Sang Việt Nam từ khi mới chỉ là sinh viên nghiên cứu của Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1997, GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cấp tỉnh ở Việt Nam đã bị thu hút và ấn tượng với tinh thần kinh doanh của người Việt, cũng như những lựa chọn mà Việt Nam phải thực hiện để phát triển kinh tế.
Như tôi được biết, ông đã có một thời gian dài hơn hai thập kỷ nghiên cứu về Việt Nam. Tại sao ông chọn Việt Nam cho sự nghiệp nghiên cứu, thay vì Thái Lan, Indonesia hay các nước Đông Nam Á khác?
Tôi đến Việt Nam khi mới chỉ là một cậu sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1997. Vào thời điểm đó, Việt Nam đang trong quá trình cải cách kinh tế và tôi đã có cơ hội được đi du lịch ở các địa phương.
Chính vì những chuyến đi, may mắn được gặp rất nhiều người, nên tôi ngày càng bị thu hút và mê hoặc bởi những lựa chọn mà Việt Nam phải thực hiện để kinh tế phát triển. Tôi bị Việt Nam thu hút đến mức mỗi khi đọc báo, hay khi làm luận án, tất cả những gì tôi có thể nghĩ đến là những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt và làm thế nào để có thể khắc phục các vấn đề.
Ngay từ những năm đầu ở Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên trước tinh thần kinh doanh của những con người nơi đây. Thậm chí, trước khi Việt Nam ban hành Luật Doanh nghiệp, tôi đã có dự cảm rằng, nếu tinh thần kinh doanh của người Việt cũng như khu vực doanh nghiệp tư nhân được phát triển đúng hướng, Việt Nam sẽ sớm thành công, trở thành con hổ kinh tế mà mọi người vẫn hay gọi trong khoảng thời gian gần đây.
Và bạn biết đấy, sự phát triển của Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã chứng minh rằng những suy nghĩ lạc quan ban đầu của tôi về Việt Nam đã đúng. (Cười)
Động lực nào đã khiến ông và các cộng sự xây dựng nên bộ chỉ số PCI?
Ai cũng gọi tôi là “cha đẻ” của PCI nhưng thật sự một mình tôi không thể làm được điều đó. (Cười) Bạn biết đấy, PCI có rất nhiều “người cha”, tôi đã làm việc với VCCI trong một thời gian dài để xây dựng PCI, và công sức của họ xứng đáng để được ghi nhận.
PCI bắt đầu được xây dựng và đưa vào nghiên cứu từ năm 2004. Vào thời điểm này, ở Việt Nam đã ban hành rất nhiều bộ luật, từ luật doanh nghiệp cho đến luật đất đai. Thế nhưng, cùng là một bộ luật đó nhưng mỗi địa phương lại có những cách hiểu, cách áp dụng và thực thi vô cùng khác nhau.
Trong bối cảnh đó, nhóm nghiên cứu PCI mong muốn cung cấp một kênh hỗ trợ các địa phương hiểu được các bộ luật được trung ương ban hành, từ đó giúp họ thực thi các bộ luật đó một cách hiệu quả hơn. Đây có thể được xem là động lực ban đầu để tôi cũng như nhóm nghiên cứu xây dựng PCI.
Sau này, qua những lần rút kinh nghiệm và cải thiện, chúng tôi muốn chỉ ra cho các địa phương, đặc biệt là các tỉnh nghèo thấy rằng, để cải thiện kinh tế địa phương không chỉ tập trung riêng vào cơ sở hạ tầng hay nguồn lao động mà còn là tập trung phát triển cho khu vực tư nhân.
Có một điều đôi khi mọi người không biết đó là việc chúng tôi xây dựng PCI chưa bao giờ nhắm đến mục tiêu tạo ra thứ hạng so sánh giữa các địa phương. Mục đích của việc xếp hạng chỉ là bước ban đầu để chúng tôi có thể xác định tỉnh nào đang làm tốt, từ đó tìm ra những cách làm tốt nhất của họ và sau đó truyền đạt lại cho các tỉnh khác.
