Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Quảng Trị còn khá hạn chế so với nhiều địa phương khác trong khu vực và cả nước, chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Một dẫn chứng minh họa cho tình hình thu hút FDI ‘khiêm tốn’ của tỉnh Quảng Trị, là 5 năm vừa qua (2018-2022), chỉ ghi nhận 4 dự án của nhà đầu tư nước ngoài được cấp chủ trương/chứng nhận đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư, chất lượng của dự án đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa cao, giá trị gia tăng thấp, đa số quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít (thường dưới 10 triệu USD), tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký, các dự án có quy mô vốn lớn còn rất ít và tiến độ triển khai còn rất chậm.
Việc kêu gọi, thu hút các dự án theo một số lĩnh vực, ngành nghề đang cần thiết cho hạ tầng, khu công nghiệp, khu kinh tế, công nghệ phụ trợ như công nghiệp sạch, công nghiệp môi trường, công nghiệp điện tử,… chưa hiệu quả. Hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả đột phá, chưa có chiều sâu, mang tính chiến lược dài hạn và còn bị động, phân tán, dàn trải.
Thống kê giai đoạn 2018-đến hết 2022, Quảng Trị có 4 dự án của nhà đầu tư nước ngoài được cấp chủ trương đầu tư/ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 2,43 tỷ USD.
Đến nay, tổng số các dự án do tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài còn hiệu lực thực hiện trên toàn tỉnh (bao gồm các hình thức đầu tư là đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, thực hiện dự án đầu tư và dự án của tổ chức kinh tế nhận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp từ nhà đầu tư nước ngoài) là 19 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 2.5 tỷ USD.
Trong số này, 13 dự án đã đi vào hoạt động; 6 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (gồm 1 dự án đã hoạt động một phần là dự án Trồng và phát triển cây mắc ca của Công ty TNHH My Anh – Khe Sanh; 1 dự án đang hoàn thành xây dựng và lắp đặt máy móc, chuẩn bị đi vào hoạt động là dự án Sangshin Central Việt Nam (nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử) của Công ty Sangshin Electronics Co.Ltd.; 4 dự án đang triển khai).
Các dự án FDI (do nhà đầu tư đến từ các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Pháp, Singapore, Nhật Bản… thực hiện) trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực như: sản xuất và chế biến nông – lâm – ngư nghiệp; Sản xuất và chế biến công nghiệp; Năng lượng; cơ sở hạ tầng; may mặc.
Tình hình hoạt động của các dự án FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2018 – 2022 như sau: vốn thực hiện đạt khoảng 45 triệu USD; Doanh thu khoảng 383 triệu USD; Xuất khẩu khoảng 255 triệu USD; Giá trị nhập khẩu khoảng 75 triệu USD; Nộp vào ngân sách 9 triệu USD và tạo việc làm cho lao động thời điểm cao nhất đạt hơn 2.600 lao động.
Ngoài ra, có một số dự án đầu tư trọng điểm đang được tỉnh tập trung kêu gọi thực hiện.
Điển hình là dự án vận chuyển, sản xuất và sử dụng khí từ mỏ Báo Vàng (nhà máy điện tua-bin khí hóa hơi Quảng Trị). Thủ tướng đã giao cho Gazprom International thuộc tập đoàn Gazprom (Nga) làm Chủ đầu tư tại Văn bản 368/TTg-CN hồi tháng 3/2020 (sau gần 4 năm chuẩn bị, bổ sung quy hoạch).
Đây là dự án “tích hợp” sử dụng nguồn nguyên liệu chính từ mỏ khí Báo Vàng (lô 112-113) trên thềm lục địa nước ta và kết nối vào nhà máy phát điện tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị theo hình thức dự án điện BOT. Với tổng mức đầu tư khoảng 370 triệu USD do chủ đầu tư tự thu xếp, dự án từng nằm trong Quy hoạch điện VII, dự kiến vận hành thương mại (COD) giai đoạn 2023-2024. Mới nhất, dự án thuộc danh mục các dự án nguồn điện ưu tiên đầu tư của ngành điện (đặt trong Quy hoạch điện VIII, phát triển giai đoạn 2021-2030).
Được biết, đầu tháng 6/2023, UBND tỉnh Quảng Trị bất ngờ đề xuất nâng công suất dự án này lên 1.500MW (tăng thêm 1.160MW). Về vấn đề này, EVN đã có ý kiến cụ thể.
