Trong bối cảnh lãi suất ngân hàng giảm, những phiên gần đây, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng liên tục tăng mạnh, là động lực chính giúp các chỉ số chứng khoán Việt Nam đi lên.
Ảnh minh họa: TTXVN
Cuối phiên sáng 2/6, cả 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tăng mạnh, thậm chí KLB và NVB tăng kịch trần, các mã tăng mạnh khác như: VIB tăng 6,5%, ABB tăng 5,8%, VBB tăng 5,7%, TCB tăng 5,4%, VAB tăng 4,9%, NAB tăng 4,7%, MBB tăng 4,5%...
Chuyên gia phân tích Trần Tánh tới từ Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết, quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhằm kích thích nền kinh tế trong bối cảnh GDP quý I/2023 tăng trưởng thấp. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức mục tiêu cả năm là 4,5%, điều này hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước linh hoạt trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Lãi suất giảm sẽ giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, từ đó giúp các ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người vay. Ngoài ra, tiền gửi có kỳ hạn sẽ kém hấp dẫn hơn do lãi suất thấp hơn có thể giúp tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA), góp phấn làm giảm chi phí huy động vốn cho các ngân hàng.
Lãi suất giảm cũng phần nào giúp giảm bớt gánh nặng cho người đi vay, từ đó làm giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng. Ngoài ra, các tài sản rủi ro, bao gồm cả cổ phiếu cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất.
Tại hội thảo chứng khoán với chủ đề “La bàn giữa vùng biển động” được YSVN tổ chức hồi tháng 3 năm nay, ông Matthew Smith, Giám đốc Phân tích của YSVN nhận định: với ngành ngân hàng, khi lãi suất giảm, chi phí huy động của các nhà băng sẽ được giảm xuống. Lãi suất đầu ra cho vay vì thế cũng hạ nhiệt, từ đó khả năng hoàn trả nợ vay của các khách hàng được cải thiện.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt và là ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành liên tiếp vào tháng Ba, tháng Tư và tháng Năm. Đồng thời, mặt bằng lãi suất ngân hàng áp dụng đối với khách hàng cũng giảm sớm và nhanh hơn dự kiến của các chuyên gia.
Tính tới ngày 29/5/2023, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã giảm khoảng từ 2 - 3% so với đầu năm tại nhiều ngân hàng. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng hiện đang quanh mức từ 8 - 8,5%, nhưng SSI nhận thấy một số ngân hàng vẫn đưa ra mức lãi suất hấp dẫn trên 9%. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước có mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng quanh mức 7%.
Việc nới lỏng chính sách tiền tệ không chỉ được phản ánh thông qua việc cắt giảm lãi suất mà còn thông qua một số thông tư liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho phép các ngân hàng cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ.
Dữ liệu vĩ mô thế giới không được khả quan như kỳ vọng và số liệu của Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong bối cảnh đó, các tác động đối với ngành ngân hàng có thể được thể hiện qua những yếu tố như tăng trưởng tín dụng yếu đi, tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn dự kiến.
Kết quả kinh doanh quý I/2023 của các ngân hàng mà SSI đang nghiên cứu bắt đầu thể hiện phần nào những tác động này. SSI cho biết, nhu cầu tín dụng yếu trong 4 tháng đầu năm. Trong nhóm ngân hàng SSI nghiên cứu, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với quý I/2022 (đạt 20%). Động lực tăng trưởng chính đến từ các khoản cho vay ngắn hạn cho doanh nghiệp, ngoại trừ Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Dư nợ cho vay ngành bất động sản và xây dựng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, có thể thấy rõ tại một vài ngân hàng. Do tình hình kinh tế thế giới và trong nước không mấy thuận lợi nên các lĩnh vực khác chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn.
Điều này cũng phù hợp với số liệu toàn hệ thống ngân hàng; trong đó, tăng trưởng tín dụng chung chỉ đạt khoảng 3% so với đầu năm và tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 9,78% tính tại thời điểm cuối tháng Tư. Cho vay bán lẻ yếu đi do nhu cầu mua nhà suy giảm và diễn biến này có phần tương đồng với quý I/2020. Chất lượng tài sản giảm nhanh hơn dự kiến, không chỉ xuất phát từ thị trường bất động sản mà còn từ các lĩnh vực khác do tình hình kinh tế không thuận lợi.
Với tình hình vĩ mô hiện tại, SSI cho rằng, phần nào có thể hiểu được tại sao các ngân hàng có tỷ trọng lớn đối với cho vay ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Cùng với đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thu hẹp nhiều hơn kỳ vọng so với quý trước do lãi suất cho vay giảm để kích cầu tín dụng và hạn chế hình thành nợ xấu. Nhìn chung, NIM giảm 24 điểm cơ bản so với quý trước; trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là ngân hàng có NIM thu hẹp nhiều nhất. Ngược lại, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) lại ghi nhận mức NIM tăng trưởng tốt trong quý I/2023.
Đối với hầu hết các ngân hàng, do nhu cầu tín dụng chưa hồi phục, SSI nhận thấy các ngân hàng không thể chuyển toàn bộ mức tăng trong lãi suất huy động sang lãi suất cho vay khách hàng và mức chênh lệch này đã thu hẹp khoản 31 điểm cơ bản so với quý trước.
SSI cho rằng, các ngân hàng sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về những khách hàng đủ điều kiện để cơ cấu lại nợ dựa trên khả năng phục hồi của họ trong nửa cuối năm 2024. Hiện tại, vấn đề này đang được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, thay vì có một giải pháp tổng thể cho toàn bộ các dự án. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, năm 2023, ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng xuống 10% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng tại các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ khả quan hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Văn Giáp (TTXVN)