Một trong những nội dung rất được quan tâm của báo cáo PCI là về vấn đề thu hút FDI. Theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI đã có xu hướng tăng lên. Vậy sự phát triển này đã tương xứng với tiềm năng cũng như khả năng thực sự của nhóm doanh nghiệp này hay chưa?
Đây chính là một trong những phát hiện quan trọng nhất của báo cáo PCI gần đây, đó là ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ký hợp đồng hợp tác với các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang ngày càng đổi mới hơn, sôi động hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Thế nhưng, để trả lời rằng những doanh nghiệp nội địa này đã phát triển tương xứng với tiềm năng hay chưa, hay họ đã sử dụng tối đa tiềm năng để trở thành nhà cung ứng tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài hay chưa, tôi nghĩ rằng hiện tại có thể chưa, nhưng những doanh nghiệp này đang rất nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Và tôi chắc chắn rằng cơ hội để nhóm doanh nghiệp này phát huy tối đa khả năng của họ vẫn còn rất lớn.
Mặc dù là một nền kinh tế mở cũng như là điểm đến của các doanh nghiệp trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Theo ông, liệu điều này có là một vấn đề cần quan tâm hay không?
Đây là một câu hỏi khá thú vị (cười). Tôi sẽ lấy ví dụ về Samsung để dễ hình dung. Chúng ta đều biết rằng, Samsung hiện tại đã đầu tư và đang có rất nhiều hoạt động tại Việt Nam. Về tổng thể, Samsung là một doanh nghiệp lớn và chúng ta đều nghĩ như vậy.
Nhưng nếu nhìn vào dữ liệu điều tra doanh nghiệp, các doanh nghiệp của Samsung hoạt động ở Việt Nam đều là các công ty con, với quy mô nhỏ hơn so với quy mô của cả tập đoàn. Điều này sẽ giải thích tại sao báo cáo PCI lại cho rằng phần lớn các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay có quy mô vừa và nhỏ.
Thế nhưng, điều tôi muốn lưu ý ở đây là chúng ta phải nhìn rộng ra cả một chuỗi cung ứng. Mặc dù các doanh nghiệp này là nhỏ, nhưng theo những gì PCI đã khảo sát, hầu hết những doanh nghiệp FDI này đều nói rằng họ liên kết với một chuỗi cung ứng. Nghĩa là, những doanh nghiệp này đều là mắt xích, là trung gian cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các công ty khác trong một chuỗi cung ứng nào đó.
Vì vậy, chúng ta không nhất thiết phải quan tâm đến việc quy mô FDI là lớn hay nhỏ, không phải chỉ có mỗi doanh nghiệp FDI lớn mới đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng mà các doanh nghiệp nhỏ hơn cũng sẽ có vai trò tương đương như vậy.
Chưa kể, theo những gì tôi quan sát, hiện tại các khoản đầu tư mới đều đang hướng đến Việt Nam, trong số đó có những khoản đầu tư tương đối lớn. Cho nên, câu hỏi quan trọng hơn dành cho Việt Nam bây giờ đó là, liệu lực lượng lao động hay hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay có đủ khả năng để đón nhận những khoản đầu tư của các doanh nghiệp lớn trên thế giới hay không.
Có ý kiến cho rằng, vai trò khu vực FDI ở Việt Nam tương đối lớn, dẫn đến rủi ro nền kinh tế sẽ dần trở nên quá phụ thuộc vào khu vực này. Theo ông, Việt Nam có thể làm gì để giảm thiểu tình trạng này?
Đúng là khu vực FDI chịu trách nhiệm cho một phần lớn sản xuất công nghiệp và chiếm hơn 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, khi nền kinh tế phát triển, Việt Nam sẽ muốn có những công ty của riêng mình có khả năng xuất khẩu trên thị trường quốc tế thay chỉ phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.
Và để làm được điều này, theo tôi, Việt Nam cần kết nối khu vực tư nhân với chuỗi cung ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, để họ có thể học hỏi, phát triển và trở nên năng suất hơn trong lĩnh vực xuất khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ chế, điều kiện hiện nay đang tạo môi trường cho thuận lợi cho doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp tư nhân. Liệu điều này có đúng hay không?