Cụ thể, “công suất của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII là 340MW, do đó, việc đề xuất nâng công suất lên 1.500MW (tăng thêm 1.160MW) cần tính toán tổng thể và làm rõ về khả năng cung cấp nhiên liệu sơ cấp cho toàn bộ đời sống dự án. Đồng thời, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các dự án lưới điện liên quan vào Quy hoạch điện VIII để đảm bảo tính đồng bộ và tính khả thi trong trường hợp nâng công suất của dự án”, Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân nêu trong văn bản.
Chủ đầu tư Gazprom International từng kiến nghị xem xét hàng loạt điều kiện bảo lãnh từ Chính phủ.
Cụ thể, chủ đầu tư kiến nghị tạo cơ chế thuận lợi tối đa từ phía Chính phủ để đầu tư dự án và đảm bảo hoàn vốn trong toàn bộ thời gian hoạt động của dự án;
Bảo lãnh nghĩa vụ của bên đại diện có thẩm quyền trong hợp đồng BOT từ phía Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tiếp nhận, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng liên quan tới xây dựng nhà máy điện.
Bên cạnh đó, Gazprom kiến nghị bảo lãnh vấn đề tự do chuyển đổi doanh thu lợi nhuận thu được sang ngoại tệ và chuyển về nước các khoản tiền (trả cổ tức/tiền chuyển ra khỏi Việt Nam) mà không phải chịu thuế, phí và các khoản phải nộp bổ sung khác;
Bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản lượng điện sản xuất được, giữ nguyên các điều khoản của các hợp đồng đã ký (không làm giảm chỉ số kinh tế của dự án) trong suốt thời hạn hiệu lực của dự án tích hợp trong trường hợp pháp luật Việt Nam có thay đổi, miễn thuế, phí hải quan và các khoản phải nộp khác bao gồm tiền sử dụng đất…
Bên cạnh đó, là trường hợp Công ty Năng lượng Eni Việt Nam (Italia) khảo sát, nghiên cứu thực hiện dự án mỏ Kèn Bầu (Lô 114) vào KKT Đông Nam Quảng Trị…
Nguyên nhân của thực trạng thu hút đầu tư nước ngoài nêu trên, đến từ nhiều vấn đề. Trong đó, nổi bật là cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện; kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được đầu tư phát triển đồng bộ; Chưa có các hạ tầng thiết yếu như sân bay, cảng biển, kho ngoại quan, logistics để phục vụ hoạt động sản xuất, phân phối.
Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, không đảm bảo tiến độ bàn giao cho nhà đầu tư, gây khó khăn trong triển khai thực hiện dự án cũng như ái ngại trong quyết định đầu tư.
Tỉnh chưa phát triển được các ngành công nghiệp hỗ trợ nên khó thu hút được các dự án đầu tư sản xuất quy mô lớn, công nghệ cao; Thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, chất lượng cao, trình độ chuyên môn cao và có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp….
Trong báo cáo trình thẩm định quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 mới nhất, địa phương này đã nêu rõ mục tiêu phát triển và thể hiện rõ quyết tâm dồn lực cải thiện cơ sở hạ tầng – một trong số các yếu tố quyết định độ hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Điển hình, đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước; Khai thác hiệu qủa các lợi thế của tỉnh trên tuyến hành lang hạ tầng theo hướng Bắc - Nam, hành lang Đông - Tây và khai thác hợp lý dải không gian ven biển, trở thành một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN…
Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Một trong những trung tâm năng lượng sạch của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và cả nước.
Các vùng trọng điểm phát triển bao gồm Hành lang phát triển trung tâm và Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Trong đó, ưu tiên dải ven biển cho đô thị du lịch và phục hồi rừng phòng hộ, kết nối với đảo Cồn Cỏ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số định hướng phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam (hai bên đường trục Bắc Nam của khu kinh tế và khu vực gần cảng biển, gần sân bay) và các tổ hợp (nhà máy) nuôi trồng thủy sản hiện đại - thân thiện môi trường và du lịch, trong dải vùng cát ven biển.
Khuyến khích phát triển các tổ hợp công nghiệp kết hợp với dịch vụ và đô thị/dân cư; Phục hồi môi trường vùng rừng sinh thái vùng cát, phát triển dịch vụ môi trường, đan xen các khu du lịch và dân cư phát triển mới trong vùng rừng; Xây dựng sân bay tại Gio Linh và cảng biển tại Mỹ Thủy…