Gần đây, nhờ nhập khẩu dầu thô từ Mexico và Nga, thêm vào đó là tuyên bố nối lại quan hệ thương mại giữa Venezuela và Mỹ, Cuba - vốn đang chìm trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc, đã tìm được cơ hội làm thuyên giảm tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng trong nước.
Kể từ cuối tháng 3/2023, dòng xe ô tô xếp hàng dài trước lối vào trạm xăng đã trở thành cảnh quan hàng ngày của hòn đảo này.
Dưới lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 1962, Cuba chỉ khai thác được lượng nhiên liệu đủ để đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ hàng ngày. Do đó, Cuba rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 3 thập niên, tình trạng mất điện và thiếu lương thực xảy ra triền miên.
Tuy nhiên, hoạt động nhập khẩu dầu gần đây có thể cải thiện tình hình. Theo trang web giám sát hàng hải Vessel Finder, tàu chở dầu Bicentenario của Mexico - với lượng hàng hóa ước tính khoảng 265.000 thùng, đã cập cảng Havana vào hôm 6/6. Theo AFP ngày 8/6, con tàu trên đã đến nhà máy lọc dầu Ñico Lopez ở thủ đô Havana của Cuba.
Vào cuối tháng 5, siêu tàu chở dầu Limo - treo cờ Cameroon và xuất phát từ Nga, đã cập cảng Matanzas, cách thủ đô Havana khoảng 100 km về phía đông, với lượng hàng hóa ước tính khoảng 800.000 thùng.
Ông Jorge Piñon - chuyên gia về chính sách năng lượng tại Đại học Texas (Mỹ), ước tính nguồn cung dầu có thể “trở lại mức chấp nhận được”.
Theo ông, công suất xử lý 22.000 thùng/ngày của nhà máy lọc dầu ở Havana sẽ đáp ứng được nhu cầu của thủ đô trong tối đa 3 tuần.
“Không có tiền”
Ông Piñón nhấn mạnh, đây là chuyến vận chuyển dầu thứ 3 trong năm nay, đến từ con tàu Bicentenario do chính phủ của Tổng thống Mexico Andrés Manuel Lopez Obrador gửi đi. AFP không thể liên hệ ngay với công ty dầu khí quốc doanh Petroleos Mexicanos (Pemex) để phỏng vấn.
Ông Arturo Lopez-Levy - nhà phân tích kiêm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Autonomous De Madrid, Mexico có tham vọng trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trong khu vực. Do đó, họ đang yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận lên Cuba, đồng thời duy trì đối thoại với Mỹ.
Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Havana và Moscow đã thắt chặt hơn, với những dự án đầy tham vọng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Số lượng chuyến thăm chính thức giữa hai nước cũng tăng vọt.
Ông Piñon nhấn mạnh: “Cuba không có tiền. Tôi nghi ngờ việc đất nước này sẽ trả tiền cho dầu của Mexico. Tôi đoán rằng khi Mexico thuê những bác sĩ người Cuba, họ trả phí bằng dầu mỏ thay vì tiền mặt”. Mexico tìm kiếm bác sĩ từ Cuba vì nước họ thiếu bác sĩ đa khoa cũng như bác sĩ chuyên khoa. Cũng theo nhà phân tích này, Nga cũng có thể đã cho Cuba mua dầu trả sau.
Chevron và Cuba
Vào năm 2022, ở Cuba xảy ra vụ hỏa hoạn tại trung tâm lưu trữ nhiên liệu lớn ở tỉnh Matanzas. Nguồn cung từ Venezuela - đồng minh chính của nước này trong khu vực, cũng bị cắt giảm.
Theo ông Piñón, hòn đảo này khai thác khoảng 40.000 thùng/ngày, nhưng cần thêm 100.000 thùng để đáp ứng đủ nhu cầu. Ông ước tính, các đối tác của Cuba sẽ bù đắp phần nào khoản chênh lệch này, đưa mức thâm hụt xuống còn ít nhất là 20.000 thùng.
Ông cho biết thêm, những nhà máy lọc dầu của Cuba không có khả năng xử lý dầu thô nặng của Venezuela, vì vậy Havana đã phải bán lại một lô hàng từ Caracas vào tháng 5.
Ông nói: “Hoạt động cung cấp này càng trở nên phức tạp hơn, vì giờ đây gã khổng lồ năng lượng Chevron của Mỹ có thể vận chuyển 100.000 thùng dầu/ngày từ Venezuela đến Mỹ”.
Washington vốn đã cắt đứt quan hệ với Venezuela từ năm 2019. Nhưng vào tháng 11/2022, Mỹ đã nới lỏng những biện pháp trừng phạt áp đặt lên Caracas, với tiêu điểm đáng chú ý là cho phép Chevron hoạt động tại quốc gia Mỹ Latinh này.
Theo vị chuyên gia này, giờ đây, “điều quan trọng hơn đối với PDVSA (công ty dầu mỏ của Venezuela) là giao sản lượng này cho Chevron”.
Tuy nhiên, ông Arturo Lopez-Levy tin rằng “nếu Venezuela dàn xếp được với Mỹ và thoát khỏi sự cô lập thì mỏ vàng đen sẽ hoạt động trở lại”. Điều này sẽ gián tiếp hỗ trợ Cuba có thêm nguồn cung.