Không phải lĩnh vực nào khu vực nước ngoài cũng cạnh tranh trực tiếp với khu vực tư nhân trong nước. Rất khó để biết được rằng liệu doanh nghiệp FDI có được ưu ái hơn doanh nghiệp trong nước hay không.
Nếu nhìn vào dữ liệu PCI và so sánh giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI, chúng ta sẽ thấy một số tỉnh rõ ràng ủng hộ khu vực nước ngoài và khu vực nước ngoài rất hài lòng về điều đó. Ngược lại, một số địa phương lại ủng hộ các doanh nghiệp trong nước đầu tư hơn là các doanh nghiệp nước ngoài.
Tôi cho rằng, đây không phải là vấn đề cấp quốc gia vì điều này sẽ phụ thuộc vào quan điểm phát triển của từng địa phương.
Kể từ khi bộ chỉ số PCI được xây dựng đến nay, theo dõi môi trường kinh doanh ở Việt Nam, nhìn chung ông thấy mọi thứ đã thay đổi như thế nào?
Phải nói rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi một cách đáng kinh ngạc, khác rất nhiều so với thời điểm chúng tôi bắt đầu nghiên cứu PCI vào năm 2004. Vào lúc đó, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế của phần lớn địa phương.
Chưa kể, trong khoảng thời gian đó, Việt Nam vẫn chưa thật sự hiểu về tầm quan trọng của việc giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính, ví dụ như đăng ký đất đai, vẫn vô cùng khó khăn. Thế nhưng, những vấn đề này ở thời điểm hiện tại đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Nhưng chính vì môi trường kinh doanh thay đổi quá nhanh cũng trở thành thách thức với nhóm nghiên cứu PCI hiện nay. Cứ mỗi 4 năm, chúng tôi sẽ phải điều chỉnh bộ chỉ số để có thể theo kịp với tốc độ thay đổi môi trường kinh doanh ở các địa phương.
Đâu là yếu tố thành phần có sự cải thiện nhất kể từ khi bộ chỉ số PCI bắt dầu được nghiên cứu vào năm 2004, thưa ông?
Để nói về yếu tố đã được cải thiện nhiều nhất ở các địa phương trong vòng gần 20 năm qua, theo tôi, chi phí đầu vào chắc chắn sẽ là yếu tố chúng ta có thể thấy rõ nhất. Bộ chỉ số PCI bắt đầu được chúng tôi nghiên cứu không lâu sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2000. Vào lúc đó, mặc dù Luật doanh nghiệp đã có hiệu lực được vài năm nhưng vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn chưa thông qua và áp dụng bộ luật này.
Tại thời điểm đó, để có thể đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải mất một thời gian dài đợi chờ, phải chuẩn bị rất nhiều giấy tờ và thông qua nhiều bước. Thế nhưng, hiện tại, các doanh nghiệp có thể thực hiện việc này hoàn toàn trực tuyến, với thời gian có khi chỉ mất 1 ngày thông qua dịch vụ công một cửa. Đây là một sự thay đổi rất đáng được ghi nhận ở các địa phương.
Yếu tố thứ hai cũng đã được cải thiện rất nhiều nhưng có lẽ không phải ai cũng có thể nhận ra, đó là chỉ số đề cập đên sự thiên vị trong chính sách, hoặc có thể hiểu đơn giản là sự thiên vị của chính sách đối với các doanh nghiệp nhà nước. Thực tế, sẽ có rất nhiều người đã quên đến sự tồn tại của chỉ số này, vì hiện tại, chúng tôi đã loại bỏ chỉ số đó ra khỏi những yếu tố đo lường khả năng cạnh tranh của các địa phương.
