Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa vinh dự gia nhập “câu lạc bộ 50.000 tỷ” về thu ngân sách. Trong tổng số thu ngân sách Nhà nước hơn 51.000 tỷ đồng của toàn tỉnh, có tới hơn 20.000 tỷ đồng từ đóng góp của hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK) qua Cảng Nghi Sơn. Để “nuôi dưỡng” bền vững nguồn thu này, tỉnh Thanh Hóa và đơn vị liên quan đang nỗ lực cho nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh và thực hiện các thủ tục XNK qua Cảng Nghi Sơn.
Tàu container bốc dỡ hàng hóa tại Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.
Theo quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) và định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt; đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành KKTNS và các KCN tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế. Với hạ tầng hệ thống Cảng biển Nghi Sơn đã được quy hoạch chi tiết gồm có 62 bến, trong đó có 10 bến container, 22 bến tổng hợp và các bến chuyên dùng phục vụ các dự án lớn như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tại đây, các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics... cũng đã được quy hoạch chi tiết và đang trong tiến trình đầu tư đồng bộ.
Từ năm 2020 đến 2023, số thu từ hoạt động XNK qua Cảng Nghi Sơn đều tăng lũy tiến các năm và luôn đạt trên 93% tổng số thu của toàn Cục Hải quan Thanh Hóa. Cụ thể, năm 2020 đạt 10.195 tỷ đồng; năm 2021 đạt 11.181 tỷ đồng và năm 2022 đã đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu này vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn thu thuế từ hoạt động nhập khẩu dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Theo đó, trong 3 năm vừa qua, tổng thu nộp ngân sách của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, chiếm 83% tổng số thu của hàng hóa qua cảng Nghi Sơn trong cùng giai đoạn; số thu còn lại chủ yếu từ nguồn nhập khẩu máy móc, thiết bị để tạo tài sản cố định cho dự án đầu tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm... của một số DN lớn trong KKTNS như: Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn, Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, Công ty Dầu thực vật Miền Bắc Việt Nam, Công ty CP Xi măng Đại Dương... Số thu từ các hoạt động XNK hàng hóa thường xuyên qua Cảng Nghi Sơn hiện còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy, ảnh hưởng từ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chi phối lên số thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa.
Điển hình như trong 5 tháng đầu năm 2023, lũy kế thu ngân sách Nhà nước đạt 17.258 tỷ đồng, bằng 49% dự toán và chỉ đạt 77% so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ số thu của hoạt động XNK giảm. Trong 5 tháng đầu năm, số thu từ hoạt động XNK đạt 7.222,5 tỷ đồng, đạt 53,5% chỉ tiêu do Bộ Tài chính giao, thấp hơn cùng kỳ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ số thu từ thuế nhập khẩu dầu thô giảm 18% so với cùng kỳ (đạt 5.450,31 tỷ đồng, chiếm 80% tổng thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động XNK). Ngoài ra, nguồn thu thuế XNK giảm còn do thuế từ nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ thi công, lắp đặt dự án năm 2023 chỉ đạt 28% so với cùng kỳ. Trong khi đó, số thu từ nguồn hàng hóa XNK thường xuyên vẫn còn quá nhỏ bé, không ảnh hưởng đáng kể đến tổng thu nên không bù đắp được sự thiếu hụt từ các hoạt động XNK khác.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện nay có khoảng hơn 200 DN trong và ngoài tỉnh thực hiện thủ tục XNK qua Cảng Nghi Sơn. Sau khi HĐND tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng đã mang lại những kết quả bước đầu. Ngoài hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải với tần suất 1 chuyến/tuần sau thời gian gián đoạn, đầu năm 2023, Cảng Nghi Sơn cũng đã thu hút thêm được hãng tàu VIMC mở tuyến tàu container; đồng thời thu hút thành công một số DN tỉnh Nghệ An đăng ký làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt kỳ vọng, nhất là việc đáp ứng nhu cầu đa dạng về lựa chọn hãng tàu, thời gian, giá cước, tần suất thực hiện dịch vụ của DN. Do số lượng hãng tàu mới, DN mới chưa nhiều, tần suất hoạt động thấp, số thu ngân sách Nhà nước từ hàng hóa vận chuyển bằng container chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số thu ngân sách Nhà nước của hàng hóa XNK qua Cảng Nghi Sơn (gần 3%).
Để tăng nguồn thu bền vững từ việc phát huy lợi thế của Cảng biển Nghi Sơn, hiện nay, Cục Hải quan và Ban Quản lý KKTNS và các KCN đang tăng cường phối hợp với các hiệp hội, hội DN trong công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các DN và nhà đầu tư vào KKTNS nói chung và hoạt động XNK qua Cảng biển Nghi Sơn nói riêng, từ đó khuyến khích các DN lớn có trụ sở trên địa bàn tỉnh và DN các tỉnh lân cận (Nghệ An, Ninh Bình) nhưng chưa thực hiện XNK hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là các tập đoàn sản xuất ô tô, giày da, phế liệu... có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất lớn, số thu nộp NSNN hàng năm cao. Cùng với đó, các đơn vị cũng trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe, nắm bắt thông tin cũng như khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, các DN mới để có biện pháp xử lý, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại XNK; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập các môi trường hành chính điện tử trên cơ sở tích hợp sâu rộng các ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các DN về làm thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý. Các đơn vị cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa trong công tác phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, nâng cao năng lực kinh doanh của các công ty kinh doanh kho bãi, dịch vụ cảng, trang bị thêm máy móc thiết bị để giảm thời gian bốc, dỡ hàng hóa, thời gian lưu giữ hàng hóa, rút ngắn thời gian XNK và giảm chi phí cho DN XNK.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đang xúc tiến các công việc để tổ chức hội nghị kêu gọi các nhà đầu tư, DN XNK làm thủ tục XNK hàng hóa tại Cảng biển Nghi Sơn. Hội nghị sẽ là cơ hội để các hãng tàu, DN được giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề xuất nguyện vọng trong quá trình thực hiện thủ tục sản xuất, kinh doanh và XNK nhằm khai thác có hiệu quả hệ thống Cảng biển Nghi Sơn. Thông qua các ý kiến thảo luận, trao đổi của các hãng tàu, DN sẽ là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa đưa ra các giải pháp khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho chiến lược thu hút DN về với Cảng Nghi Sơn, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho tỉnh trong thời gian tới.