó, nhóm doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất nhờ khối lượng công việc khá cao trong kế hoạch của Quy hoạch điện 8, đặc biệt trong các nhóm ngành điện khí và năng lượng tái tạo. Nhóm xây lắp điện bao gồm đường dây, trạm biến áp cũng sẽ ghi nhận mức tăng tương ứng nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ và tính hiệu quả của hệ thống.
Một số doanh nghiệp niêm yết nổi bật trong nhóm xây lắp hạ tầng điện bao gồm CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1), CTCP Tập đoàn Fecon (FCN), CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) sẽ là những doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất. Trong dài hạn hơn, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến sẽ gia nhập danh sách này do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi, với kinh nghiệm trong những dự án gần đây như Thăng Long, La Gàn.
Các doanh nghiệp điện khí nói chung và điện khí hóa lỏng LNG nói riêng cũng sẽ có triển vọng tăng trưởng do sở hữu dự án đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện 8, gồm Dự án Nhơn Trạch 3, 4 của Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW), Dự án LNG Long Sơn của CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam (PGV) và TV2, Dự án Ô Môn 3, 4 của Tổng công ty phát điện 2 (GE2). Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đang thực hiện phát triển các dự án kho cảng LNG và nhờ đó sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn này.
Quy hoạch điện 8 cũng thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỉ đô vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG cho phát điện tại Việt Nam.
Ngoài ra, Quy hoạch điện 8 được ban hành sau nhiều lần dự thảo sẽ có tác động tích cực tới các chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển các dự án năng lượng tái tạo như CTCP Bamboo Capital (BCG), CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Điện Gia Lai (GEG). Với Điện Gia Lai, công ty này đang có các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sẵn sàng vận hành trong năm 2023-2024 như Điện gió VPL Bến Tre giai đoạn 2 (30 MW), Điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MW).
Với Hà Đô, tập đoàn này đang phát triển mảng năng lượng, bao gồm 314 MW thủy điện, 50 MW điện gió và khoảng 82 MW điện mặt trời. Còn Bamboo Capital đã đưa vào vận hành 592 MW năng lượng tái tạo, gồm bốn dự án là BCG Long An 1, BCG Long An 2, Phù Mỹ 1 và BCG Vĩnh Long, cùng một số dự án điện mặt trời áp mái. Công ty đang triển khai các dự án điện gió, bao gồm Khai Long Cà Mau và Trà Vinh cùng giai đoạn 1, với tổng công suất 180 MW.
Về diễn biến trên thị trường chứng khoán, hầu hết các cổ phiếu ngành xây lắp điện và điện khí đều có xu hướng tăng giá kể từ giữa tháng 5 đến nay, đặc biệt là nhóm liên quan đến điện khí. Tuy vậy, tác động của Quy hoạch điện 8 lên các nhóm cổ phiếu này sẽ mang tính dài hạn hơn rất nhiều, do vậy những tác động ngắn hạn chỉ nên được coi là phản ứng tạm thời ban đầu của các nhà đầu tư.