Lý do cho việc loại bỏ chỉ số này là hiện tại một số địa phương đã không còn doanh nghiệp nhà nước, cho nên dữ liệu để đo lường cho chỉ số này ở các địa phương đã không còn đầy đủ. Điều này cho thấy sự thiên vị cho doanh nghiệp nhà nước ở các địa phương đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Không chỉ vậy, chất lượng lao động và tuyển dụng lao động cũng là những yếu tố cải thiện nhiều nhất kể từ năm 2004. Ngoài ra, kể từ năm 2016, chỉ số về các loại phí không chính thức cũng đã được cải thiện hơn so với trước đây.
Trái ngược với những yếu tố đã cải thiện, theo ông, chỉ số nào có mức độ cải thiện yếu nhất và vẫn là một điểm nghẽn lớn tính đến thời điểm hiện tại?
Theo như báo cáo PCI mới nhất, có hai chỉ số đã được chúng tôi đề cập rất nhiều đó là chỉ số minh bạch và chỉ số về thể chế pháp lý. Liên quan đến yếu tố minh bạch, chúng ta đều biết tầm quan trọng của sự minh bạch, tuy nhiên, theo khảo sát của PCI, rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin tài liệu.
Cụ thể, có một hiện trạng đó là nhiều văn bản đều được các địa phương công khai trên các website. Nhưng vì một lý do nào đó, các doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được những tài liệu này và tình hình vẫn chưa có xu hướng cải thiện.
Còn về thể chế pháp lý, tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều công ty vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với hệ thống tư pháp. Nguyên nhân bởi những doanh nghiệp này lo lắng về việc, liệu họ có được xét xử công bằng hay không nếu như doanh nghiệp của họ xảy ra tranh chấp kinh doanh. Mặc dù Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp để cải thiện các thể chế trong việc giải quyết tranh chấp, như trọng tài và hòa giải, nhưng từ góc độ doanh nghiệp, tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Đề xuất của ông cho những nút thắt này là gì?
Liên quan đến các yếu tố tư pháp, tôi nghĩ chính quyền địa phương không thể tự mình làm được gì nhiều. Họ chắc chắn cần sự giúp đỡ từ Chính phủ để cải thiện. Theo tôi, việc mở rộng khả năng hòa giải ở cấp địa phương hay tiếp cận các đơn vị như Trung tâm Trọng tài Việt Nam sẽ thực sự hữu ích.
Đối với quan điểm của tôi, việc giải quyết tranh chấp thực sự quan trọng để đảm bảo rằng các công ty tin vào tính pháp lý của các hợp đồng kinh doanh cũng như tin tưởng vào hệ thống pháp luật.
Về tính minh bạch, theo tôi, chúng ta mới chỉ đang dừng ở việc đưa văn bản lên website của tỉnh hay của sở. Chưa kể, một số trang web ở một số địa phương hoạt động không liên tục, thậm chí không hoạt động. Do đó, tôi cho rằng, lãnh đạo các địa phương cần phải làm nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm các tài liệu phục vụ cho việc tìm hiểu môi trường, cũng như thủ tục đầu tư ở các địa phương.
Việc tiếp cận thông tin và tính minh bạch vô cùng rất quan trọng. Các doanh nghiệp sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều nếu họ hiểu rõ hơn về các vấn đề vĩ mô của một địa phương trước khi đưa ra quyết định đầu tư, như cơ sở hạ tầng sẽ được lên kế hoạch xây dựng ở đâu, đất đai sẽ được quy hoạch ra sao, phân loại như thế nào.
Các doanh nghiệp sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều nếu họ hiểu rõ hơn về các vấn đề vĩ mô của một địa phương trước khi đưa ra quyết định đầu tư, như cơ sở hạ tầng sẽ được lên kế hoạch xây dựng ở đâu, đất đai sẽ được quy hoạch ra sao, phân loại như thế nào.
Ngoài hai yếu tố kể trên, tôi cũng phải lưu ý rằng, mặc dù chất lượng lao động và đào tạo lao động ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, nhưng tôi nghĩ vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa kỹ năng của người lao động phù hợp với nhu cầu mới của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, và Việt Nam trở thành điểm đến của rất nhiều khoản đầu tư.
Cảm ơn chia sẻ của ông!
Quỳnh Anh - Nhật Vũ