Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã cùng chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 55/59 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án. Đến nay, đã có 11 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 545,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.
Theo thông tin từ EVN, đến ngày 23/6/2023, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện, tăng thêm 2 dự án so với thống kê ngày 13/6.
Trong đó, có 59 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.211,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã cùng các chủ đầu tư các dự án điện chuyển tiếp hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 55/59 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án, tăng 8 dự án so với ngày 13/6.
Đã có 11 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 545,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới. (Ảnh minh họa)
Có 11 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 545,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 22/6, đạt khoảng 59,47 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Cũng theo EVN, đến thời điểm hiện nay, có 19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 36 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Như vậy, hiện vẫn còn 15 dự án chuyển tiếp với tổng công suất 882,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Liên quan đến tình hình phát triển nguồn cung ứng điện, mới đây Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đối với Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Trong Dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà và các yêu cầu.
Bộ Công Thương đề xuất cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà. (Ảnh minh họa)
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt theo quyết định này trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.
Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương cũng đề xuất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thoả thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt trước đây đáp ứng điều kiện là đối tượng của quyết định này thì được áp dụng quy định này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nêu rõ tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Bộ Công Thương đề nghị văn bản trả lời, góp ý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi về Bộ Công Thương trước ngày 24/6/2023 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Tại Quy hoạch Điện 8 vừa được Thủ tướng phê duyệt tháng trước, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam được xác định khoảng 963.000 MW, trong đó, điện mặt trời mái nhà khoảng 48.200 MW.
Quy hoạch xác định ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.
Hồng Quang